Xuất khẩu linh kiện bán dẫn của Đài Loan tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2022, xuất khẩu chip mạch tích hợp (IC) của Đài Loan tăng năm thứ 7 liên tiếp, duy trì vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn thế giới trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đài Loan tiếp tục thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu. Ảnh: Ann Wang/Reuters.
Đài Loan tiếp tục thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu. Ảnh: Ann Wang/Reuters.

Theo Bộ Tài chính Đài Loan, xuất khẩu chip IC, thành phần quan trọng của thiết bị điện tử, máy tính và điện thoại thông minh của Đài Loan tăng 18,4% so với năm 2021. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng 2 con số.

Bum Ki Son, nhà kinh tế tại công ty cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế Barclays Plc, trong một email gửi tới Bloomberg News cho biết: "Chúng tôi tin rằng vị thế Đài Loan là không thể thay thế trong thời gian tới trong ngành công nghiệp bán dẫn". Công ty cho biết, những nỗ lực của các quốc gia khác như Mỹ nhằm tăng cường sản xuất chip nội địa sẽ không có tác động ngay lập tức, làm giảm vị trí quan trọng của Đài Loan.

Xuất khẩu chip của Đài Loan tăng năm thứ bảy liên tiếp. Nguồn: Bộ Tài chính, R.O.C.

Xuất khẩu chip của Đài Loan tăng năm thứ bảy liên tiếp. Nguồn: Bộ Tài chính, R.O.C.

Ông Son chỉ rõ, tầm quan trọng của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu phụ thuộc vào sản lượng của những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ như Công ty Sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC, chiếm hơn một nửa thị phần trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới.

Doanh số bán chất bán dẫn trên toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Đài Loan trong thời điểm thương mại toàn cầu chịu áp lực rất lớn do nhu cầu thiết bị điện tử giảm trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Đài Loan có vị trí quan trọng đối với các cường quốc như Mỹ do những quyết định đầu tư của TSMC, như xây dựng xưởng đúc tiên tiến có tính bước ngoặt ở Arizona, nhà máy sản xuất chip tiên tiến đầu tiên của doanh nghiệp này ở Mỹ, thực hiện tham vọng của tổng thống Joe Biden, sản xuất chíp tiên tiến nội địa.

Nhà kinh tế Son của Barclays giải thích, tương lai của tiến trình đa dạng hóa nguồn cung trong ngành bán dẫn nói riêng và công nghiệp điện tử nói chung phụ thuộc vào vị trí xây dựng các nhà máy chế tạo linh kiện bán dẫn. Son trích dẫn những kế hoạch tiềm năng của TSMC, xây dựng các nhà máy ở Singapore và Nhật Bản, khoản đầu tư gần đây của Intel Corp vào Việt Nam, những kế hoạch của Foxconn và Vedanta Resources Ltd. ở Ấn Độ là những động thái làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn và ngành công nghiệp điện tử nói chung.

Ông Son nhấn mạnh, triển vọng của sự đa dạng hóa nguồn cung trong trung và dài hạn sẽ khiến chuỗi cung ứng “linh hoạt” hơn, “đặc biệt là khi xung đột thương mại Mỹ-Trung cũng như đại dịch Covid tiếp tục cho thấy tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng tập trung tại một quốc gia”.

Theo Bloomberg