Vũ khí đánh chặn hàng loạt tên lửa Mỹ-Anh-Pháp trong cuộc tấn công Syria?

VietTimes -- Syria đã bắn hạ 71 trong tổng số 105 tên lửa trong vụ tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp vào vùng ngoại ô Damascus. Trong trận phòng không của quân đội Syria, họ đã sử dụng các hệ thống như S-200, 9K33 OSA, Kvadrat, Buk và Strela. Nhưng hiệu quả nhất và mới nhất là hệ thống Pantsir-S1 với tỷ lệ đánh chặn hiệu quả gần ở mức 100%.
Tổ hợp tên lửa Pantsir (mã định danh của NATO: SA-22 Greyhound) được tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất. Đây là tổ hợp tên lửa - pháo phòng không, tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung.
Lực lượng quân đội Mỹ không có loại vũ khí tương tự như Pantsir. Cùng với những cuộc tấn công ồ ạt vào căn cứ không quân Khmeimim của Nga tại Syria vào đầu tháng 1 vừa qua, Pantsir đã chứng minh được vai trò chính trong việc ngăn chặn những cuộc tấn công này. 
Video thực hành tác chiến của tên lửa Pantsir-S1.
Và một lần nữa, Pantsir lại chứng minh khả năng trong vụ tấn công ngày 14.4 của liên quân Mỹ - Anh - Pháp vào vùng ngoại ô Damascus. Interfax đã dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov: "Hệ thống Pantsir trong điều kiện chiến đấu thực tế đã cho thấy tỉ lệ hiệu quả gần như 100%". Ông Igor cũng cho biết trong trận phòng không ngày 14.4, Syria đã sử dụng các vũ khí được sản xuất từ thời Liên Xô nhưng chúng đã rất hiệu quả trong khả năng đánh chặn các tên lửa hiện đại của phương Tây: "Quân đội Syria đã dùng các hệ thống phòng không bao gồm S-200, S-125, 9K33 OSA, Kvadrat, Buk và Strela.Tôi muốn nhấn mạnh các hệ thống này là vũ khí từ thời Liên Xô được sản xuất cách đây hơn 40 năm".

Mỹ - Anh - Pháp đã sử dụng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến, bom dẫn đường GBU-38 thả từ máy bay B-1B, tên lửa không đối đất phóng từ máy bay F-15 và F-16, tên lửa Scalp EG từ máy bay Tornado... với số lượng từ 103-105 vũ khí. Sau cuộc không kích, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã "đánh trúng mọi mục tiêu" nhưng phía Syria tuyên bố đánh chặn được 71 quả tên lửa.
Hiện tại, thông tin từ hai phía vẫn mập mờ và trái ngược nhau. Tuy nhiên, qua vụ phòng không Nga đã ngăn chặn thành công cuộc tấn công ồ ạt của các máy bay không người lái vào căn cứ không quân Khmeimim cho thấy khả năng phía Syria đã đánh chặn được tên lửa của phương Tây là rất lớn.
Vũ khí đánh chặn hàng loạt tên lửa Mỹ-Anh-Pháp trong cuộc tấn công Syria? ảnh 1 Pantsir-SA phiên bản Bắc Cực đang được thử nghiệm.

Tổng biên tập tạp chí quân sự Natsionalnaja Oborona ông Igor Korotchenkov dựa trên hiểu biết của ông về lịch sử Liên Xô từng giải thích tại sao Nga tiếp tục có ưu thế trong việc sản xuất các thành phần của tên lửa chống tên lửa đạn đạo. Ông Korotchenkov lưu ý rằng trái người với Mỹ - đất nước tập trung vào phát triển quân sự theo chiến lược ngăn chặn với các loại máy bay chiến lược, "Liên Xô tập trung nguồn tài nguyên khổng lồ để phát triển tên lửa chống tên lửa đạn đạo phần nào do ảnh hưởng của Joseph Stalin".

Yếu tố cơ bản của việc Nga phát triển quân sự "bất đối xứng" là do mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu dần đi kể từ năm 2012. Khiến Moscow phải thúc đẩy kế hoạch phát triển tên lửa phòng thủ. Kể từ khi Pantsir xuất hiện lần đầu vào năm 2012, Nga đã mất 3 năm để nâng cấp khả năng của hệ thống và trang bị cho 19 đơn vị vũ khí này (tính đến năm 2017).

Cho tới 2019, hệ thống Pantsir sẽ được nâng cấp dựa trên việc tích hợp với tên lửa kiểu mới cùng hệ thống phát hiện hiện đại hơn cho phép phát hiện các mục tiêu từ khoảng cách 75km (hiện tại là 40km) và tiêu diệt chúng ở khoảng cách 40km (hiện tại là 20km). Thông tin này đã được chứng thực tại triển lãm hàng không Dubai Airshow 2017, khi các quan chức tuyên bố "Nga đang cải tạo tên lửa Pantsir để tên lửa hiện tại có hiệu quả hơn từ 1,5 tới 2 lần".