Vũ khí Nga phát huy hiệu quả ở Syria, nhiều nước xếp hàng mua

VietTimes -- Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria cho thấy ngành công nghiệp quân sự Nga đã hoàn toàn khôi phục khả năng nghiên cứu khoa học và sản xuất. Hiện đã có hơn 100 nước đang xếp hàng mua vũ khí Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Nga tại Lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 65 năm Chiến thắng vệ quốc. Ảnh: Cankao
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Nga tại Lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 65 năm Chiến thắng vệ quốc. Ảnh: Cankao

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 25/3 cho hay,  ngày 24/3 tại Điện Kremlin đã diễn ra buổi lễ truyền thống báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao – Tổng thống Nga Vladimir Putin, với sự có mặt của các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp nhất. Tại buổi lễ, ông Putin đã lắng nghe báo cáo của lãnh đạo ngành công nghiệp quân sự Nga. Sau đó, một hội nghị diễn ra trong thời gian 2 ngày, chủ yếu thảo luận về vũ khí chế tạo phục vụ xuất khẩu và đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga.
Phát biểu của ông Vladimir Putin tại hội nghị cho thấy lực lượng ngăn chặn hạt nhân chiến lược vẫn sẽ là nền tảng của tiềm lực quốc phòng Nga, vì vậy lực lượng này sẽ được hưởng chế độ ưu tiên. Ông Putin tuyên bố, đến năm 2020, tỷ lệ trang bị kỹ thuật thế hệ mới và vũ khí tiên tiến của lực lượng tên lửa chiến lược, hạm đội và lực lượng đường không chiến lược sẽ lên trên 60%. Tỷ trọng vũ khí trang bị mới ở một số thông số sẽ phải trên 90%.
Điều này trước hết phải nói đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin xác nhận, tên lửa này có thể phóng nhiều đầu đạn độc lập nặng 10 tấn đến bất cứ ngóc ngách nào của thế giới. Nhưng trang bị mới của Nga không chỉ có một loại này.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria cho thấy ngành công nghiệp quân sự Nga hầu như đã khôi phục hoàn toàn khả năng nghiên cứu khoa học và sản xuất. Điều này được chứng minh bởi nhu cầu của các nước đối với vũ khí Nga tăng cao. Hiện đã có hơn 100 nước đang xếp hàng mua vũ khí Nga.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 Nga. Ảnh: RT
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 Nga. Ảnh: RT

Cho nên, điều có thể bị chỉ trích duy nhất của các nhà chế tạo vũ khí Nga là, trong  năm 2016, lần đầu tiên, họ đứng sau người nông dân về lượng xuất khẩu. Năm 2016, Nga đã kiếm được 16 tỷ USD bằng lương thực, trong khi đó công nghiệp quốc phòng đóng góp kém hơn 1 tỷ USD cho ngân sách.
Mặc dù bị trừng phạt, nhưng kim ngạch đơn đặt hàng của Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga vẫn ổn định - vượt 50 tỷ USD. Cựu Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Alexander Fomin xác nhận, xuất khẩu vũ khí trang bị Nga năm 2017 hứa hẹn giữ cân bằng với năm 2016, từ 14 - 15 tỷ USD.
Nhưng, đây chưa chắc sẽ là kết quả cuối cùng, bởi vì số lượng quốc gia muốn mua vũ khí Nga sau chiến dịch ở Syria hầu như tăng gấp đôi. Viktor Kladov, quan chức phụ trách hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn Rostec Nga tin rằng: "Hợp đồng ký kết năm 2017 sẽ nhiều hơn nhiều so với năm trước". Những đơn đặt hàng hiện có "sẽ bảm đảm cho công việc không bị gián đoạn trong 3 năm, cho dù không có hợp đồng mới.
Lượng đặt hàng đang tăng lên. Chẳng hạn, chỉ trong năm 2016 đã ký kết các hợp đồng có tổng trị giá lên tới 9,5 tỷ USD. Hệ thống hợp tác kỹ thuật quân sự Nga không chỉ có sức cạnh tranh trong điều kiện khốc liệt của thị trường toàn cầu, mà còn hoàn thành mục đích đã định vượt kế hoạch.
Vì vậy, năm 2017, ngành công nghiệp quân sự Nga hoàn toàn có thể tiếp tục vượt ngành nông nghiệp trong xuất khẩu. Triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga với các nước tốt đẹp như vậy làm cho phương Tây cảm thấy không hề vui vẻ gì.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga cơ động trên không (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga cơ động trên không (ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Richard của chương trình "Nga và Âu - Á", Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh cùng với Cecilie, người phụ trách nghiên cứu khoa học chương trình phân tích chi phí của Tổ chức nghiên cứu quốc phòng Na Uy thống nhất cho rằng, do vị thế của Nga ở các thị trường mới nổi được tăng cường, đối với các nước có quan hệ không hài hòa với Mỹ, Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga sẽ duy trì được vị thế nước cung ứng vũ khí tin cậy nhờ vào lượng lớn đơn đặt hàng.
Đứng đầu trong số những nước này là Trung Quốc. Nga cung ứng hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc có lẽ sẽ tạo ra hậu quả to lớn cho Mỹ. Ở bờ biển eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ  Kỳ cũng có thể xuất hiện hệ thống S-400.
Tổng giám đốc Sergei Chemezov của Tập đoàn Rostec Nga xác nhận, nếu Nga cung cấp khoản vay, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400.
Đương nhiên, sự lựa chọn của Ankara phần nào bị ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị. Nhưng, thành viên NATO này thể hiện mối quan tâm đối với vũ khí Nga ít ra đã chứng minh vị thế ổn định của công nghiệp quân sự Nga trên thị trường quốc tế.
Căn cứ vào số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, thị phần của Nga về xuất khẩu vũ khí trên thế giới là 23%, Mỹ dẫn trước với khoảng cách xa là 33%, sau đó là Trung Quốc với 6,2%, Pháp với 6% và Đức với 5,6%.