WHO: Virus Corona có thể tồn tại mãi mãi

VietTimes – Virus Corona có thể không bao giờ biến mất và nhân loại sẽ phải học cách sống chung với nó giống như với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), đây là cảnh báo mới được WHO đưa ra.
Chúng ta có thể sẽ phải sống chung với virus Corona (ảnh: TGDĐ)
Chúng ta có thể sẽ phải sống chung với virus Corona (ảnh: TGDĐ)

Một loại vắc xin ngừa virus Corona có thể cho phép các quốc gia mở cửa lại nền kinh tế sau thời kỳ giãn cách xã hội và những người tạo ra vắc xin có thể kiếm hàng triệu USD.

Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus Corona có thể không bao giờ bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Michael Ryan, chuyên gia cao cấp của WHO tại Thụy Sĩ nhận định: “Corona có thể trở thành một loại virus hiện hữu khác trong cộng đồng và nó có thể không bao giờ biến mất. Giống như HIV, có thể nhân loại có thể sẽ phải sống chung với nó”.

Theo những người lạc quan thì một loại vắc xin phòng ngừa virus Corona có thể được đưa ra trong vòng một năm tới – dựa trên những dữ liệu về các cuộc thử nghiệm đang được tiến hành, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cho biết hôm thứ Năm (16/5).

“Nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, một trong số các loại vắc xin đang được thử nghiệm có thể được phê duyệt trong một năm tới”, ông Marco Cavaleri, Giám đốc Chiến lược vắc xin và những mối đe dọa sức khỏe sinh học của EMA, cho biết.

“Đây là dự báo dựa trên những gì chúng ta đang thấy. Nhưng một lần nữa tôi phải nhấn mạnh rằng đó là tình huống lý tưởng. Không phải mọi loại vắc xin được nghiên cứu đều có thể thành công và chúng có thể không bao giờ được phát hành. Hoặc chúng sẽ được phát hành chậm hơn thời gian dự kiến”, ông Cavaleri cho biết.

Đại diện EMA tỏ ra hoài nghi về một loại vắc xin có thể được tung ra vào tháng 9 tới.

Đại dịch Covid-19 đang khiến mọi chính phủ trên khắp thế giới phải đau đầu cân nhắc giữa việc ngăn chặn mầm bệnh và duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết việc xã hội ngừng hoạt động kéo dài để ngăn chặn sự lây lan của virus có thể gây ra thiệt hại dài lâu cho nền kinh tế. Tổng thống Donald Trump đã cố gắng nối lại các hoạt động kinh tế bình thường, phớt lờ lời khuyên của các quan chức y tế.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho biết việc mở cửa trở lại quá sớm có nguy cơ gây ra những đợt bùng phát không thể kiểm soát, nhưng Tổng thống hôm thứ Tư (13/5) đã bác bỏ lời kêu gọi thận trọng này.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều nhấn mạnh rằng mọi loại vắc xin và phương pháp điều trị Covid-19 nên được cung cấp miễn phí cho mọi người.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Pakistan Imran Khan nằm trong số hơn 140 người bao gồm các nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo đã ký vào một lá thư chung kêu gọi không nên cấp bằng sáng chế cho bất kỳ loại vắc xin nào vì nó là một thành tựu khoa học cần được chia sẻ giữa các quốc gia.

Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan thiết lập chính sách của WHO, sẽ tổ chức cuộc họp thường niên vào tuần tới. Nhân sự kiện này, các bên ký lá thư đã kêu gọi WHA ủng hộ lập trường này.

“Các chính phủ và đối tác quốc tế phải có chung mục tiêu về một xã hội toàn cầu an toàn, để đảm bảo rằng khi một loại vắc xin hiệu quả được nghiên cứu thành công, nó phải được nhanh chóng sản xuất ở quy mô lớn và cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người ở tất cả mọi quốc gia”.

“Quy tắc này cũng nên áp dụng cho các phương pháp điều trị, chẩn đoán và công nghệ ngăn chặn Covid-19 khác”, trích nội dung lá thư.

Lá thư được đưa ra trong bối cảnh người dân Pháp bày tỏ sự phẫn nộ khi công ty dược phẩm Sanofi (Pháp) cho biết họ sẽ giữ lô hàng vắc xin điều trị Covid-19 đầu tiên cho chính phủ Mỹ. Giám đốc điều hành của công ty này, ông Paul Hudson, nói rằng Mỹ sẽ nhận được lô hàng đầu tiên vì đã tài trợ cho việc nghiên cứu vắc xin.