Xuất siêu 2,47 tỷ USD trong nửa cuối tháng 8, NHNN có thêm “dư địa” điều hành tỷ giá

VietTimes – Trạng thái xuất siêu trong kỳ 2 tháng 8/2018 góp phần hỗ trợ hoạt động điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay. 

Số liệu thống kê sơ bộ trong kỳ 2 tháng 8/2018 (từ ngày 16/8 – 31/8) của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 24,18 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng với 4,67 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2018.

Trong đó, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ đạt 13,33 tỷ USD, tăng 37% so với kỳ 1 tháng 8/2018. Tính đến hết tháng 8/2018, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 158,41 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng với tăng 22,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Tương tự, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ đạt 10,85 tỷ USD, tăng 11% (tương ứng tăng 1,08 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2018. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu của cả nước đạt 153,72 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, xét về cán cân thương mại, thặng dư trong nửa cuối tháng 8/2018 của Việt Nam là xuất siêu 2,47 tỷ USD, đóng góp vào mức tăng trưởng thặng dư 8 tháng qua lên mức 4,69 tỷ USD.

Trạng thái xuất siêu của hoạt động xuất nhập khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho điều tiết ngoại tệ trong nền kinh tế, hỗ trợ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Trao đổi với VietTimes, TS. Võ Trí Thành cho biết chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN đã được thể hiện thông qua việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm và cách thức thực hiện bình ổn tỷ giá trong thời gian vừa qua.

Cụ thể theo TS. Thành, cơ chế tỷ giá trung tâm đã được áp dụng từ năm 2016, bao gồm 3 trụ cột chính: rổ đồng tiền (6 loại tiền tệ), cung cầu phản ánh tại thị trường liên ngân hàng và các yếu tố vĩ mô. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá trung tâm cũng giúp các hoạt động điều hành mang tính thị trường hơn.

Diễn biến cặp tỷ giá VND/USD từ đầu năm 2018 tới nay (Nguồn: Bloomberg)
Diễn biến cặp tỷ giá VND/USD từ đầu năm 2018 tới nay (Nguồn: Bloomberg) 

“Khoảng 1,5 năm trở lại đây, nếu không có sự can thiệp của NHNN thì đồng Việt Nam (VND) sẽ còn “lên giá” nữa. Do thặng dư cán cân thương mại, NHNN đã mua vào USD để giảm áp lực tăng giá của VND... Cho nên trong thời gian vừa rồi, đồng tiền của các nước khác phá giá mạnh hơn, mất giá mạnh hơn so với VND” – TS. Võ Trí Thành bình luận.

Một điểm đáng chú ý khác đó là việc NHNN cần ưu tiên xây dựng niềm tin của thị trường tài chính đối với chính sách điều hành tỷ giá trong bối cảnh hiện nay.

“Nếu thị trường không tin và kỳ vọng phá giá tiếp thì rất nguy hiểm” – ông cho biết thêm.

Ngoài ra, để giữ ổn định tỷ giá, NHNN cũng phải giải quyết các bài toán lãi suất, cung tiền trong nền kinh tế. Mức lãi suất được duy trì ở mức hợp lý cũng góp phần ghìm cương tỷ giá của VND so với USD.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế, tài chính thế giới.

Ngoài ra, NHNN cũng phải chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống./.