Xung quanh việc Indonesia gửi công hàm lên LHQ bác bỏ “Đường biên giới 9 đoạn” của Trung Quốc

VietTimes – Ngày 4/6 Chính phủ Indonesia bất ngờ tuyên bố, vào cuối tháng 5 họ đã đệ đơn lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, khiến quốc tế chú ý rộng rãi.
Vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế  của Indonesia là nơi xảy ra tranh chấp giữa Indonesia với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là nơi xảy ra tranh chấp giữa Indonesia với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Lần xảy ra tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông gần đây nhất là từ cuối năm 2019 đến tháng 1/2020. Tại sao nửa năm sau, đến nay phía Indonesia mới đưa vụ tranh chấp này lên diễn đàn quốc tế lớn nhất? Đằng sau bức công hàm bất ngờ của chính phủ Indonesia ẩn chứa nhiều cân nhắc.

Theo The Nihon Keizai Shimbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản) ngày 4/6, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm 4/6 đã thông báo tại một cuộc họp báo dành cho các phóng viên nước ngoài: bà đã gửi công hàm cho Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Bức công hàm được gửi vào ngày 26/5 đã thể hiện phản đối rõ ràng cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” của Trung Quốc và yêu sách “chủ quyền lịch sử” mà Bắc Kinh chủ trương trong vùng biển này.

Ngoại trưởng Retno: "Yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và chính phủ Indonesia kiên trì lập trường nhất quán của mình” (Ảnh: Đa Chiều).
Ngoại trưởng Retno: "Yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và chính phủ Indonesia kiên trì lập trường nhất quán của mình” (Ảnh: Đa Chiều).

Công hàm đã ủng hộ phán quyết do Tòa án quốc tế The Hague ban hành vào tháng 7/2016 rằng cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” thiếu cơ sở luật pháp quốc tế. Bà Retno Marsudi nhấn mạnh tại cuộc họp báo: "Yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và chính phủ Indonesia kiên trì lập trường nhất quán của mình”.

Bài báo của The Nihon Keizai Shimbun chỉ ra rằng, khác với Philippines, Việt Nam và Malaysia, Indonesia không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Thế nhưng, quần đảo Natuna của Indonesia nằm ở cực nam của Biển Đông và vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natruna chồng lấn với “Đường biên giới 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vạch ra. Do đó, Indonesia đã tăng cường cảnh giác hơn về các tàu cá Trung Quốc nhiều lần hoạt động trên vùng biển này.

Bài báo cho rằng Indonesia đã chọn gửi công hàm cho Liên Hợp Quốc chống lại yêu sách của Trung Quốc vào thời điểm này, bởi vì Trung Quốc đã lợi dụng các nước đang bận rộn đối phó với dịch bệnh COVID-19 để tăng cường ảnh hưởng ở Biển Đông. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã thiết lập hai khu vực hành chính mới cấp quận ở Biển Đông; đồng thời biên đội tàu sân bay Liêu Ninh cũng triển khai huấn luyện quân sự trên vùng biển này.

Tổng thống Widodo hôm 8/1/2020 đã tới Natuna để thể hiện chủ quyền và tuyên bố: "Không được sự cho phép của chính phủ chúng ta, nước ngoài không được đặt chân lên lãnh thổ Indonesia, dù chỉ một tấc" (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Widodo hôm 8/1/2020 đã tới Natuna để thể hiện chủ quyền và tuyên bố: "Không được sự cho phép của chính phủ chúng ta, nước ngoài không được đặt chân lên lãnh thổ Indonesia, dù chỉ một tấc" (Ảnh: Reuters).

The Nihon Keizai Shimbun cũng đề cập, kể từ tháng 5 đến nay, nhiều thuyền viên người Indonesia trên các tàu đánh cá Trung Quốc có thể đã chết do lao động quá mức, sau đó thi thể bị ném xuống biển. Sự kiện này cũng đã làm trầm trọng thêm ấn tượng xấu của người dân Indonesia về Trung Quốc.

Vào cuối năm 2019, Indonesia đã nhiều lần cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Natuna. Theo truyền thông Indonesia dẫn hồ sơ ghi chép của Cục An toàn Hàng hải Indonesia, từ ngày 19 đến 24/12 đã có ít nhất 63 vụ tài cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Natuna. Trong đó, hàng chục tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi theo hộ tống các tàu cá.

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên (Xiao Qian) tới, bày tỏ kịch liệt phản đối và trao công hàm phản đối chính thức.

Ngày 7/1/2020, người phát ngôn của Không quân Indonesia tuyên bố rằng 4 máy bay chiến đấu F-16 đã thực hiện nhiệm vụ bay tuần tra thường xuyên trên vùng trời quần đảo Natuna để bảo vệ khu vực có chủ quyền. Vào ngày 8/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã lên quần đảo Natuna thị sát để thể hiện chủ quyền. Vào ngày 10/1, Phủ Tổng thống Indonesia đã ra tuyên bố nói ông Joko Widodo đã gửi lời mời Nhật Bản đầu tư vào Quần đảo Natuna.

Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Indonesia bám sát tàu hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển Natuna hồi tháng 1/2020 (Ảnh: Đa Chiều).
Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Indonesia bám sát tàu hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển Natuna hồi tháng 1/2020 (Ảnh: Đa Chiều).

Được biết, Công hàm 126/POL-703/V/20 đề ngày 26/5 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Liên Hợp Quốc của Indonesia thực chất là phản ánh lại nội dung của công hàm số 480/POL-703/VII/10 ngày 8/7/2010 trước đây của Indonesia, thể hiện các nội dung chính, bao gồm:

Thứ nhất, Indonesia tái khẳng định một lần nữa rằng Indonesia không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ Biển Đông.

Thứ hai, Indonesia lưu ý rằng lập trường của mình liên quan tới quyền được có trên biển của các thực thể trên biển (tức đảo, đá và bãi cạn khi chìm khi nổi) được phản ánh trong công hàm năm 2010, đã được công nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Thứ ba, Indonesia khẳng định lại bản đồ thể hiện cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” của Trung Quốc thể hiện yêu sách chủ quyền lịch sử rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và mang mức độ nghiêm trọng tương đương với việc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Cuối cùng, Indonesia khẳng định, với tư cách một quốc gia tham gia UNCLOS 1982, nước này nhất quán trong việc kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm UNCLOS 1982.