Xu thế quan hệ Washington - Bắc Kinh - Đài Bắc sau bầu cử Đài Loan

VietTimes -- Cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan vừa qua nhìn bề ngoài chỉ là cuộc đọ sức giữa Đảng Dân Tiến (DPP) và Quốc Dân Đảng (KMT), nhưng giới bình luận cho rằng phía sau có bàn tay can thiệp của Trung Quốc Đại Lục. Kết quả bầu cử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử “tổng thống” ở Đài Loan năm 2020 mà còn ảnh hưởng lớn tới xu thế của mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Đài tới đây.
Kết quả cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan sẽ ảnh hưởng lớn tới xu thế của mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung – Đài tới đây. [Đài Loan trước (trái) và sau bầu cử. Xanh lam: địa phương DPP kiểm soát; Xanh lục: KMT kiểm soát].
Kết quả cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan sẽ ảnh hưởng lớn tới xu thế của mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung – Đài tới đây. [Đài Loan trước (trái) và sau bầu cử. Xanh lam: địa phương DPP kiểm soát; Xanh lục: KMT kiểm soát].

Theo nghiên cứu, phân tích kết quả bầu cử, Epoch Times cho rằng trong tương lai mối quan hệ tay ba này có thể xuất hiện các xu thế sau:

Thứ nhất, việc gây sức ép về quân sự và ngoại giao của Trung Quốc giảm bớt, tác động ngầm gia tăng

Trong cuộc bầu cử hôm 24.11, DPP đại bại, từ việc kiểm soát chính quyền 13/22 huyện, thị, nay chỉ còn giữ được 6. KMT đã kiểm soát được 15 nơi, riêng ghế Thị trưởng Đài Bắc vẫn do một nhân sỹ không đảng phái nắm giữ.

Kết quả này rất có thể sẽ khiến Trung Quốc Đại Lục tạm ngừng thực thi “Chiến lược Mãng Xà” được đưa ra hồi trước tháng 5, bao gồm quấy rối, gây sức ép về quân sự và tấn công gây áp lực ngoại giao. Nhân cơ hội này sẽ tạo nên bầu không khí hòa dịu ở hai bên bờ eo biển. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động “mặt trận thống nhất”, tiếp tục đưa ra các “chính sách có lợi cho Đài Loan” và hoạt động “mở rộng giao lưu”, để thẩm thấu vào các giới quan chức, kinh doanh, học thuật và xã hội Đài Loan.

Thứ hai, Trung Quốc tăng cường chính sách mặt trận về kinh tế, dùng địa phương bao vây trung ương

Kinh tế là điều quyết định sự thắng bại trong cuộc bầu cử ở Đài Loan lần này và là đòn chí mạng khiến nhiều huyện trưởng, thị trưởng mất ghế. Nhiều năm qua, việc nhiều doanh nghiệp và nhân tài Đài Loan “Tây tiến” vào Đại Lục làm ăn đã khiến sản xuất kinh tế và tiêu dùng của Đài Loan đều trượt dốc. Trong cuộc bầu cử, nhiều ứng cử viên đã giành thắng lợi nhờ giương ngọn cờ “chấn hưng kinh tế” mà được lòng cử tri.

Vì vậy, có thể dự đoán, tới đây, Trung Quốc Đại Lục sẽ ra sức lôi kéo những người đứng đầu các huyện thị bằng các điều kiện ưu đãi như “nhượng lợi kinh tế”, “thu mua nông sản”, “đưa người sang du lịch”… để thu hút các địa phương đến gần Trung Quốc hơn. Đồng thời, Trung Quốc vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với chính quyền của bà Thái Anh Văn, hình thành sự tương phản rõ rệt, từ đó hình thành cảnh tượng “địa phương hưởng lợi” để gây áp lực với chính phủ Đài Loan.

Ngay sau bầu cử, Trung Quốc đã cao giọng nói rõ “cùng chia sẻ lợi ích của việc phát triển hòa bình hai bên bờ eo biển, hoan nghênh càng nhiều huyện, thị Đài Loan hợp tác giao lưu với các thành phố Đại Lục”. Nhiều tân huyện trưởng, thị trưởng của Đài Loan cũng đáp lại, bày tỏ mong muốn mở rộng giao lưu hai bên eo biển. Điều này dự báo Trung Quốc sẽ sử dụng chiến lược chính trị dùng kinh tế để thực hiện “địa phương bao vây trung ương”.

Điều này có vẻ diễn ra đúng như điều mà ông Michael Pillsbury, Chủ nhiệm Trung tâm chiến lược Trung Quốc của Viện nghiên cứu Hudson Institute tiết lộ: một nhà lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố “mua Đài Loan dễ hơn nhiều chinh phục Đài Loan, giá cũng khá thấp”.

Với thắng lợi của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử địa phương, Trung Quốc sẽ lôi kéo giới lãnh đạo các địa phương và vẫn lạnh nhạt với chính phủ của bà Thái Anh Văn để "dùng địa phương bao vây trung ương".
Với thắng lợi của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử địa phương, Trung Quốc sẽ lôi kéo giới lãnh đạo các địa phương và vẫn lạnh nhạt với chính phủ của bà Thái Anh Văn để "dùng địa phương bao vây trung ương".

Thứ ba, Trung Quốc nâng cấp không gian tác chiến, đẩy mạnh thao túng truyền thông và dư luận mạng

Trong cuộc bầu cử ở Đài Loan vừa qua, mạng internet đóng vai trò then chốt. Nhiều người sử dụng mạng tìm ra những điểm nghi ngờ, cho rằng đằng sau cơn bão ngôn luận ngả về một phía (KMT) rất có thể có bàn tay của đạo quân tác chiến mạng Trung Quốc.

Cục an ninh quốc gia Đài Loan cũng chứng thực, phía Trung Quốc đã thông qua thao túng dư luận mạng, tung tin giả, bá chiếm mạng… để ảnh hưởng đến tình hình bầu cử. Tác gia Richard McGregor giữ chuyên mục của hãng tin Bloomberg cũng chỉ ra rằng, phía Bắc Kinh trong cuộc bầu cử này đã tiến hành “cuộc chiến ảnh hưởng” (influence operation) đằng sau với thủ đoạn rất tinh vi. Hơn nữa, họ cũng nắm được phần lớn các dữ liệu về cuộc bầu cử Đài Loan.

Xét về kết quả bầu cử, chiến lược dư luận của Trung Quốc quả thực đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tới đây, Trung Quốc tất sẽ sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược này với quy mô lớn hơn, cường độ mãnh liệt hơn…

Thứ tư, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục kéo dài, năm 2020 là then chốt

Đối với cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung đang được cả thế giới chú ý, Trung Quốc tới đây có thể sẽ tiếp tục dùng chiến thuật trì hoãn, mục tiêu là kéo đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Những biện pháp mà Trung Quốc sử dụng để “luyện binh” qua cuộc bầu cử địa phương Đài Loan lần này đã đạt hiệu quả, vì vậy nó không chỉ được áp dụng cho cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2020 mà sẽ được sử dụng cho cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cùng năm, với ý định thúc đẩy sự “thay thế chính đảng” ở cả Đài Loan và Mỹ, giúp cho những người thân thiện với Trung Quốc hơn tiếp nhận ghế tổng thống.

Như thế, Trung Quốc sẽ có cơ hội tác động sâu rộng tới Đài Loan, thậm chí có thể thống nhất với Đài Loan và có cơ hội hóa giải những thiệt hại kinh tế do chiến tranh thương mại mang lại. Cho nên, rất có thể Trung Quốc hy vọng đạt được một “hiệp định khung” nào đó với Mỹ để hòa hoãn cục diện chiến tranh thương mại, đủ khiến Mỹ tạm ngừng hoặc trì hoãn việc tăng thuế, làm dịu áp lực về kinh tế. Đồng thời lấy cớ “đàm phán chi tiết cụ thể về hiệp nghị”, biến cuộc chiến thương mại thành cuộc chiến đàm phán, mượn đó để kéo dài đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Nếu khi đó ông Donald Trump không tái đắc cử sẽ đúng theo ý của Bắc Kinh. Dù Donald Trump tái cử nhưng Đài Loan xuất hiện chính phủ mới của KMT thì chí ít cũng khiến Mỹ mất đi “con bài Đài Loan”, giảm thiểu thế mạnh của Mỹ khi đàm phán.

Thứ năm, kinh tế biến thành chiến trường chính, xung đột kinh tế Mỹ - Trung sẽ tiếp diễn

Kinh tế không chỉ là mấu chốt thành bại của cuộc bầu cử ở Đài Loan lần này, mà cũng là nguyên nhân chính để Trung Quốc tác động vào bầu cử và thực hiện chính sách “mặt trận thống nhất” với Đài Loan. Kinh tế cũng là thành tích, là bằng chứng của việc ông Trump được cử tri Mỹ ủng hộ. Vì vậy, nếu Trung Quốc quyết làm lung lay cơ sở cử tri của Donald Trump, ngăn cản ông tái cử, thì họ phải trước hết dùng “hiệp định khung” để đánh đổi sự hòa dịu về kinh tế, đợi đến 2-3 tháng trước khi bầu cử mới sử dụng thủ đoạn phát động chiến tranh kinh tế - mậu dịch, chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông để gây nhiễu sự phát triển ổn định của kinh tế Mỹ, bao gồm thị trường chứng khoán, việc làm, mậu dịch, tiêu dùng và tâm lý nhà đầu tư.

Như thế, Trung Quốc không chỉ thẩm thấu kinh tế, can dự dư luận, tạo nên không gian rộng hơn để ảnh hưởng đến bầu cử ở Mỹ, đồng thời cũng giúp kinh tế Trung Quốc không bị tổn thất quá lâu, quá nặng.

Tuy nhiên, chính phủ của ông Donald Trump có vẻ đã cảnh giác. Mới đây, ông Trump nhấn mạnh “rất không có khả năng” chấp nhận yêu cầu tạm thời hoãn tăng thuế của phía Trung Quốc. Thậm chí Mỹ còn chuẩn bị tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, tăng cường gây sức ép với Trung Quốc, không muốn sa vào chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc.

Vì thế, kinh tế sẽ vẫn là chiến trường chính giao đấu giữa Mỹ - Trung, lửa chiến tranh thương mại e rằng vẫn sẽ cháy.

Thứ sáu, Trung Quốc kiểm soát nội bộ xã hội, duy trì ổn định

Đài Loan sẽ là trọng điểm của cuộc chiến công thủ Mỹ - Trung để giữ và đột phá chuỗi đảo thứ nhất (màu đỏ)
 Đài Loan sẽ là trọng điểm của cuộc chiến công thủ Mỹ - Trung để giữ và đột phá chuỗi đảo thứ nhất (màu đỏ)

Thứ bảy,  Đài Loan trở thành trọng điểm công thủ Mỹ - Trung trong trận chiến chuỗi đảo thứ nhất.

Đài Loan nằm ở trung tâm của chuỗi đảo thứ nhất, có vị trị chiến lược cực kỳ hiểm yếu, đã được viên tướng Mỹ huyền thoại Douglas MacArthur gọi là “Tàu sân bay không thể đánh chìm”.

Hiện nay, Trung Quốc đang tiếp tục triển khai ngoại giao, thẩm thấu kinh tế và mở rộng quân sự đối với toàn cầu. Chuỗi đảo thứ nhất chính là phòng tuyến đầu tiên mà Mỹ và đồng minh sử dụng để ngăn chặn Trung Quốc lan ra Thái Bình Dương. Vì vậy, Trung Quốc rất muốn chiếm được Đài Loan để đột phá cứ điểm chiến lược của chuỗi đảo thứ nhất. Mỹ thì muốn giữ được Đài Loan để củng cố phòng tuyến chiến lược này.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã dùng các thủ đoạn tác động về chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, học thuật, nghề nghiệp để gây sức ép vởi Đài Loan. Giờ đây, kết quả bầu cử ở Đài Loan đã có lợi thêm cho bố cục của Trung Quốc để tác động vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Vì vậy, sau đây, hai bên Mỹ - Trung có lẽ sẽ tiếp tục “ra quân bài” và hành động đọ sức trong vấn đề Đài Loan và Đài Loan cũng sẽ trở thành trận địa tấn công và phòng thủ giữa hai bên Mỹ - Trung ngoài cuộc chiến về kinh tế và mậu dịch.