"Đại chiến" taxi:

Vụ tài xế Grab tuần hành: Grab hoãn đối thoại vào phút chót vì bất đồng quan điểm

VietTimes -- Sau sự việc các lái xe GrabCar diễu hành đòi quyền lợi ào ngày 15/1, Grab Việt Nam đã hẹn sẽ tổ chức cuộc đối thoại cụ thể vào chiều 18/1. Tuy nhiên, cuộc đối thoại này đã bị Grab hủy trong phút chót vì chưa thể đạt được thỏa thuận ban đầu.
Tài xế Grab đình công tại trụ sở của Grab sáng 15/1.
Tài xế Grab đình công tại trụ sở của Grab sáng 15/1.

Cụ thể, phía Grab yêu cầu chỉ gặp 5 người đại diện (có danh sách được gửi trước cho Grab) là chủ xe/tài xế vẫn đang hợp tác với Grab và phải có giấy ủy quyền của các tài xế cho 5 người được đại diện. Grab lý giải sở dĩ cần thực hiện các yêu cầu trên là để phía Grab biết việc này xuất phát từ số đông tài xế hay chỉ một nhóm nhỏ.

Thời gian làm việc của Grab gửi cho các tài xế chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, từ 14h đến 15h chiều ngày 18/1.

Đồng thời, trong thời gian diễn ra cuộc gặp, các tài xế đối tác không tụ tập đông người để tránh ảnh hưởng xấu đến Grab. 

Về mặt pháp lý, Grab từ chối sự tham dự của luật sư hay truyền thông với lý do "chỉ là cuộc làm việc nội bộ giữa Grab và đối tác về lợi ích các bên.

Trong khi đó, phía đại diện các tài xế cũng đã có phản hồi đối với các yêu cầu trên. Theo đó, đại diện nhóm này cho hay: "Việc yêu cầu chỉ cho 5 người vào là không thỏa đáng và việc bắt buộc các đại diện này phải xuất trình văn bản đại diện ủy quyền của các tài xế khác là yêu cầu vô lý".

Thêm đó, phía tài xế muốn có sự tham gia của luật sư với tư cách tư vấn pháp lý và có cơ quan truyền thông vào cuộc để thông tin đến người dân.

Ngoài ra, việc Grab giới hạn thời gian làm việc trong 1 tiếng đồng hồ là không thỏa đáng. Theo đại diện của các tài xế, "một giờ đồng hồ không thể đủ thời gian để trình bày các vấn đề của hơn 200 tài xế".

Với các bất đồng trên, đại diện Grab cho biết "sẽ báo cáo lại cấp trên về các yêu cầu của tài xế" đồng thời cam kết "sẽ sắp xếp cuộc hẹn, và báo trước cho đại diện của tài xế trước 3 ngày như yêu cầu của các tài xế".

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, Grab cũng phát đi thông điệp yêu cầu các đối tác tài xế tuân thủ bộ quy tắc ứng xử mà doanh nghiệp này đưa ra hồi tháng 7/2017.

Thông điệp này nhấn mạnh: "Đối với hành vi tự ý gây náo loạn tại văn phòng/trụ sở Grab hay cấu thành kết quả tương tự mà không tuân theo quy trình này và không thông qua Grab trước, chúng tôi sẽ xem xét như vi phạm quy tắc ứng xử và từ chối làm việc".

Đồng thời, "mọi cá nhân xúi giục hoặc tham gia đều có khả năng xem xét bị ngưng hợp tác vĩnh viễn. Grab cũng sẽ phối hợp cung cấp thông tin và làm việc cùng công an/chính quyền địa phương để xử lý các cá nhân sai phạm theo đúng pháp luật đối với hành vi gây rối trật tự công cộng", thông điệp này nêu rõ.

Và kết luận, "tài xế cam kết không tham gia bất kỳ hoạt động nào làm ảnh hưởng hoặc tổn hại đến danh tiếng và/hoặc làm gián đoạn hoạt động của Grab, đồng thời không cấu kết với các tài xế khác hoặc bên thứ ba nhằm mục đích thực hiện các hành vi nêu trên".

Tài xế Uber, Grab trao đổi về những bức xúc gần đây dẫn đến việc phải tổ chức tuần hành.

Trao đổi riêng với VietTimes, các tài xế Grab cho biết, họ dự định đưa ra 5 nội dung chính mong được làm rõ trong buổi làm việc với Grab. Cụ thể:

Thứ nhất, mối quan hệ giữa 2 bên là quan hệ hợp tác nên Grab không thể đơn phương tăng chiết khấu lên 25% như hiện nay. Do đó, các tài xế này yêu cầu Grab giảm chiết khấu về 15% như trước đây.

Thứ hai, Grab cần chứng minh, làm rõ và công khai các tài liệu liên quan về cách tính thuế, số tiền đóng thuế đối với việc sau mỗi chuyến đi trừ trực tiếp 4,5% cước phí khách hàng trả với lý do đóng thuế thu nhập cá nhân.

Thứ ba, Grab cần có các chính sách điều chỉnh phù hợp với quy định cấm đường mới từ Sở GTVT Hà Nội để hỗ trợ tài xế.

Thứ tư, hiện có nhiều tài khoản bị khóa mà không rõ lý do, Grab cần có giải thích rõ ràng, không thể đưa ra lý do chung chung “do phản ánh của khách hàng về tài xế lái xe không tốt”.

Thứ năm, hi vọng Grab có thể cùng thỏa thuận, thống nhất và đưa ra phương pháp hợp tác phù hợp, tuân thủ theo đúng các nội dung quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike và GrabExpress của Grab Việt Nam cho biết, mức chiết khấu tăng từ 20% lên 23,6% là hình thức thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cho đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress chứ không phải phí sử dụng ứng dụng Grab. 

Số tiền thu hộ 3,6% của các tài xế sẽ được hãng hoàn trả lại toàn bộ, tính từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm tạm ngưng vào 10h00 sáng 13/1.

Tuy nhiên, vấn đề trên đã dẫn đến sự hiểu lầm và gây ra sự không thuận tiện cho các đối tác tài xế. Vì vậy, Grab Việt Nam cho biết hiện đã tạm ngưng mức tăng như trên, chưa thực hiện việc tạm giữ, nộp hộ nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của đối tác là tài xế xe 2 bánh.