Xung đột Nga - Ukraine: Biến số khó lường của kinh tế toàn cầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc xung đột Nga - Ukraine kéo dài được xem là ẩn số khó đoán định đối với kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ trong năm 2023.
Xung đột Nga - Ukraine: Biến số khó lường của kinh tế toàn cầu năm 2023 (Ảnh: Lukoil)
Xung đột Nga - Ukraine: Biến số khó lường của kinh tế toàn cầu năm 2023 (Ảnh: Lukoil)

24/2 là ngày đánh dấu chiến sự bùng phát ở Ukraine, kéo theo đó là hàng loạt sự kiện gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các thị trường tài chính dường như vẫn tập trung hơn vào động thái của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến bước vào năm thứ hai, những hậu quả về mặt kinh tế của cuộc chiến này ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Cuộc xung đột đã làm biến mất khoảng 1% GDP toàn cầu, theo ước tính của Dana Peterson, trưởng kinh tế gia đến từ tổ chức Conference Board. Fed đã liên tục đưa ra cảnh báo rằng tình hình bất trắc mà cuộc chiến này gây ra đang làm phức tạp hóa viễn cảnh kinh tế. Những sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là trên thị trường năng lượng, đã khiến Mỹ và châu Âu đưa ra biện pháp nhằm tăng cường điều hành nền kinh tế.

Một bộ phận nhà đầu tư cho rằng cuộc chiến ở một nơi xa xôi khó có thể ảnh hưởng tới các thị trường. Nhưng trong lúc phương Tây đổ thêm nhiều vũ khí cho Ukraine, cuộc chiến này đang bước vào một giai đoạn chủ chốt. Và tác động của nó sẽ tiếp tục kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế, khiến chính phủ các nước khó khăn hơn trong việc đưa ra những quyết sách về chính trị và kinh tế.

Giới chuyên gia đã đưa ra những viễn cảnh cho cuộc chiến này trong năm nay. Thứ nhất, cả hai bên sẽ không thể giành được ưu thế quân sự hoàn toàn và chiến sự sẽ kéo dài vô thời hạn, không có sự thay đổi đáng kể về quyền kiểm soát lãnh thổ.

Daleep Singh, cố vấn kinh tế quốc tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến giữa năm 2022 và hiện đang là trưởng kinh tế gia của PGIM Fixed Income, còn đưa ra viễn cảnh khác: Cuộc chiến có thể leo thang bất ngờ.

Ông Singh cho rằng viễn cảnh thứ nhất – cuộc chiến hao mòn – là có khả năng xảy ra nhất và cũng là viễn cảnh mà “phần lớn thị trường đang đặt cược vào.” Trong khi viễn cảnh thứ hai “có khả năng xảy ra là 15-25%”.

Rủi ro khó đoán

Không giống như thị trường chứng khoán và trái phiếu, thị trường năng lượng đã bị bào mòn bởi nỗ lực trừng phạt Nga của phương Tây, và cả đòn trả đũa của Nga.

Đầu tháng 2/2023, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày, có thể đẩy giá dầu lên cao hơn. Dầu Brent gần đây được giao dịch ở mức trên 80 USD/thùng. Dầu Urals của Nga được giao dịch dưới mức giá trần 60 USD/thùng mà Mỹ, EU và các nền kinh tế thuộc nhóm G7 áp đặt. Doanh thu từ dầu và khí của Nga đã giảm 46% trong tháng 1, so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Tài chính Nga.

Một cơ sở lọc dầu tại Moscow, Nga (Ảnh: Shutterstock)

Một cơ sở lọc dầu tại Moscow, Nga (Ảnh: Shutterstock)

Cuộc chiến năng lượng dường như chưa có hồi kết. Một lệnh áp giá trần đối với dầu diesel xuất khẩu của Nga cũng có hiệu lực từ đầu tháng này. Còn quá sớm để nói về tác động mà các lệnh hạn chế này đối với các ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào diesel của châu Âu.

Trong tháng 3, G7 sẽ ra quyết định về đề xuất áp giá trần thấp hơn đối với dầu thô của Nga. Động thái như vậy có thể gây thêm sức ép đối với giá dầu.

“Nếu nhìn lại và nhận thấy rằng biện pháp đó không gây tác động tới nền kinh tế Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ xem lại mức độ hạn chế,” một quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Biden, nói với chuyên trang Barrons.

Tác động từ cuộc chiến ở Ukraine thậm chí gây khó cho các chuyên gia dự báo. “Tôi đã làm dự báo giá dầu trong 32 năm, nhưng dự báo giá dầu cho vài tháng tới chưa bao giờ khó khăn đến vậy,” Bob McNally, giám đốc hãng tư vấn năng lượng Rapidan, thừa nhận. “Có một khả năng là giá dầu sẽ ở mức 50 USD vào cuối năm nay, một khả năng khác là 150 USD.”

Phần lớn tác động về kinh tế của cuộc chiến này bắt nguồn từ những sự thay đổi về địa chính trị khó lường, thay vì giá của một thùng dầu. Trong tháng 1, tổ chức Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin khoa học nguyên tử) đã điều chỉnh đồng hồ ngày tận thế (Doomsday Clock) tới mốc 90 giây trước nửa đêm – mức cận kề với ngày tận thế nhất kể từ khi nó được tạo ra vào năm 1947 – chỉ ra cuộc chiến ở Ukraine và nhiều yếu tố khác.

Thế nhưng, một số chuyên gia phân tích tin rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đã giảm kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Tổng thống Biden từng nêu rõ rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa tới chính quyền Moscow, ngay cả khi nước này coi việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đe dọa tới lãnh thổ sâu trong nước Nga là điều nghiêm trọng.

Cuộc chiến ở Ukraine cùng với đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều chính phủ các nước phương Tây phải tăng cường quản lý rủi ro. Ở châu Á có thể lấy Nhật Bản làm ví dụ. Nước này theo dõi sát sao mọi sự kiện và đang muốn sửa đổi lại Hiến pháp hòa bình.

“Nếu như cuộc chiến ở Ukraine khiến cho các nước nghiêm túc hơn trong việc tăng cường khả năng răn đe ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và cán cân sức mạnh, nó có thể làm giảm nguy cơ xung đột ở đó,” Vance Serchuk, giám đốc điều hành Viện Toàn cầu KKR, nhận định.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang có xu hướng quản lý chặt chẽ hơn nền kinh tế của họ - một chiến lược có thể cho ra nhiều kết quả trái ngược. Sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, chính phủ nhiều nước đang cân nhắc lại về tiến trình này – như xem xem giá khí đốt có gây ra rủi ro về an ninh quốc gia hay không.

“Chính sách công nghiệp có thể giúp chúng ta an toàn và giải quyết một số vấn đề địa chính trị này hay không?” Serchuk đặt ra câu hỏi. “Kết quả rất trái ngược. Nó thể mang lại những kết quả tốt, nhưng cũng có thể làm giảm năng suất"./.

Theo Barron's