Xung quanh việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố đang xem xét cấm Alibaba

VietTimes – Tổng thống Mỹ Trump hôm thứ Bảy (15/8) cho biết ông đang xem xét các lệnh cấm đối với các công ty công nghệ Trung Quốc khác như Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba.
Ngày 15/8, ông Donald Trump đã tuyên bố đang xem xét áp dụng lệnh cấm đối với Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc (Ảnh: seehua).
Ngày 15/8, ông Donald Trump đã tuyên bố đang xem xét áp dụng lệnh cấm đối với Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc (Ảnh: seehua).

Theo Reuters, tại cuộc họp báo tại Câu lạc bộ golf ở Bedminster, bang New Jersey vào thứ Bảy,  khi được hỏi liệu ông có cân nhắc việc cấm các công ty công nghệ Trung Quốc khác hoạt động tại Mỹ hay không, Trump cho biết ông đang cân nhắc.

Đầu tiên ông Trump nói, công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc hiện đã bị Mỹ cấm là Huawei. Ông nói Huawei không được phép hoạt động tại Mỹ và ông cũng cảnh báo các quốc gia khác, chẳng hạn như Australia, không nên sử dụng Huawei. Ông Trump nói rằng Mỹ đã nói với các nước khác rằng nếu họ muốn sử dụng Huawei, Mỹ sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với họ, vì vậy những nước đó đã chọn từ bỏ Huawei.

Ông Trump cho biết hiện tại đã thấy Vương quốc Anh bày tỏ quan điểm của mình, Mỹ vẫn đang xem xét liệu các quốc gia khác có làm theo, cấm sử dụng Huawei hay không.

Cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt, Tổng thống Donald Trump đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ với Trung Quốc (Ảnh: Apple Daily).
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt, Tổng thống Donald Trump đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ với Trung Quốc (Ảnh: Apple Daily).

Khi được truy vấn: “Có phải ông vẫn đang xem xét việc cấm các công ty Trung Quốc khác, chẳng hạn như Alibaba hay không?”. Ông Trump trả lời: “Well,yeah,we're looking at other things, yes,we are” (Đúng vật! Chúng tôi đang xem xét các thứ khác”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông hôm 10/8 đã nói, Mỹ đã thất bại trong chính sách tiếp xúc Trung Quốc 50 năm qua, Tổng thống Trump biết rõ điều này.

Ông Mike Pompeo nói rằng Mỹ không có ác ý với người dân Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ để trục lợi, và Mỹ không thể cho phép điều này tiếp tục xảy ra nữa.

Khi được hỏi Mỹ sẽ ứng phó như thế nào với Trung Quốc và liệu có áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các quan chức và doanh nhân Trung Quốc hay không, Pompeo nói: "Chúng tôi có một loạt các hành động đang được xem xét”.

"Những hành động này sẽ chỉ khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng khi họ đối xử tệ với người Mỹ, khi họ ăn cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi, khi họ đe dọa mọi người trên toàn thế giới - như theo Luật an ninh quốc gia mới này, hiện họ đang săn lùng ít nhất hai công dân Mỹ - khi họ vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn ... Khi họ làm những việc này, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn và mục tiêu của Tổng thống Trump là yêu cầu họ (Trung Quốc) làm điều đúng đắn”, ông nói.

Thông tin của phóng viên Bloomberg về tuyên bố xem xét cấm Alibaba của ông Trump (Ảnh: Twitter).
Thông tin của phóng viên Bloomberg về tuyên bố xem xét cấm Alibaba của ông Trump (Ảnh: Twitter).

Ông Pompeo một lần nữa nhắc lại, khi giao dịch với Trung Quốc, trước tiên chúng ta cần "không tin tưởng" và sau đó "xác minh". Ông nói rõ rằng mục đích của một loạt các hành động mà Mỹ thực hiện chống lại Trung Quốc hiện nay là để "thúc đẩy thay đổi trong hành vi của Trung Quốc. Đơn giản vậy thôi”.

Đầu tháng 8 này, Mỹ đã phê phán các ứng dụng TikTok, WeChat thuộc các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc gây nên mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ; lo ngại Alibaba, Baidu, China Mobil và các công ty dịch vụ đám mây lớn của Trung Quốc thu thập trái phép thông tin; đưa ra chiến dịch Clean Network (mạng sạch), mở rộng việc cấm các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, sẽ loại bỏ các ứng dụng hoặc công ty Trung Quốc “không đáng tin cậy” ra khỏi nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu, 14/8 đã kí mệnh lệnh hành chính yêu cầu công ty mẹ Byte Dance của ứng dụng TikTok trong vòng 90 ngày phải bán hoặc rời bỏ hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ.

Theo Apple Daily, tại cuộc họp báo hôm 15/8, ông Trump cũng đề cập đến thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ, nói rằng Trung Quốc đang mua một lượng lớn bất thường nông sản và gia súc của Mỹ, điều này khiến ông rất vui.  Ông nói Trung Quốc đã mua một lượng ngô kỷ lục trong hai ngày cuối tuần trước, đồng thời cũng mua một lượng lớn đậu tương và thịt bò. Ông nói: "Trung Quốc đã mua rất nhiều thứ,  họ đã khiến tôi hài lòng khi làm như vậy”.

Tổng thống Mỹ Trump và ông chủ Alibaba Jack Ma vốn có quan hệ tốt đẹp (Ảnh: businessinsider).
Tổng thống Mỹ Trump và ông chủ Alibaba Jack Ma vốn có quan hệ tốt đẹp (Ảnh: businessinsider).

Hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc và Mỹ đã ký giai đoạn đầu của hiệp định thương mại. Đại diện của hai bên dự kiến tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào thứ Bảy để xem xét việc thực hiện hiệp định, nhưng bất ngờ thông báo hoãn lại. Reuters trích lời một nguồn tin cho biết lý do hoãn là cuộc họp của giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Đới Hà.

Theo thỏa thuận đã kí, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD nông sản và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới, trong đó bao gồm 32 tỷ USD hàng nông sản.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow gần đây nói rằng chính phủ Donald Trump hài lòng với việc Trung Quốc hoàn thành cam kết mua hàng hóa của Mỹ và nói Mỹ sẽ "tiếp tục tham gia", ngụ ý rằng thỏa thuận thương mại sẽ tiếp tục được duy trì.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 16/8, trước đó CNN hôm 13/8 đã dự đoán Alibaba có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong lệnh cấm của Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Pompeo trước đó đã hối thúc các công ty Mỹ loại bỏ khỏi mạng Internet các công ty công nghệ Trung Quốc không đáng tin cậy, trong đó bao gồm Alibaba.

Theo phân tích của CNN, không giống như ByteDance và Huawei, Alibaba không đạt được thành công lớn trong việc mở rộng sang các thị trường phương Tây, nhưng bài báo của CNN cũng dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Hinrich tại Đại học Quốc gia Singapore, Alex Capri nói Alibaba là công ty dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc. Điều đó đủ để Washington coi nó là mục tiêu.

 Giống như Alibaba, WeChat đã không đạt được thành công lớn ở Mỹ. Tuy nhiên, WeChat ngày nay đã trở thành mục tiêu trọng điểm bị đánh sau TikTok. Điều này thực sự có thể cho thấy, địa chính trị đang trải qua một sự thay đổi lịch sử và chính phủ Mỹ đang thực sự tìm cách “tách rời” Trung Quốc về công nghệ.

CNN viết về khả năng Alibaba trở thành mục tiêu tiếp theo của ông Trump sau TikTok và WeChat (Ảnh: CNN).
CNN viết về khả năng Alibaba trở thành mục tiêu tiếp theo của ông Trump sau TikTok và WeChat (Ảnh: CNN).

Là một trong những gã khổng lồ công nghệ thành công nhất của Trung Quốc, việc mở rộng toàn cầu luôn là mục tiêu của Alibaba. Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chắc chắn giữa hai bên có những điểm giao cắt.

Vào năm 2014, Alibaba đã chọn niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán New York và nguồn vốn của nó đạt mức đáng kinh ngạc 25 tỷ USD, lập kỷ lục toàn cầu trong năm đó.

Trước và sau khi niêm yết, Alibaba đã dấn thân vào con đường đầu tư rầm rộ tại Mỹ. Kể từ năm 2013, Alibaba đã lần lượt đầu tư vào chuỗi thương mại điện tử sản phẩm thể thao Fanatics, nhà cung cấp logitic ShopRunner, công ty tìm kiếm ứng dụng Quixey Quixey, ứng dụng xã hội video Tango, phần mềm chia sẻ chuyến đi Lyft, nhà sản xuất trò chơi Kabam, công ty thương mại điện tử mẹ và bé Zulily và ứng dụng xã hội Snapchat, v.v. Phạm vi hoạt động của nó khiến người ta kinh ngạc.

Tuy nhiên, tham vọng lớn của Alibaba không được trải đường đón nhận ở Mỹ. Vào tháng 2 năm 2011, Mỹ đã lần đầu đưa ra danh sách đầu tiên về "thị trường xấu" với lý do bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và Alibaba cũng nằm trong danh sách này.

    Tháng 12/2016, Mỹ một lần nữa đơn phương đưa Alibaba vào "danh sách đen"

    Vào tháng 1 năm 2018, Mỹ đã buộc đình chỉ kế hoạch mua lại MoneyGram của họ với lý do "an ninh quốc gia"

    Vào tháng 4 năm 2018, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã đề xuất hạn chế kế hoạch phát triển của Alibaba Cloud tại Hoa Kỳ, cho rằng giá của Alibaba Cloud quá rẻ và không công bằng đối với Google và Amazon.

Có lẽ cũng hiểu nước Mỹ nhưng không đẹp, năm 2018, Alibaba Cloud đã quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng tại Mỹ và tuyên bố rút khỏi cuộc cạnh tranh với Google và Amazon. Đồng thời, Alibaba cũng chuyển trọng tâm đầu tư sang châu Á. Để thu hút người tiêu dùng mới nổi của các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á, Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Lazada của Singapore từ năm 2017 đến 2018 và đi đầu đầu tư 1,1 tỷ USD vào thị trường trực tuyến Tokopedia của Indonesia.

Tuy nhiên, mặc dù thay đổi trọng tâm, Alibaba vẫn không từ bỏ thị trường Mỹ. Năm ngoái, Alibaba đã mở hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cho các công ty nhỏ của Hoa Kỳ. Lần đầu tiên họ ra mắt phiên bản tiếng Anh của nền tảng Tmall. Các khách hàng đã đăng ký bao gồm Apple, Nike và Johnson & Johnson. Dự kiến trong vòng 3 năm số lượng thương hiệu nước ngoài tham gia Tmall sẽ tăng gấp đôi, lên tới 40.000.