Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 – 21/06/2019):

“Xiếc”, chiếc “chìa khóa” bằng chữ khi tôi học viết báo

VietTimes -- Vào cuối năm 2011, sau khi đọc hết cuốn “Xiếc” của nhà báo Hữu Thọ, tôi đã bắt đầu học cách viết báo và đã có sản phẩm được đăng ở các tờ báo. Tính đến nay, dù số lượng bài viết được đăng chưa nhiều, nhưng cũng đủ cho tôi thêm hạnh phúc với biệt danh “nhà báo làng” mà đồng nghiệp vẫn gọi.
Nghề báo - một trong những ghề khó khăn và nguy hiểm nhất.
Nghề báo - một trong những ghề khó khăn và nguy hiểm nhất.

Hôm ấy, trước khi được chuyển công tác về cơ quan mới, tôi quyết định ra nhà sách ở Tràng Tiền mua vài cuốn hướng dẫn nghiệp vụ theo lời giới thiệu của một đồng nghiệp lớn tuổi đã nghỉ hưu.

Đây không phải lần đầu tiên tôi đến nhà sách này. Trước đó, khoảng hơn một năm, tôi đã ra đây và khuân về cuốn Bách khoa tri thức bằng hình ảnh nặng gần 3kg chứ chẳng ít. Chỉ mong sau này cậu con trai đầu sẽ tìm ra cái gì hay hay trong đó mà nuôi dưỡng đam mê để thành tài, thành danh.

Nhà báo Hữu Thọ: "Người làm báo sau laptop thường hay ỉ lại những thông tin trên mạng, lười lẫm đi thực tế, mất khả năng quan sát, làm cho bài báo, tờ báo thiếu sinh động"
Nhà báo Hữu Thọ: "Người làm báo sau laptop thường hay ỉ lại những thông tin trên mạng, lười lẫm đi thực tế, mất khả năng quan sát, làm cho bài báo, tờ báo thiếu sinh động"

Tôi lang thang trong bạt ngàn sách và dừng lại trước kệ sản phẩm lý luận chính trị trong đó có tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ viết báo. Cũng nói thêm là, ở thời điểm đó, mạng xã hội chưa phát triển mạnh như bây giờ, nhưng nghề báo thì cũng đã sôi động lắm. Điều ấy khiến tôi choáng ngợp vì suy nghĩ không biết nên bắt đầu từ đâu để khởi nghiệp với nghề viết đã “đóng đinh” trong đầu từ nhiều năm qua.

Lướt nhanh trên những sản phẩm đầy màu sắc và vô số ẩn ý của các tác giả có học hàm, học vị và do nhiều nhà xuất bản ấn hành; cuối cùng, tôi lựa cuốn sách tiểu phẩm báo chí có tựa đề “Xiếc” của tác giả Hữu Thọ được xuất bản tháng 6/2011, thời điểm cả nước ta quyết liệt bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ
Cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ

Thực ra, lúc ấy tôi cũng chẳng biết Hữu Thọ là ai hoặc cũng có thể nghe qua nhưng không nhớ nổi. Chỉ đến khi đọc những lời giới thiệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tôi giật mình vì dù đã quá tuổi xưa nay hiếm mà ông vẫn viết sách. Trong thể loại tiểu phẩm báo chí, “Xiếc” cùng với “Chạy”, “Ô, dù, ghế, lọng” là những cuốn sách được nhiều người đọc đón nhận.

Đọc hết bài viết đầu tiên có tựa trùng với tên cuốn sách, sống lưng tôi lành lạnh vì tưởng “vớ được vàng”. Lẽ nào đây là chiếc “chìa khóa” tôi cần tìm? Bài viết không đến 500 chữ và câu từ dung dị, lời văn hết sức đơn giản qua những câu hỏi, câu trả lời của ông với đứa cháu khi đi xem xiếc, nhưng hàm ý trong đó chẳng hề đơn giản, thậm chí cực kỳ sâu xa. Tôi lướt nhanh qua vài trang sách nữa rồi chắc mẩm trong đầu, đây là cuốn sách rất cần cho nghiệp vụ viết lách, đặc biệt với người cầm bút nghiệp dư như tôi. Và rồi, tôi nhanh chóng quyết định “ăn hàng”, sau đó têch ngay về cơ quan để thưởng thức chiếc “chìa khoa” bằng chữ.

Chỉ kịp mắc màn, bật đèn chụp ở đầu cái đệm trải trên nền đá hoa của sàn nhà, tôi ngấu nghiến đọc các tác phẩm ở trong cuốn sách mà quên cả đi đánh răng buổi tối. 109 mẩu chuyện của cuốn “Xiếc” được gói trong 220 trang sách khổ 19x13cm đã khiến tôi thức đến gần 3 giờ sáng ngày hôm sau với nhiều suy nghĩ khác nhau về các lĩnh vực của cuộc sống. Tôi thận sự tâm đắc, cười to thành tiếng về những tiểu phẩm và cách viết của tác giả khi phê phán những thói hư tật xấu, thói đạo đức giả ở đời, ở các cơ quan công quyền của nhà nước.

Ngòi bút của nhà báo Hữu Thọ không cạnh khóe, quy chụp, không cường điệu, không đao to búa lớn, không răn dạy, đe nẹt nhưng ý tứ sâu xa.
Ngòi bút của nhà báo Hữu Thọ không cạnh khóe, quy chụp, không cường điệu, không đao to búa lớn, không răn dạy, đe nẹt nhưng ý tứ sâu xa.

Tôi ấn tượng với cách đặt vấn đề nhẹ nhàng, dung dị, cách phân tích vấn đề lúc bình thản thong dong nhưng khi giải quyết vấn đề thì lại quyết liệt thông qua những câu từ rất đắt mà tôi chưa từng đọc được.

Chẳng hạn như trong bài “Giám sát”. Lúc đầu, khi lướt lời dẫn, lời kể về kết quả công việc giám sát của anh đại biểu hội đồng nhân dân một địa phương với tác giả, người đọc thấy sự việc đơn giản lắm và nó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng từ khi tác giả dẫn ra câu nói của nhân dân: “Giám sát ngoài da/ Thanh tra đến thịt/ Điều tra đến xương” thì người đọc đã phải suy nghĩ. Cuối cùng, tác giả nhắn nhủ là, công tác giám sát ở ta tiến hành chưa tới nơi tới chốn, còn hình thức thì xã hội không thể phát triển được. Đến nay, sau bao năm, câu chuyện giám sát trong cơ quan công quyền mà nhà báo Hữu Thọ khái quát vẫn đúng.

Sau này, đôi lúc nhàn việc, khi bí đề tài, khó viết, tôi lại lấy “xiếc” ra đọc và nuôi cảm hứng, tiếp tục viết một vài cái gì đó. Đến nay, mặc dù chỉ là cầm bút nghiệp dư nhưng tôi đã có một số tác phẩm được đăng báo. Thế cũng đủ để tôi thỏa sự đam mê với cái nghiệp viết lách nghiệp dư.

Có người bạn khi nghe tôi “chào hàng” về tiểu phẩm “Xiếc” đã khẩn khoản xin mượn. Đúng hẹn, ông mang trả tôi cuốn sách và rằng: Ông cụ đã cho ta ăn những món thường nghe, thường thấy hằng ngày mà sao thú vị thế vậy. Cụ không cạnh khóe, quy chụp, không cường điệu, không đao to búa lớn, không răn dạy, đe nẹt nhưng ý tứ sâu xa. Cụ đúng là nhà báo chân chính, nhà văn hóa lớn thời nay.

"Thông tin mạng ra đời có hai hiện tượng mà người làm báo phải hết sức cảnh giác. Hiện tượng thứ nhất, làm báo sau laptop. Chỉ cần một chiếc máy điện thoại, máy tính có thể truy cập được tất cả thông tin, bài báo, chủ đề mình cần. Đó là mặt lợi, nhưng mặt hại là ít tiếp xúc cá nhân, mà không tiếp xúc cá nhân thì không có điều kiện để quan sát, tìm ra những chi tiết đáng quý để xây dựng các ý tưởng độc đáo. Người làm báo sau laptop thường hay ỉ lại những thông tin trên mạng, lười lẫm đi thực tế, mất khả năng quan sát, làm cho bài báo, tờ báo thiếu sinh động", nhà báo Hữu Thọ trả lời phỏng vấn báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.