Xung quanh việc Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông

VietTimes – Ngày 7/8 theo giờ Washington, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuyên bố trừng phạt 11 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc, trong đó có bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông và ông Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông.
11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông bị Bộ Tài chính Mỹ thông báo trừng phạt vì bị cho là chịu trách nhiệm về việc "xói mòn quyền tự do chính trị của người dân Hồng Kông" (Ảnh: RFI).
11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông bị Bộ Tài chính Mỹ thông báo trừng phạt vì bị cho là chịu trách nhiệm về việc "xói mòn quyền tự do chính trị của người dân Hồng Kông" (Ảnh: RFI).

Đây là động thái nhằm thực thi Luật tự trị Hồng Kông mà Tổng thống Donald Trump đã ký hồi tháng trước yêu cầu trừng phạt các thực thể và cá nhân đã gây hại cho chế độ tự trị của Hồng Kông. Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông đã làm xói mòn quyền tự do chính trị của người dân Hồng Kông và làm dấy lên sự lên án của quốc tế.

Trước đó ít giờ, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ sử dụng biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông trong đó có Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam và các quan chức cấp cao của Trung Quốc, danh sách sẽ được công bố sớm nhất là vào cuối ngày thứ Sáu. Không lâu sau khi thông tin được đưa ra, Bộ Tài chính Mỹ đã ra thông báo xác nhận sự việc.

Ông Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương và Cố vấn An ninh Quốc gia tại Hồng Kông và bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hồng Kông - 2 người trong danh sách bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: BBC).
Ông Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương và Cố vấn An ninh Quốc gia tại Hồng Kông và bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hồng Kông - 2 người trong danh sách bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: BBC).

Theo Reuters, các quan chức hàng đầu của chính quyền Hồng Kông và Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc có tên trong danh sách trừng phạt, bao gồm: Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam; Cục trưởng Cảnh sát Hồng Kông Đặng Bính Cường; cựu Cục trưởng Cảnh sát Lư Vĩ Thông; Cục trưởng An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu; Vụ trưởng Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa; Vụ trưởng Các vấn đề Hiến pháp và Đại lục Tăng Quốc Vệ; Hạ Bảo Long, Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện Trung Quốc; Trương Hiểu Minh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao; Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của Trung ương tại Hồng Kông; Trần Quốc Cơ, Chánh văn phòng Trưởng đặc khu Hồng Kông và là Ủy viên kiêm Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Hồng Kông; Trịnh Nhạn Hồng, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Trung Quốc tại Hồng Kông. (Trước đó báo chí nước ngoài đưa tin có 12 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông bị trừng phạt, sau đó đã được sửa lại còn 11).

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 8/8, biện pháp trừng phạt bao gồm niêm phong tài sản và mọi lợi ích của những người này tại Mỹ dù là trực tiếp hay gián tiếp và cấm mọi người Mỹ tiến hành giao dịch với họ.

Bà Carrie Lam tuyên bố "cười nhạo vào lệnh trừng phạt của Mỹ" đối với bà (Ảnh: Mingpao).
Bà Carrie Lam tuyên bố "cười nhạo vào lệnh trừng phạt của Mỹ" đối với bà (Ảnh: Mingpao).

Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo “tội lỗi” của 11 người này như sau:

Trưởng Đặc khu Carrie Lam: chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các chính sách của Bắc Kinh nhằm đàn áp tiến trình tự do và dân chủ; năm 2019, đề xuất sửa đổi Luật dẫn độ gây nên các cuộc biểu tình quy mô lớn. Bà được coi là chịu trách nhiệm xây dựng, áp dụng và thực thi "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông".

Cục trưởng Cảnh sát Đặng Bỉnh Cường: Tích cực ủng hộ "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”; lãnh đạo cảnh sát bao vây Đại học Bách khoa và bắt giữ hàng trăm người biểu tình; là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia mới được thành lập, chịu trách nhiệm cưỡng chế, bắt giữ, giam giữ và bỏ tù những người vi phạm "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông".

Cựu Cục trưởng Cảnh sát Lư Vĩ Thông: ra lệnh cảnh sát bắt giữ hơn 4.000 người và làm 1.600 người bị thương trong các cuộc xung đột; lực lượng cảnh sát dưới sự lãnh đạo của ông Lư đã thực thi các lệnh cấm, hạn chế quyền tự do ngôn luận và hội họp, và trừng phạt những người liên quan.

Cục trưởng An ninh Lý Gia Siêu: Cục An ninh dưới sự lãnh đạo của ông chịu trách nhiệm về tất cả các chính sách liên quan đến an ninh, đồng thời là thành viên giúp Trưởng đặc khu xây dựng chính sách; thành lập một bộ phận mới trong sở cảnh sát để thực hiện "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông"; phụ trách việc cưỡng chế, bắt giữ, giam giữ và bỏ tù những người vi phạm "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông".

Cục trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa: từng tuyên bố rằng trách nhiệm chính của bà là thực hiện và đảm bảo an ninh quốc gia của Hồng Kông; chịu trách nhiệm xây dựng, thông qua và thực hiện "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”.

Vụ trưởng Các vấn đề hiến pháp và đại lục Tăng Quốc Vệ: chịu trách nhiệm về mối liên hệ giữa chính quyền đqực khu (SAR) và chính phủ trung ương; chịu trách nhiệm về việc xây dựng, thông qua và thực hiện "Luật An ninh Quốc gia Quận Hồng Kông".

Ông Hạ Bảo Long, Phó Chủ tịch Chính Hiệp, Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông, Ma Cao của Quốc Vụ viện - quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt (Ảnh: Mingpao).
Ông Hạ Bảo Long, Phó Chủ tịch Chính Hiệp, Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông, Ma Cao của Quốc Vụ viện - quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt (Ảnh: Mingpao).

Hạ Bảo Long, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc kiêm Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện: Kể từ tháng 2 năm nay, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao để hỗ trợ Thủ tướng Trung Quốc xử lý các vấn đề Hồng Kông và Macao; các cơ quan dưới sự lãnh đạo của ông tham gia vào việc đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và tự trị của Hồng Kông.

Trương Hiểu Minh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao: Ông từng là Chủ nhiệm Văn phòng này, tích cực ủng hộ việc sửa đổi Luật dẫn độ; các cơ quan chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông tham gia vào việc đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và quyền tự trị của Hồng Kông.

Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia: Tuyên bố Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Trung ương có thể can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông, vi phạm các quy định của Luật Cơ bản; được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh quốc gia; các cơ quan chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông làm những việc đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định và tự trị của Hồng Kông.

Trương Nhạn Hùng, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hồng Kông: cơ quan ông phụ trách có quyền hạn giám sát các ngành khác và trực tiếp điều tra các vụ án lớn; các cơ quan chính quyền do ông lãnh đạo tham gia vào công việc đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và tự trị của Hồng Kông.

Trần Quốc Cơ, Chủ nhiệm Văn phòng Trưởng đặc khu kiêm Tổng thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia: được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm làm Tổng thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia, công việc của Ủy ban này không được thực hiện công khai và không bị pháp luật quản chế; chịu trách nhiệm về việc xây dựng, thông qua và thực hiện "Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông".

Ông Khưu Đằng Hoa, Cục trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông, tuyên bố trong một chương trình truyền hình, gọi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ là tàn bạo (Ảnh: Đông Phương).
Ông Khưu Đằng Hoa, Cục trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông, tuyên bố trong một chương trình truyền hình, gọi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ là tàn bạo (Ảnh: Đông Phương).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo cùng ngày 7/8 đã ra tuyên bố nêu rõ 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông bị trừng phạt phải chịu trách nhiệm về sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông. Ông nói. ĐCS Trung Quốc và các đảng viên của đảng này đàn áp người dân Hồng Kông, Mỹ sẽ không ngồi yên. Ông nhấn mạnh: "Hành động hôm nay cho thấy rõ ràng rằng hành động của chính quyền Hồng Kông là không thể chấp nhận được. Nó đã vi phạm "Một quốc gia, hai chế độ" và cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố chung Trung-Anh”. Ông Pompeo nói Trung Quốc đã nói rõ Hồng Kông sẽ không bao giờ được hưởng 50 năm tự trị cao  mà Bắc Kinh đã hứa với người dân Hồng Kông và Anh. Ông nhấn mạnh: “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” được cho là để “bảo vệ an ninh của Hồng Kông”, nhưng thực tế nó lại là công cụ đàn áp của Trung Quốc. Ông Pompeo nói hành động của Mỹ hôm nay truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng hành động của chính quyền Hồng Kông là không thể chấp nhận được và vi phạm cam kết của chính Trung Quốc về “Một quốc gia, hai hệ thống” và “Tuyên bố chung Trung-Anh”. Ông cũng nhấn mạnh: “Hoa Kỳ sát cánh cùng người dân Hong Kong”.

Vào giữa tháng trước, trong một chương trình truyền hình, khi được hỏi có lo lắng về việc bị nước ngoài nhắm tới và trừng phạt hay không, Carrie Lam nói bà không có tài sản ở Mỹ và không khao khát được đến Mỹ, nếu phía bên kia không cấp thị thực, bà cũng sẽ không tới Mỹ.

Ngày 31/7, Carrie Lam đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp khóa 7 sẽ bị hoãn lại một năm. Khi được hỏi về các lệnh trừng phạt của Mỹ, Carrie Lam nói, với tư cách là một người đứng đầu một địa phương ở Trung Quốc, tôi không hiểu tại sao làm người đứng đầu một địa phương lại bị nước ngoài trừng phạt vì làm việc trên đất nước của mình. Bà nói các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ “có thể gây hại cho tất cả” và nói thêm: “Tôi cũng cười nhạo cái gọi là các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ chống lại tôi”.

Sáng 8/8, ông Khưu Đằng Hoa, Cục trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông, đã tuyên bố trong một chương trình truyền hình rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ là tàn bạo, cũng chứng minh rằng Hoa Kỳ vô lý và áp dụng các tiêu chuẩn kép để can thiệp thô bạo vào các quốc gia khác. Ông nói, chính quyền đặc khu Hồng Kông sẽ phân tích tình hình và xem xét các biện pháp đáp trả cần thiết, nhưng nhấn mạnh rằng nó sẽ dựa trên lợi ích của Hồng Kông và những giá trị quan trọng mà nó luôn duy trì.

Bà Trịnh Nhược Hoa, Cục trưởng Tư pháp Hồng Kông và chồng do có công ty ở Mỹ nên sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này (Ảnh: Hk01).
Bà Trịnh Nhược Hoa, Cục trưởng Tư pháp Hồng Kông và chồng do có công ty ở Mỹ nên sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này (Ảnh: Hk01).

Tại Bắc Kinh, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nói, ông tin rằng những người trong danh sách này đều đã chuẩn bị tinh thần cho động thái này của Mỹ. Ông tuyên bố điều này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với các quan chức đại lục, tất cả các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên các quan chức đại lục chẳng khác nào “bắn đạn rỗng”.

Trước các biện pháp trừng phạt quan trọng mà Washington áp đặt, Hồ Tích Tiến đề nghị "Trung Quốc cần phải phản đòn khi nào nên phản công, nhưng có vẻ thực sự không thể đáp trả với Washington từng cuộc”. Vậy các biện pháp trừng phạt mà Washington áp dụng đối với 11 quan chức cấp cao này có ảnh hưởng trực tiếp thế nào đến cá nhân họ? Theo Apple Daily Hồng Kông, ông Trần Quốc Cơ, một người có tên trong danh sách, đã trả lời khi hỏi,nói ông "không phản ứng gì với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ" và nói ông không có tài sản ở Mỹ. Trần Quốc Cơ nói: "Tóm lại, chúng tôi làm những việc theo các quy tắc chính thức."

Liệu ông Trần Quốc Cơ thực sự không có tài sản ở Mỹ hay không, người ngoài không rõ; nhưng thông tin cho thấy bà Trịnh Nhược Hoa người chịu lệnh trừng phạt và chồng là Phan Lạc Đào, bị cáo buộc nắm giữ 63,48% cổ phần của Hong Kong Anle Engineering. Theo tin của HK01, kiểm tra báo cáo thường niên của Anle Engineering, công ty này đã hoàn tất việc mua lại 51% cổ phần của công ty thang máy New York TEI Group (Transel Elevator & Electric Inc.) vào ngày 31/3 năm nay, liên quan đến khoản đầu tư khoảng 278 triệu nhân dân Tệ. Do đó, tin rằng Anle Engineering đã đủ điều kiện để trở thành công ty bị Hoa Kỳ trừng phạt.