Xung đột Nagorno-Karabakh lan rộng, Armenia cầu cứu Nga hỗ trợ khẩn vì...hết đạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Armenia có thể mất thế chủ động trong chiến tranh do không đủ đạn dược dự trữ, thậm chí có thể nhanh chóng thất bại, mặc dù sức chiến đấu của quân đội được đánh giá cao hơn Azerbaijan gấp bội!
Xung đột dữ dội ở Nagorno-Karabakh đã khiến Armenia tiêu hao vũ khí đạn dược rất lớn, phải cầu cứu Nga hỗ trợ (Ảnh: Sohu).
Xung đột dữ dội ở Nagorno-Karabakh đã khiến Armenia tiêu hao vũ khí đạn dược rất lớn, phải cầu cứu Nga hỗ trợ (Ảnh: Sohu).

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, ngày 29/9 đưa tin từ Yerevan, Quân đội Quốc gia Armenia chiến đấu chưa đầy ba ngày do nguy cơ hết đạn, đã khẩn cấp đệ trình quân đội Nga một danh sách mua sắm đạn dược cần hỗ trợ khẩn cấp. Theo dữ liệu chính thức do Bộ Quốc phòng Armenia cung cấp, Armenia đã yêu cầu quân đội Nga cung cấp cho Armenia ít nhất 500 tấn đạn pháo các loại và rocket, 4.000 hòm đạn súng bộ binh, 1.200 tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng, 60.000 vũ khí hạng nhẹ như súng trường và súng máy, cùng các vật tư quân sự khác như dầu diesel quân dụng, vật tư y tế, v.v. với tuyên bố thẳng “giá cả không phải là vấn đề”.

Nhà dân ở thị trấn Matuni thuộc vùng Nagorno-Karabakh bị đạn pháo của Azerbaijan phá hủy (Ảnh: Reuters).
Nhà dân ở thị trấn Matuni thuộc vùng Nagorno-Karabakh bị đạn pháo của Azerbaijan phá hủy (Ảnh: Reuters).

Mặc dù quy mô và trang bị sức mạnh quân sự của Azerbaijan mạnh hơn Armenia, nhưng họ không chiếm được nhiều lợi thế trong cuộc xung đột mới ở Nagorno-Karabakh. Số lượng trực thăng, máy bay không người lái bị bắn hạ và xe tăng bị Armenia phá hủy thậm chí còn nhiều nhất kể từ khi Azerbaijan thành lập lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, cuộc xung đột ngày càng đi vào chiều sâu, sự yếu kém của lực lượng vũ trang Armenia về thế và lực dần bộc lộ, nhiều vị trí chiến lược do Quân đội quốc gia Armenia chiếm giữ trước đây cũng bị lực lượng vũ trang Azerbaijan tái chiếm, số lượng thiệt hại vũ khí phương tiện và thương vong về người cũng tăng mạnh. Mặc dù phía Armenia đã huy động toàn bộ lính xuất ngũ ra chiến trường (khoảng 120.000 người), nhưng vũ khí cho họ thì không lấy đâu ra.

Armenia, quốc gia không có năng lực sản xuất và nghiên cứu phát triển công nghiệp quân sự, phụ thuộc vào quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Sau khi độc lập đến nay, họ được Nga cung cấp nhiều vũ khí trang bị và đạn dược dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Ngay cả các tên lửa chiến thuật Iskander mà Nga không xuất khẩu cũng đã được họ trang bị cho lực lượng vũ trang Armenia theo đúng lịch trình, mối quan hệ này không thể nói là không gắn bó. Một quốc gia cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho quốc gia khác trong thời bình, dù là xuất khẩu để đổi lấy chi phí quân sự hay để viện trợ cho đồng minh của mình đều là lẽ thường tình. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, việc cung cấp vũ khí đạn dược cho họ lại phải xem xét thận trọng. Là đối tác chiến lược với Armenia, nhưng mối quan hệ giữa Nga và Azerbaijan cũng rất tốt, đây cũng là một trong những lý do chính khiến Armenia lo lắng...

Pháo binh Armenia trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh (Ảnh: Đa Chiều).
Pháo binh Armenia trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh (Ảnh: Đa Chiều).

Trong một diễn biến khác, trong khi cả thế giới đồn đoán liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có và đích thân can thiệp vào cuộc chiến biên giới giữa Armenia và Azerbaijan hay không, thì Thổ Nhĩ Kỳ đã đi trước tuyên bố hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan; ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia nói 1 máy bay cường kích Su-25 của Không quân Armenia đã bị máy bay tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới bắn rơi. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên, nhưng việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm can thiệp vào cuộc xung đột Azerbaijan – Armenia dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.

Không quân Azerbaijan và Armenia đều rất thiếu các máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không, Hiện tại, không quân Azerbaijan có 17 máy bay tiêm kích, trong đó có 12 chiếc MiG-29, 7 chiếc còn lại là MiG-21. Ở phía bên kia, Không quân Armenia còn có ít máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hơn. Trước năm 2019, Không quân Armenia thậm chí còn không có máy bay tiêm kích, không phận Armenia được bảo vệ bởi các tiêm kích MiG-29 của Không quân Nga. Năm 2019, lô 4 chiếc Su-30SM đầu tiên được Armenia nhập khẩu từ Nga mới giao hàng và Không quân Armenia mới có máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không của riêng mình. Tính cả số máy bay chiến đấu MiG-29 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga bố trí trên lãnh thổ, Armenia hiện có 22 máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Các máy bay MiG-29 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ được thay thế bằng máy bay Su-30SM vào cuối năm nay.

5 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tới Azerbaijan tập trận, sau đó ở lại căn cứ của nước này (Ảnh: Sohu).
5 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tới Azerbaijan tập trận, sau đó ở lại căn cứ của nước này (Ảnh: Sohu).

Nếu cuộc xung đột biên giới Azerbaijan-Armenia lần này cuối cùng chỉ giới hạn ở khu vực Nagorno-Karabakh, thì việc các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tham chiến dường như là không cần thiết. Trước đó, Bộ Quốc phòng Armenia cũng đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ dám liều lĩnh cho máy bay F-16 tham chiến, thì Armenia sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo sát thủ Iskander để phản kích. Tuy nhiên, với việc tổn thất và thương vong về thiết bị chiến đấu và lực lượng trên mặt đất ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ hỗ trợ Azerbaijan giành lại lãnh thổ, khả năng các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp cất cánh để chiến đấu ngày càng tăng.

Điểm mấu chốt nhất là các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đóng tại sân bay Ganja ở Azerbaijan. Cuối tháng 7 năm nay, 5 máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Azerbaijan dưới danh nghĩa một cuộc tập trận chung. Trong đoạn video do Bộ Quốc phòng Azerbaijan phát hành ngày 15/9 cho thấy các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang bay trên vùng trời Azerbaijan. Điều này cho thấy chúng vẫn ở Azerbaijan để dùng cho các trường hợp khẩn cấp.

Nếu cuộc xung đột tiếp tục leo thang, không loại trừ khả năng F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp vượt biên giới vào không phận Armenia để tấn công Su-25 hoặc MiG-29 của Không quân Armenia. Về không chiến, F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể thắng MiG-29 của Không quân Armenia, nhưng nếu lúc đó máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga cũng tham gia thì mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp.

Máy bay tiêm kích SU-30SM của Không quân Armenia (Ảnh: Sohu).
Máy bay tiêm kích SU-30SM của Không quân Armenia (Ảnh: Sohu).

Trong khi đó, cuộc xung đột Azerbaijan-Armenia ở Nagorno-Karabakh có dấu hiệu tiếp tục lan rộng. Theo trang tin Đa Chiều ngày 30/9, Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, nói với Đài truyền hình nhà nước Nga, khẳng định sẽ loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng nói với đài truyền hình này hai bên không thể đàm phán trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn. Điều này đồng nghĩa với việc xung đột giữa hai bên ngày càng leo thang.

15 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/9 đã tổ chức một cuộc họp kín, bày tỏ lo ngại rằng xung đột giữa Armenia và Azerbaijan có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực, đồng thời yêu cầu hai bên ngay lập tức ngừng bắn, làm dịu căng thẳng và nối lại ngay các cuộc đàm phán có ý nghĩa đáp lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Armenia và Azerbaijan đã xung đột quân sự tại khu vực tranh chấp chủ quyền Nagorno-Karabakh bắt đầu từ ngày 27/9, gây ra nhiều thương vong, trong đó có dân thường. Hai nước cáo buộc lẫn nhau về việc phát động tấn công trước.