Xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn: Đừng tìm cách đối phó bằng những hành vi mất tư cách làm gì

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes  – Chỉ một tuần Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, với việc lực lượng công an xử phạt nghiêm những người lái xe sau khi uống rượu bia, những chuyển biến xã hội rất tích cực đã bắt đầu thấy rõ.

Mức phạt mang tính răn đe

Trường hợp “khai xuân” năm 2020 là một tài xế điều khiển xe bồn đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị phạt 17 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 6 tháng đã lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Tài xế tiếp theo bị phạt 7 triệu và tước bằng lái 23 tháng do uống 2 chén rượu cũng gây sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Đến trường hợp một tài xế ô tô bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, thì mọi người đã thực sự hiểu rằng đó chính là những bước đầu tiên của Luật phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức đi vào cuộc sống.

Cơn “rung chấn” của việc ra quân xử lý nghiêm những người sử dụng rượu bia khi lái xe càng trở nên mạnh mẽ, khi các báo đồng loạt vào cuộc với những cuộc phỏng vấn các cấp, các ngành dồn dập, rồi tọa đàm xung quanh vấn đề trên. Mạng xã hội cũng ồn ào vì các mức phạt, như những thông điệp răn đe gửi tới mọi người.

Có một điều không thể phủ nhận, là mức phạt mang tính răn đe lần đầu được thực thi, đã mang một thông điệp tích cực về việc ngăn chặn sử dụng rượu bia khi lái xe trên đường, khiến rất nhiều người không còn dám tùy tiện uống chất có cồn khi biết mình sẽ còn tham gia giao thông sau đó nữa.

Trong tuần đầu tiên của năm 2020, tại nhiều bữa tiệc mà tôi chứng kiến, những người vốn trước luôn sẵn sàng “nhậu tới bến” đã biết từ chối những ly rượu, bia được mời tận miệng, để chọn chai nước lọc, vì lý do sợ bị phạt mức cao như đã có.

Cả đoàn người đối phó với việc đo nồng độ cồn bằng cách ...dắt xe qua chốt (ảnh: Mạng xã hội)
Cả đoàn người đối phó với việc đo nồng độ cồn bằng cách ...dắt xe qua chốt (ảnh: Mạng xã hội)

Rõ ràng là ngay từ bước đầu đi vào cuộc sống, Nghị định 100 đã lập tức có tác dụng tích cực. Hiệu quả thực tế cũng được khẳng định. Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ 1/1 đến 6/1/2020, toàn quốc xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 103 người, bị thương 71 người. Như vậy, bình quân 1 ngày có 17 người chết do TNGT, thấp hơn bình quân năm 2019 là 21 người/ngày. Kết quả này có vai trò quan trọng của việc ra quân thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ!

Còn ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bác sĩ  Phan Minh Trung (Khoa chấn thương chỉnh hình) thốt lên: “Ô, giao ban đầu tuần thấy toàn ca bệnh lý, chẳng thấy cái thương tích do TNGT nào cả! Chẳng nhẽ Luật vi diệu thế ư?”

Hiện vẫn có những ý kiến băn khoăn lo bị xử phạt do ăn hoa quả có nồng độ cồn, khi ăn một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở.

Song không khó để giải đáp những băn khoăn này. Thứ nhất, theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia - việc cấm sử dụng rượu bia với người lái xe ô tô không phải bây giờ mới có, mà đã có từ 10 năm trước, trong Luật Giao thông Đường bộ 2009. Đến nay, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn hoa quả. Thứ hai, hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm rất thấp, lại đào thải nhanh. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt.

Cụ thể hơn nữa, chiều 7/1, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an – cũng giải thích thêm điều này để người dân yên tâm: Nếu đo nồng độ cồn trong khí thở mà người dân chưa tin, thì còn có thể kiểm tra trong máu và trong nước tiểu, để khẳng định kết quả chính xác. Người dân cũng có quyền kiện nếu nghi ngờ cảnh sát giao thông làm sai. Vả lại, 10 năm thực hiện Luật Giao thông Đường bộ, chưa có vụ nào nhầm lẫn do nồng độ cồn có trong hoa quả.

Còn sự bán tín bán nghi về chất lượng máy đo nồng độ cồn, theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, máy đo được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng của Bộ KH&CN kiểm định.

Đừng mắc bẫy

Cũng như thời điểm trước khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia trình lên Quốc hội, lại có luồng ý kiến cho rằng việc xử phạt nặng người vi phạm nồng độ cồn, khiến các quán bia, rượu ế khách, nên ngân sách thất thu khoảng một tỷ USD/năm. Lý lẽ này chả có gì lạ bởi từng được các nhà sản xuất rượu bia đưa ra trong hội thảo giữa Bộ Y tế và Hiệp hội bia-rượu-nước giải khát Việt Nam (VBA) trong quá trình xây dựng Luật.

Đại diện VBA cho rằng sản xuất bia, rượu đóng góp quan trọng vào ngân sách với khoảng 50 ngàn tỷ đồng/năm. Nhưng quan điểm này đã bị đại diện Bộ Y tế phản bác: Mức thuế mà ngành rượu bia đóng góp là rất nhỏ nếu so sánh với những tổn thất kinh tế liên quan đến sức khỏe (chi phí điều trị và khắc phục hậu quả; tử vong sớm hay mất khả năng lao động do tàn tật v.v.). Thống kê của WHO cho thấy phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3% - 12% GDP của mỗi quốc gia [tương đương 80 ngàn tỷ - 735 ngàn tỷ đồng nếu xét trường hợp Việt Nam với GDP năm 2019 là 266 tỷ USD]

Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, chi phí trực tiếp cho điều trị 5 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới khoảng 25 nghìn tỷ đồng/năm.

Chưa kể biết bao gia đình tan nát, chia ly, bao đứa trẻ mồ côi, bao người trở thành góa bụa từ những vụ TNGT do ma men cầm lái.

Theo báo cáo Tổng quan Y tế, Việt Nam chi bình quân tiêu thụ bia hơn 3 tỷ USD/năm, cao gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hàng năm. Việt Nam đang “giành ngôi Á quân” Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu bia. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng rượu bia là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.

Bởi vậy, nếu nhờ Nghị định 100 mà Việt Nam thoát ra khỏi danh sách thế giới e sợ, là điều rất đáng mừng chứ sao lại lo âu?

Có một thực tế nữa trong tuần đầu tiên thực hiện Nghị định 100. Sự hiểu biết hạn chế đã dẫn đến có sự chống đối khi cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe, thậm chí, còn truyền nhau trên mạng kinh nghiệm chống đối, như bỏ xe lại rồi đi, không cho kiểm tra, thậm chí, đánh lại CSGT.

Tuy lực lượng Công an đã có biện pháp ứng phó kịp thời với những hành động này, nhưng thiết nghĩ, trong giai đoạn đầu này, cần có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, để kịp thời trấn áp các hành vi côn đồ, bảo vệ lực lượng thi hành công vụ.

Về phía người dân, tại sao không nghĩ cho sức khỏe của bản thân, nguy cơ cho gia đình, mà lại cứ tìm cách đối phó bằng những hành vi không đàng hoàng, mất tư cách, thậm chí còn vi phạm pháp luật để làm gì? Trong khi hoàn toàn có giải pháp đơn giản và hữu ích là sau khi đã nhậu thì về bằng taxi, thậm chí bằng xe ôm rẻ hơn nhiều lái xe về nhà, mà lại an toàn cho chính mình kia mà ?!

Một vấn đề nữa mà mạng xã hội cũng đang “dậy sóng” vì thiếu niềm tin vào lực lượng CSGT trong việc xử lý các “ma men” vi phạm. Bởi vậy, ngành Công an cần tăng cường giám sát, cũng như xử lý nghiêm những vi phạm của CSGT, để lấy lại niềm tin của nhân dân.