Vụ gã đàn ông dâm ô bé gái trong thang máy: Không nên quá khích!

VietTimes -- Việc người dân phản ứng chống lại tội dâm ô trẻ em là điều đáng mừng. Nhưng nếu không tôn trọng pháp luật, những ứng xử này có thể gây hại cho chính mình và cho cả người khác.

Sự tấn công ác ý

Sau vụ nữ sinh bị “cưỡng hôn” trong thang máy chung cư ở Hà Nội, dư luận lại sục sôi khi vào chiều 2/4, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip ngắn ghi lại hình ảnh một người đàn ông cố ôm hôn, sàm sỡ một bé gái trong thang máy, dù cháu bé hết sức chống cự. Khi thang máy mở cửa, bé gái hoảng sợ tháo chạy ra ngoài, suýt ngã để thoát khỏi kẻ biến thái.

Sự việc được cho là xảy ra vào tối 1/4 tại chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TP.HCM. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác minh danh tính người đàn ông có hành vi sàm sỡ cháu bé là ông Nguyễn Hữu Linh (ngụ tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng),  từng công tác tại VKSND TP.Đà Nẵng, đã nghỉ hưu năm 2018. Clip lan truyền chỉ một thời gian ngắn đã gây xôn xao trong dư luận.

Khi ông Linh phủ nhận không sàm sỡ hay dâm ô bé gái mà chỉ là "nựng" cháu bé vì thấy cháu dễ thương, cư dân mạng lập tức bày tỏ sự phẫn nộ với những bức ảnh chế được chia sẻ nhanh chóng. Sự tức giận được nhân rộng trong cộng đồng thông qua sự phủ sóng của Internet và mạng xã hội. Trong phút chốc, đối tượng trở thành trò cười, tội đồ của hàng chục triệu người khắp cả nước. 

Dù vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nhiều người dân đã bày tỏ sự tức giận bằng cách kéo đến nhà riêng của ông Linh để chụp ảnh, rồi chia sẻ lên mạng. Sự tấn công không dừng lại ở mạng xã hội mà đã bước vào đời thực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý những người thân ông Linh vốn không liên quan đến vụ việc.

Đến tối 3/4, Fanpage "Đà Nẵng" chia sẻ loạt ảnh của một nhóm khoảng 10 người (có cả trẻ em) đến trước cổng nhà ông Linh, tạo dáng như ông này đã làm với bé gái trong thang máy. Loạt ảnh này được nhiều người chia sẻ về trang cá nhân của mình vì cho rằng, làm thế mới khiến ông Linh chịu sự trừng phạt thỏa đáng.

Đáng chú ý, vào tối 4/4, ngôi nhà của ông Linh bị ném chất bẩn, xịt sơn lên tường rào. Sáng 5/4, người nhà ông Linh đã phải cho sơn lại cửa.

Có cần hay không khi phải gây thương tổn với đối tượng và người nhà đối tượng như thế để đòi lại công bằng cho nạn nhân?

Cần tôn trọng pháp luật

Trao đổi với PV VietTimes, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi của ông Linh, vụ việc đến đâu sẽ được xử lý đối với cá nhân ông Linh. Những người thân trong gia đình ông Linh không liên quan, vì vậy hành vi gây tổn hại vật chất, tinh thần cho những người không liên quan là tùy tiện và không tôn trọng pháp luật. 

Hành vi làm hư hỏng tài sản hoặc xúc phạm tới danh dự, tinh thần của những người trong gia đình ông Linh có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

Ngoài ra tài sản bị cố ý hủy hoại, làm hư hỏng trên 2 triệu đồng còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015 về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Cũng theo luật sư Hùng, chúng ta cần đấu tranh với nạn dâm ô trẻ em, tuy nhiên phải phản ứng hợp pháp và đấu tranh đúng luật, cần kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh vụ việc.

Cảm xúc và sự giận dữ của con người trước tội ác là điều dễ hiểu, nhưng sự tham gia quá khích có thể ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến vụ án. Trên thực tế, không ít trường hợp xảy ra hậu quả đau lòng vì không chịu nổi áp lực của dư luận mà người thân của kẻ vi phạm pháp luật phải tự vẫn hoặc bị tâm thần.

Có lẽ đã đến lúc cần xây dựng một chuẩn mực cộng đồng về cách thức ứng xử trong các vụ án, nâng cao sự bình tĩnh và hiểu biết cho dư luận trước thời đại thông tin hiện nay.