Vũ khí Nga “đắt khách” kỷ lục với chiến dịch quân sự tại Syria

Sau chiến dịch chống khủng bố của không quân Nga ở Syria có sự tham gia của nhiều mẫu vũ khí, kỹ thuật quân sự mới nhất, sự quan tâm đến vũ khí của Nga trên thị trường thế giới đã tăng lên đáng kể.
Nhiều nước muốn mua hệ thống S-400 tối tân của Nga
Nhiều nước muốn mua hệ thống S-400 tối tân của Nga

Song, nếu không có chiến dịch ở Syria thì kinh doanh xuất khẩu của khối quân sự-công nghiệp Nga cũng phát triển thành công. Gần đây, ông Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, trong năm 2015 Nga đã bán vũ khí và thiết bị quân sự tổng trị giá 14,5 tỷ USD. Hơn nữa, tổng trị giá các đơn đặt hàng mới đã lên con số kỷ lục kể từ năm 1992 là 56 tỷ USD.

Với chỉ số này, Liên bang Nga vẫn giữ nguyên vị trí thứ hai về khối lượng xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự. Danh sách khách hàng của khối công nghiệp quốc phòng Nga bao gồm 58 quốc gia. Trong năm 2015, các khoản thu nhập lớn nhất nhận được từ việc bán vũ khí cho Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Iraq và Algeria. Một số nước CIS, đặc biệt là Azerbaijan, Belarus và Kazakhstan, cũng mua nhiều loại vũ khí của Nga. Một số quốc gia CIS đã được cung cấp thiết bị quân sự của Nga hoàn toàn miễn phí. Ở đây nói về những phương tiện kỹ thuật quân sự mà Bộ Quốc phòng Nga đã khai thác sử dụng.

Đồng thời, đại diện ủy quyền của "Rosoboronexport" nhận định rằng, hiện nay, yêu cầu của khách hàng trở thành nghiêm ngặt hơn, và Nga đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, một số khách hàng truyền thống đã bị mất một phần sức mua.

Trong hai năm qua, Trung Quốc là khách hàng ưu tiên của Nga, mua gần như tất cả các mẫu vũ khí và thiết bị quân sự mới nhất. Ví dụ, vào tháng 9 năm 2014, Bắc Kinh  đã mua bốn đơn vị trung đoàn tên lửa phòng không S-400 "Triumph". Vào tháng 11 năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng lớn mua 24 chiếc máy bay chiến đấu Su-35.

Ấn Độ tiếp tục đàm phán với Nga về nội dung mua thêm hai tàu ngầm diesel dự án 636. Một khách hàng mới và rất khó tính là Ả-rập Xê-út, họ thể hiện sự quan tâm đến hệ thống tên lửa "Iskander-E" và hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Iran bắt đầu quay trở lại thị trường quốc tế buôn bán các loại vũ khí và thiết bị quân sự. Bản hợp đồng mà Matxcơva và Tehran ký kết vào cuối năm ngoái đã giải quyết một vấn đề phức tạp trong quan hệ song phương. Iran sẽ nhận được hệ thống tên lửa S-300 mà họ thèm muốn bao lâu nay.

Theo Sputnik