Một chuỗi các thách thức lớn chưa từng có đang chờ đón kinh tế Trung Quốc, mà trong đó thách thức lớn nhất là một vực thẳm tài chính sâu hun hút.
Thời điểm giữa tháng 11.2015 vừa qua là thời điểm đánh dấu tròn ba năm cầm quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào giữa tháng 11.2012.
Nó đồng thời cũng đánh dấu cho sự kết thúc cho năm 2015, năm cuối cùng trong kế hoạch kinh tế 5 năm của Trung Quốc (2011-2015). Nhưng, thời điểm mà nhiều quan chức Trung Quốc gọi là “song hỷ lâm môn” đó lại không hề đáng để vui mừng chút nào.
Năm 2015 có lẽ là năm Trung Quốc phải đối mặt với nhiều biến cố kinh tế nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, và có lẽ đây cũng sẽ là năm kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng chậm nhất, dự kiến chưa đến 7%. Tuy nhiên, năm 2015 có lẽ vẫn chưa phải là năm tệ nhất với Trung Quốc nếu như nhìn vào tương lai ảm đạm của nước này trong năm 2016. Một chuỗi các thách thức lớn chưa từng có đang chờ đón kinh tế Trung Quốc, mà trong đó thách thức lớn nhất là một vực thẳm tài chính sâu hun hút.
Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ thế giới phải thừa nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước này kể từ sau Đặng Tiểu Bình. Nhưng nếu hỏi rằng ông Tập có phải là một người may mắn hay không, thì câu trả lời là: chưa chắc. Ông Tập lên nắm quyền đúng vào thời điểm không mấy dễ chịu. Xét trên khía cạnh kinh tế, đó là thời điểm Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại sau khoảng ba mươi năm phát triển với tốc độ rất cao, và đang có nhu cầu thúc bách là cần đổi mới mô hình tăng trưởng vốn là một việc cực kỳ khó khăn.
So về may mắn, thì người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào may mắn hơn nhiều, khi thời gian ông này cầm quyền là khoảng thời gian tươi đẹp cuối cùng của nền kinh tế trước khi tăng trưởng chậm lại. Chính vì thế, những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc cứ dần dần tích tụ lại, để rồi bùng nổ vào đúng thời gian ông Tập nắm quyền. Chúng ta có thể điểm qua những thách thức chủ đạo với kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 để thấy rõ điều đó.
Thứ nhất là những bất ổn tiền tệ. Đồng USD tăng giá sau khi cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất hồi giữa tháng 12.2015 được xem là cú sốc lớn nhất với hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc trong năm 2016. Nó sẽ tác động trực tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, tăng áp lực giảm phát, ảnh hưởng xấu đến thu nhập của các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, nó cũng tăng sức nặng của gánh nợ công trên vai các doanh nghiệp Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, nợ nước ngoài sắp đáo hạn của các doanh nghiệp nước này là khoảng trên 1,1 ngàn tỉ USD, và đồng USD tăng giá có thể khiến số nợ này tăng lên đáng kể.
Đồng USD tăng giá cũng đang đẩy mạnh thêm xu hướng chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng trong vài năm gần đây theo cấp số nhân. Vào ba tháng cuối năm 2014, khoảng 91 tỉ USD bị rút khỏi thị trường Trung Quốc; ba tháng sau đó tức ba tháng đầu năm 2015, con số này tăng lên gần 210 tỉ USD; còn ở thời điểm hiện tại khi năm 2015 sắp trôi qua, thì có tới hơn 500 tỉ USD bị rút ra khỏi Trung Quốc trong bốn tháng cuối năm. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài bị rút khỏi Trung Quốc trong năm 2015 có lẽ lên tới cả ngàn tỉ USD chứ không ít. Và có trời mới biết được với việc đồng USD tăng giá, con số này trong năm 2016 sẽ tăng lên bao nhiêu.
Trong bối cảnh khó khăn đó thì bản thân nội tại nền kinh tế Trung Quốc cũng có không ít quả bom tài chính. Lớn nhất là thị trường bất động sản khổng lồ đang ế ẩm. Theo ước tính có khoảng 50 triệu căn hộ đang bị bỏ không tại nước này, và nó đang đóng băng một lượng tiền khổng lồ.
Chỉ tính riêng các khoản vay liên quan đến bất động sản tại bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã lên tới 364 tỉ USD. Trong bối cảnh dòng tiền rút ra khỏi Trung Quốc đang tăng chóng mặt, thì sức ép phải khai thông bế tắc thị trường bất động sản lại càng tăng lên. Vấn đề thị trường bất động sản đóng băng nghiêm trọng đến mức Chính phủ Trung Quốc đã phải đặt nó lên hàng đầu trong số các vấn đề cần giải quyết trong năm 2016, khi thị trường bất động sản được dự báo sẽ là quả bom thứ hai sau quả bom nổ ở thị trường chứng khoán hồi tháng 8 vừa qua.
Một quả bom khác cũng lớn không kém là hệ thống ngân hàng. Cho đến giờ, kênh cung cấp tín dụng lớn nhất ở Trung Quốc vẫn là hệ thống ngân hàng, từ các doanh nghiệp nhà nước cho đến doanh nghiệp tư nhân đều vay vốn từ các ngân hàng, một phần khác là từ nguồn vốn vay nước ngoài. Điều này tăng lên sau khi một kênh huy động tín dụng khác là thị trường chứng khoán sụp đổ hồi tháng 8.
Nhưng giờ đây áp lực lên hệ thống ngân hàng Trung Quốc mới thực sự lớn, khi nợ nần của các doanh nghiệp đang gia tăng do tỷ giá và kinh tế tăng trưởng chậm, nó đang làm giảm thanh khoản và sức ép dòng tiền thì tăng lên trông thấy. Nếu không được xử lý tốt, Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính giống nước Mỹ năm 2007, khi hệ thống ngân hàng sụp đổ.
Như ta đã thấy, phần lớn các thách thức chủ đạo của kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 sắp tới là liên quan đến lĩnh vực tài chính. Chưa bao giờ sức ép tài chính lại dữ dội và đến vào cùng một thời điểm như thế vào năm 2016. Để giúp các doanh nghiệp đang cần tiền trả nợ nước ngoài sắp đáo hạn, để giúp bù đắp những lỗ hổng trên thị trường do việc các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn đầu tư, để giúp khai thông thị trường bất động sản đang đóng băng, và để giúp hệ thống ngân hàng trong vấn đề thanh khoản, chỉ có một giải pháp duy nhất là chính phủ Trung Quốc phải bơm tiền để cứu vãn tình hình và dĩ nhiên là bằng USD.
Áp lực tài chính tổng hợp này đang không khác gì một vực thẳm sâu hun hút, đe dọa bào mòn hệ thống bảo hiểm của Trung Quốc vốn là quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này. Chỉ tính riêng trong việc bù đắp những tổn thất do đồng USD tăng giá, Trung Quốc dự kiến sẽ phải chi 100 tỉ USD mỗi tháng để giải quyết tình hình.
Đó là chưa kể đến nguồn tiền cần thiết để khai thông thị trường bất động sản và giúp hệ thống ngân hàng tăng mức đề kháng. Cùng với đó là mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ Trung Quốc đặt ra trong 5 năm từ 2016 đến 2020 ở mức 6,5% mỗi năm. Để làm được điều đó Trung Quốc sẽ vẫn phải tăng cường đầu tư cả ở thị trường nội địa lẫn đầu tư ra nước ngoài, đồng nghĩa với việc lại cần một khoản chi phí khổng lồ nữa.
Và vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này không phải là cái bao không đáy. Nó đã sụt xuống chỉ còn 3.500 tỉ USD sau khi chính phủ Trung Quốc bơm 500 tỉ USD ra cứu thị trường chứng khoán hồi tháng 8. Việc dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ồ ạt khỏi Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến quỹ dự trữ, khi một phần trong quỹ dự trữ là dòng tiền nóng đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu.
Và khi mà nhu cầu tài chính của Trung Quốc trong năm 2016 được dự báo là cao nhất trong hàng chục năm qua, thì hẳn cái bao dự trữ ngoại tệ này sẽ bị bào mòn đáng kể. Còn nếu như chính phủ Trung Quốc không muốn mạo hiểm dùng quá nhiều từ quỹ dự trữ, thì họ sẽ phải chấp nhận những thiệt hại kinh tế cũng không hẳn là nhỏ trong năm 2016.
Nhàn Đàm - Theo Bloomberg, Tri thức trẻ