“Vua gà” Đông Tảo: yêu quý gà như con

VietTimes -- “Tôi mê con gà Đông Tảo chỉ vì lây cái máu mê của bố tôi. Ông là một “vua gà”. Chạy loạn năm 1945, ông bỏ lại tất cả tài sản, 5 cái đầu máy khâu mà chỉ xách theo một cặp gà Đông Tảo ra phố Khâm Thiên nuôi”- “Vua gà” đời thứ 2- Nguyễn Trọng Tích nói.
Chuyên gia người Nhật Bản cũng "Vua gà" Đông Tảo
Chuyên gia người Nhật Bản cũng "Vua gà" Đông Tảo

Nhưng để bảo tồn được giống gà quý hiếm “vang cả ra thế giới” không phải ai cũng biết người con của vua gà năm nào đã có một thời  nhọc nhằn gian nan vất vả… Có lúc được mất chỉ cách nhau gang tấc. Ông đã làm nhiều việc để giữ được gene gà  quý hiếm. Có lúc ông đã phải đi trốn cả nhà báo để giữ an toàn cho gà. Rồi ông còn đào cả hầm như hầm tránh bom đạn để làm nơi trú ẩn cho gà. Ông là “trùm gà” Nguyễn Trọng Tích ở xóm Đông Lễ, thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ngày xưa những người như ông  “oai” ngang với lý trưởng…

Ôm gà đi trốn

“Bây giờ các chú tới tôi còn tiếp chứ ngày xưa những ngày có dịch tôi toàn đi trốn. Không tiếp ai ở nhà. Có “tiếp” thì cũng qua điện thoại thôi. Không phải mình có ý gì với các phóng viên đâu mà sợ các “bố ấy” vừa đi qua vùng dịch, vô tình mang vài con H5N1 vào thì nguy cho đàn gà lắm”- Nguyễn Trọng Tích “thanh minh” về việc ngày xưa ông không tiếp phóng viên là thế.

Cách đây hơn chục năm (12/2003) dịch cúm bùng phát, ông Tích như nằm trên lửa. Hết làm nhà kính cho gà tránh virút đột nhập, lại đào hầm sâu dưới đất cho gà trú ẩn như tránh máy bay thời chiến tranh. Nhà ông là nơi tập trung những con gà thuần chủng của cả làng.

Khi dịch cúm gà bùng phát, nơi đây trở thành trung tâm chú ý của báo giới. Mặc dù cổng nhà ông Tích đã khóa hai lần, bênh cạnh còn xích hai con chó Bécgiê to như con nghé, động thấy người lạ là sủa ông ổng, nhưng không ngày nào không có một vài phóng viên đến săn tin.

Cho dù công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng mọi cách phải giữ, không được tiêu hủy đàn gà nhà ông Tích khi chưa có lệnh, khổ nỗi, cúm gà chưa lan đến làng dân làng sợ hãi mang gà vịt ra bãi tha ma chôn.

Để bảo toàn lực lượng ông Tích mang gà … đi trốn!

“Tôi chỉ để lại 60 con ở nhà, còn 120 con tôi cứ ngậm nước vôi vào miệng sát trùng cho chúng, mang giấu ở chùa Bà Đanh, chùa Hương. Cứ 1h đêm tôi xuất phát cho an toàn… Vậy mà dọc đường đi vẫn cứ nơm nớp, mắt trước mắt sau sợ kiểm dịch như buôn lậu sợ phòng thuế! Các “bố ấy” không biết mình đang giữ giống gà quý hiếm, vớ được lại bắt hủy thì tội với ông bà…”- ông Tích kể lại.

Cứ thế đêm di chuyển gà, ngày chạy như con thoi chăm sóc 3 trại gà bí mật, sau vụ ấy người ông gầy rạc, chiếc xe Furture làm trâu ngựa cho gà cũng khô máy, “ho” khùng khục.

Đổi xe lấy gà

Có năm chưa cúm gà, còn mỗi tạ thóc để ăn trong nhà, ông Tích cũng mang đổi lấy 4 con gà con thuần chủng về nuôi. Nào ngờ được 5 ngày chúng lăn đùng ra chết. Vợ ông cằn nhằn: “Lấy gì mà ăn bây giờ, ông cứ gà với qué thì chết đói”. Khi ấy ông Tích bảo, không có gạo mình vẫn có chỗ đi vay, chứ gà vào tay người khác người ta bỏ nồi thì làm sao vay! Cả làng bây giờ còn được bao con? Phải chọn từ hàng chục con mới được một con thuần Đông Tảo.

Sau lần “trục trặc” ấy chị vợ yên tâm là chồng mình đã tỉnh “cơn mê”. Nào ngờ cả nhà còn mỗi chiếc xe đạp của “hồi môn” của vợ ông Tích cũng mang đổi lấy 15 con gà giống!

Ngày ấy là vào đầu năm 1988, vợ chồng ông lúc ấy mới ra ở riêng. Sau vụ hoán đổi xe thành gà kia vợ ông phải đi vác đất thuê kiếm sống. Còn ông  Tích ra đứng ở cổng Viện Quân y 103 (Hà Đông) làm anh cửu vạn.

Vậy mà cứ được đồng nào ông lại quy ra gà! Mặc dù đồng tiền phải nhọc nhằn mới kiếm được nhưng ông nổi tiếng khắp làng là người sẵn sàng trả giá cao để có con giống tốt.

Một con đực thuần chủng như ý thì có phải trả cao gấp 3-4 lần giá bình thường ông cũng chơi!

Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo 

Cùng đình ngồi ngang lý trưởng nhờ …gà

Ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Nhà nước muốn mua 1.000 con gà Đông Tảo mang tặng đồng bào miền Nam để nhân rộng giống gà quốc bảo. Xe com măng ca chở hai bố con ông Tích chạy khắp làng, nhà nào cũng khảo sát, tuyển chọn vậy mà chỉ được đúng100 con!

Dân làng từ lâu, người nuôi gà công nghiệp cho năng suất, kẻ chăm chút cho lứa gà chọi để mang ra sới đấu. Nhà nào nuôi gà Đông Tảo cũng chỉ nuôi vài con lai với gà ri để… thịt.

Theo các chuyên gia về động vật quý hiếm và đa dạng sinh học Viện Chăn nuôi, gà Đông Tảo là giống gà có từ lâu đời được dân ở  Đông Tảo nuôi thả. Nó quý hiếm ở một điểm là rất to, có thể nặng tới 6-8 kg một con, thịt lại ngon, nhất là món nấu đông ngày Tết. Đặc biệt giống gà này có đôi chân to khác thường lại có vẩy thịt trông rất ngộ. Từ năm 1990 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương bảo tồn giống gà quý này. Khả năng miễn dịch của giống gà này rất cao.

Con gà Đông Tảo ngày xưa  được nhà nhà chăm sóc, người người chăm sóc vì nó có thể làm thay đổi thân phận người nuôi. “Ngày xưa cứ đến gần Tết là có cuộc thi. Nhà nào nhà nấy rạo rưc mang gà ra đình. Những chú gà thí sinh nặng 7-8 kg, đầu gộc tre mình “trường vác’, chân to như ống điếu cày. Gà nhà ai đoạt giải nhất là được đưa lên kiệu đi rước khắp làng trên xóm dưới như rước trạng vinh quy. Dù là thằng cùng đinh nhưng nuôi được gà to đẹp nhất lãng năm ấy là thành “trùm gà” có một chỗ ở sân đình… ngồi ngang với lý trưởng. Việc  lớn nhỏ trong thôn đều đươc mời tham dự.” -  Một cụ già từng là trùm gà tâm sự. Rồi cụ bảo bao năm làng vẫn tổ chức thi gà, gà nhà ông Tích luôn ẵm giải.

Còn ông Tích thì bảo, để có một con gà thuần chủng anh phải chọn lọc kỹ từ ba bốn chục con gà mới nở. Gà Đông Tảo rất có giá. Có khách nước ngoài trả rất cao nhưng anh không bán. “Đời nào tôi bán cho họ. Từ ngày tôi được Viện chăn nuôi để ý hỗ trợ rồi ngày ngày đọc báo nghe đài biết con gà quê mình quan trọng vì là nguồn gien quý quốc gia không thể tùy tiện bán mua. Trước đây tôi mê con gà Đông Tảo chỉ vì lây cái máu mê của bố tôi thôi. Ông là một vua gà. Chạy loạn năm 1945, ông bỏ lại tất cả tài sản, 5 cái đầu máy khâu mà chi xách theo một cặp gà Đông Tảo ra phố Khâm Thiên nuôi”- Ông Tích bảo.

Vậy ra muốn giữ giống gà quốc bảo, trước hết phải bảo vệ cái gien yêu quý loài vật của chính con người.

Bây giờ gà Đông Tảo đã nổi tiếng đến mức Hoàng tử  Nhật Bản Akishino trong chuyến thăm làm việc tại Hưng Yên đã ghé qua nhà ông xem, tìm hiểu về nuôi giống gà quý hiếm, Hoàng tử cũng muốn các chuyên gia Nhật nhập giống này về để nghiên cứu. Gia đình ông từng là địa chỉ mà nhiều nhà nghiên cứu của Úc, Nhật, Pháp tìm đến…