Vụ OceanBank: Gia đình, bạn bè muốn nộp 37 tỷ đồng cứu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử

VietTimes -- Bà Võ Thị Thanh Xuân – vợ bị can Nguyễn Xuân Sơn trong vụ án OceanBank – cho phóng viên VietTimes biết như vậy ngày 2/5. Nếu khắc phục được ¾ số tiền bị cáo buộc gây thiệt hại trong vụ OceanBank, ông Sơn có thể sẽ thoát án tử hình đã bị tuyên trong phiên sơ thẩm.
 Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN

Trước đó, tại phiên xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), thẩm phán Ngô Hồng Phúc – Chủ tọa phiên tòa – cho biết nếu khắc phục được ¾ số tiền bị cáo buộc là đã tham ô của Nhà nước (49 tỷ đồng), bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc OceanBank) có thể được giảm án từ hình phạt tử hình như án sơ thẩm tuyên, xuống mức chung thân.

Số tiền này ông Sơn bị cáo buộc đã tham ô từ khoản thiệt hại 246 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài mà bị cáo Hà Văn Thắm – Chủ tịch OceanBank - đã đồng ý chi cho các cá nhân, pháp nhân tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thông qua ông Nguyễn Xuân Sơn.

Do nhà nước nắm 20% vốn điều lệ tại OceanBank, nên thiệt hại của nhà nước trong số 246 tỷ đồng này là 49 tỷ đồng.

Tại phiên phúc thẩm xét xử vụ án tại OceanBank, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chịu án tử hình vì tội tham ô.

Theo bà Xuân – vợ bị cáo Sơn – hiện gia đình bà và bạn bè cùng lớp đại học của ông Sơn đang cố gắng huy động 37 tỷ đồng, tương đương với ¾ số tiền ông Sơn bị cáo buộc đã tham ô, để nộp khắc phục thiệt hại của Nhà nước nêu tại cáo trạng và án sơ thẩm.

Trước mắt, các bạn bè cùng lớp đại học của ông Sơn đã huy động được hơn 2 tỷ đồng chuyển vào tài khoản bà Xuân. Gia đình bà đang nỗ lực huy động thêm vài tỷ đồng. Một người bạn của ông Sơn đã hứa sẽ cho vay 32 tỷ đồng nữa để góp vào số tiền bị cáo Sơn phải khắc phục tự nguyện.

Tài sản thế chấp cho khoản vay là toàn bộ tài sản gia đình ông Sơn hiện đang do cơ quan điều tra kê biên để phục vụ thi hành án vụ án này.

Theo bà Xuân, tất cả những tài sản này là của gia đình bà, của gia đình thân phụ bà và đều hình thành trước khi ông Sơn về làm việc tại OceanBank.

Cụ thể, các tài sản bị kê biên là một ngôi nhà tại phố Xuân Diệu mua từ năm 1998, một biệt thự hình thành từ năm 1998 (số 30A Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) và một ngôi nhà tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ mua năm 2004 từ nguồn tiền kinh doanh bất động sản của bà. Đồng thời là lô cổ phiếu ông Sơn mua từ trước khi về làm việc tại OceanBank (2007).

Giấy tờ này bà Xuân đều đã nộp đủ cho cơ quan điều tra, gia đình bà đang đề nghị trả lại, vì đây đều là các tài sản hình thành không từ nguồn tiền ông Sơn bị cáo buộc phạm tội mà có.

Từ vị trí Tổng giám đốc Công ty phần tài chính dầu khí kiêm Trưởng ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt thuộc PVN, năm 2007, ông Nguyễn Xuân Sơn rẽ ngang sang OceanBank làm Tổng giám đốc ngân hàng này.

Cùng xuất hiện với ông Sơn tại OceanBank còn có 2 nhân sự cấp cao khác thuộc PVN. Tuy nhiên, ông Sơn là người duy nhất chấm dứt hợp đồng lao động với PVN và cũng không đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank.

Một trong hai người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank giai đoạn này là ông Nguyễn Ngọc Sự - khi ấy là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của PVN, cấp trên trực tiếp của ông Sơn.

Sau này, năm 2011, ông Sự trở thành Chủ tịch của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) – bao gồm những doanh nghiệp còn lại khi cải tổ khối nợ của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Đến cuối năm 2017, sau khi đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Ngọc Sự bị bắt vì những sai phạm trong việc đem hơn 110 tỷ đồng của SBIC gửi tại OceanBank và bị mất khi ngân hàng này bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Nói cách khác, về nguyên tắc, ông Sự bị bắt vì tội danh không liên quan tới việc góp vốn của PVN vào OceanBank. Cũng không liên quan tới các tội khác liên quan tới việc huy động nguồn tiền từ PVN vào OceanBank và hưởng lãi ngoài của ngân hàng này mà ông Sơn và nhiều bị cáo khác trong vụ án đang bị cáo buộc.