Vụ Su-24 Nga ném bom HMS Defender Anh ở Biển Đen: Nga bảo có, Anh nói không!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Súng và bom đã nổ ở Biển Đen! Hôm nay (23/6), tàu khu trục Type-45 HMS Defender (D36) của Hải quân Hoàng gia Anh đã đột nhập vào lãnh hải Crimea và bị máy bay chiến đấu của Nga trực tiếp tấn công...
Tàu chiến và máy bay Nga tập trận trên Biển Đen (Ảnh: Sohu).
Tàu chiến và máy bay Nga tập trận trên Biển Đen (Ảnh: Sohu).

Nga tố cáo tàu Anh xâm phạm lãnh hải bị cảnh cáo và nổ súng xua đuổi

Theo các cơ quan truyền thông như Thông tấn xã Sputnik, Đài truyền hình Sao Đỏ Nga và Daily Mail của Anh, Bộ Quốc phòng Nga đã phát đi thông báo cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga và Lực lượng An ninh Biên phòng Liên bang (Cảnh sát Biển) đã ngăn chặn hành động xâm phạm biên giới Nga của tàu khu trục Anh. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Chiến hạm HMS Defender của Anh trong khi hoạt động ở Tây Bắc Biển Đen đã vượt qua lãnh hải Nga và tiến vào khu vực Cape Fiolent lúc 11h52’ ngày 23/6 (giờ Moscow), cách cảng Sevastopol, căn cứ của Hạm đội Biển Đen chỉ 3 km”.

Chiến hạm HMS Defender D36 của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: Sputnik)

Chiến hạm HMS Defender D36 của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: Sputnik)

Sau khi vụ việc xảy ra, quân đội Nga ngay lập tức mạnh mẽ đáp trả. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng “Nga đã thông báo cho tàu Anh về việc sử dụng vũ khí để cảnh cáo hành vi vượt qua biên giới, nhưng tàu này đã không phản hồi”. Lúc 12h06’ và 12h08’, các tàu tuần tra biên giới của Nga đã nổ súng cảnh cáo. Lúc 12h19 phút, máy bay tiêm kích bom Su-24M thuộc không quân Hạm đội Biển Đen của Nga đã ném 4 quả bom không điều khiển OFAB-250 về phía chiếc HMS Defender. 4 phút sau, lúc 12h23’, HMS Defender đã rời khỏi hải phận Nga. Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã triệu tập tùy viên quân sự Anh tại Matxcova tới để phản đối.

Mặc dù lần này quân đội Nga vẫn chỉ là nổ súng cảnh cáo nhưng độ cứng rắn của nó đã vượt xa những dự đoán của bên ngoài.

Su-24M thả bom không điều khiển OFAB-250 (Ảnh: Sohu).

Su-24M thả bom không điều khiển OFAB-250 (Ảnh: Sohu).

Tàu khu trục HMS Defender là một trong sáu chiếc tàu Type-45 của Hải quân Hoàng gia Anh, cùng với một tàu lớp Burke của Mỹ và một khinh hạm phòng không lớp De Zeven Provincien của Hà Lan, hiện đã lập thành một nhóm ở Biển Đen vài ngày trước. Hai ngày vừa qua, tàu HMS Defender đã đến Odessa, Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh đang thăm Ukraine đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ukraine ở chính trên con tàu này. Theo đó, phía Anh sẽ giúp Ukraine nâng cấp 2 căn cứ hải quân và đóng mới 8 tàu mang tên lửa. Ngoài ra Anh sẽ bán lại 2 chiếc tàu quét mìn lớp "Sandown" đã qua sử dụng cho Ukraine. Tập đoàn đóng tàu Babcock của Anh cũng sẽ giúp hiện đại hóa các công ty đóng tàu Ukraine. Không biết có phải vì kí được đơn hàng quá lớn mà các thủy thủy tàu Anh mụ mẫm đầu óc, suýt chuốc thảm họa và chút nữa bị đánh chìm.

Và lần này, tiêm kích Su-24M "Fencer" (Kiếm thủ) của Hải quân Nga một lần nữa chứng tỏ nó không phải đã hết thời, dám ra tay hành động.

Từ năm 2015 đến năm 2016, các tàu khu trục lớp "Cook" và "Ros" thuộc Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ đóng tại căn cứ Rota, Tây Ban Nha đã chạm trán với máy bay chiến đấu Su-24 ở cự ly gần khi chúng "gây sự" ở Biển Đen và Biển Baltic. Các cuộc tập kích cự ly gần kiểu "bay sát đầu" khiến các thủy thủ Mỹ rất sợ hãi. Mặc dù Su-24 “Kiếm thủ” là loại máy bay ném bom chiến đấu cánh cụp cánh xòe được đưa vào sử dụng từ những năm 1970, đã bị tụt lại phía sau trong các cuộc tấn công tàng hình, tiến công từ ngoài vùng và chiến tranh điện tử; nhưng trong kiểu "xung đột xám" cường độ thấp này, các phi công Nga có kỹ năng bay giỏi và lòng dũng cảm, đã điều khiển "Kiếm thủ" nhào lộn chơi trò ú tim khiến các tàu chiến Mỹ và Anh khiếp sợ.

Su-24M bay sát nóc tàu chiến Mỹ hồi năm 2020 (Ảnh: Sohu).

Su-24M bay sát nóc tàu chiến Mỹ hồi năm 2020 (Ảnh: Sohu).

Crimea và Biển Đen liên quan đến tranh chấp Nga - Ukraine, đều có nguyên nhân lịch sử nhưng lại là lợi ích cốt lõi của Nga. Năm 1988, vụ tàu chiến của Liên Xô bắn tàu chiến Mỹ "tàu ta được lệnh đánh tàu lạ" đã chứng minh đầy đủ luận điểm này. Kể từ đó, các tàu Mỹ hầu như không dám đi vào lãnh hải Nga thì lần này tàu Anh lại được "nếm mùi".

Phía Anh bác bỏ sự kiện

Trước tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/6 về việc tàu khu trục Anh vượt qua biên giới, tàu Nga nổ súng và máy bay chiến đấu của Nga thả bom cảnh cáo, Bộ Quốc phòng Anh đã ra tuyên bố khẳng định không hề nhận được cảnh báo nổ súng đối với chiếc HMS Defender. Các tàu của Hải quân Hoàng gia Anh khi đó đang đi qua lãnh hải Ukraine tuân theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh phủ nhận sự việc xảy ra như phía Nga nói (Ảnh: Ifeng).

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh phủ nhận sự việc xảy ra như phía Nga nói (Ảnh: Ifeng).

Tuyên bố cho biết: "Chúng tôi cho rằng phía Nga khi đó đang tiến hành một cuộc diễn tập pháo kích ở Biển Đen. Họ đã đưa ra cảnh báo trước về các hoạt động của mình cho cộng đồng hàng hải. Không ai bắn vào HMS Defender và chúng tôi cũng không nhận thấy có bom được ném trên tuyến đường di chuyển của HMS Defender (như phía Nga nói)”.