Xây dựng nông thôn mới còn nợ đọng hơn 9.600 tỷ đồng

VietTimes -- Đến hết năm 2016, cả nước có 2.358 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới và tổng nợ đọng trong chương trình tính đến tháng 12/2016 là khoảng 9.654 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, đến hết năm 2016, cả nước có 2.358 xã đạt 19 tiêu chí (tăng thêm 1,43% so với mục tiêu năm 2016), 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Và hiện cả nước còn 257 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 69 xã so với cuối năm 2015).

Về nguồn lực, trong năm 2016 đã huy động được khoảng 228.398 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 7.374 tỷ đồng (3,2%). Đáng chú ý nhất là xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cũng có bước chuyển biến đáng ghi nhận. Tổng hợp nhanh của 25 tỉnh có số nợ lớn, đến nay có 17 tỉnh đã giảm được 5.624 tỷ đồng (36,8%). Và tổng nợ còn lại đến tháng 12/2016 là khoảng 9.654 tỷ đồng so với mức 15.277 tỷ đồng vào đầu năm 2016. 

Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định. Vốn ngân sách bố trí trực tiếp đạt thấp, chỉ đạt 12,1% (quy định 17%); vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn đạt 19,5% (quy định 23%); vốn huy động từ doanh nghiệp chỉ đạt 5,3% (quy định 20%)...

Trước tình trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương lưu ý nợ đọng và nhanh chóng xử lý, song tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương vẫn còn lớn. Tại thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. 

Đồng thời Chính phủ yêu cầu các Bộ khẩn trương có văn bản hướng dẫn Bộ tiêu chí nông thôn mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung vào cẩm nang hướng dẫn, làm căn cứ để các tỉnh quyết định thực hiện cụ thể trên từng địa bàn, hoàn thành trong quý I năm nay. Bên cạnh đó đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện thông qua các hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông thôn để giảm áp lực nguồn vốn cho chương trình.