Vụ Chăn nuôi Bình Hà làm “nóng” nghị trường Hà Tĩnh

VietTimes – Liên tiếp các câu hỏi chất vấn đã được gửi tới lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt trong phiên họp sáng 17/7, Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh này. Rất nhiều câu hỏi tập trung vào dự án chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà. Một dự án chăn nuôi lớn nhất Hà Tĩnh và lớn bậc nhất cả nước, nhưng đến lúc này lại đang bên bờ vực phá sản…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Vì sao nguyên Tổng Giám đốc Chăn nuôi Bình Hà bị khởi tố?

Một số đại biểu tỏ ý chưa đồng tình với báo cáo của người đứng đầu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh về dự án.

Cụ thể: “Chấn vấn tại kỳ họp, các đại biểu: Đặng Quốc Cương (tổ đại biểu Cẩm Xuyên), Nguyễn Thị Thúy Nga (tổ đại biểu Can Lộc) cho rằng, trong phần đánh giá nguyên nhân khách quan dẫn đến những tồn tại của dự án là chưa đầy đủ. “Từ khâu thẩm định dự án cho đến quá trình triển khai, theo dõi, đánh giá dự án, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện như thế nào?”- đại biểu Cương chất vấn” – Báo Hà Tĩnh dẫn.

Phần khác lại quan tâm đến việc xử lý sai phạm của Cty Bình Hà trong việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cỏ sang trồng chuối. “UBND tỉnh sẽ xử lý sai phạm như thế nào?”, Đại biểu Trần Văn Kỳ (tổ đại biểu huyện Kỳ Anh) và Đại biểu Nguyễn Huy Hùng (tổ đại biểu Lộc Hà) cùng đặt câu hỏi.

“Trước những chất vấn các đại biểu về trách nhiệm của ngành chức năng và việc xử lý những vi phạm liên quan đến của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, “tư lệnh” ngành NN&TNT cho rằng, trong thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn, các ngành chủ yếu đang đồng hành cùng tháo gỡ cùng doanh nghiệp để tái sản xuất một cách hiệu quả” – vẫn theo Báo Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này thì làm rõ: “Về trách nhiệm của các cấp, ngành đối với dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà đầu tư. Nhìn nhận khuyết điểm trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết vấn đề này đã được khắc phục.”

“Phiên bản” Bình Định của Chăn nuôi Bình Hà

Dẫu vậy, phát biểu tại kỳ họp, ông Sơn mong muốn cử tri tỉnh nhà chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư về nông nghiệp. “Dự án chăn nuôi bò triển khai khi tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và thời điểm đó dự án cao su đang hết sức khó khăn, đòi hỏi một hướng đầu tư mới”, ông Sơn nói.

Liên quan đến việc Cty Bình Hà tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cỏ sang trồng chuối, Giám đốc Sở NN&TNT Hà Tĩnh cho hay giải pháp trước mắt là yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, gồm: Sớm ổn định bộ máy quản lý để tái cơ cấu, tổ chức sản xuất, phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng đã đầu tư; phối hợp với cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá kết quả diện tích chuối đã trồng (212,04 ha), không mở rộng diện tích sản xuất chuối đến khi có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý và bảo vệ môi trường, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn bò hiện có.

“Đối với phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang thuộc chủ trương đầu tư dự án mà Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà chưa thực hiện công tác bồi thường và tiếp nhận bàn giao (1.200ha), yêu cầu chủ rừng tiếp tục quản lý, bảo vệ, sản xuất theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát diện tích còn vướng mắc để thống nhất phương án xử lý dứt điểm”, ông Việt nói.

Một dự án không thấy trong báo cáo

Trong khi Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn thì khẳng định quá trình doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng chuối, tỉnh đã nhắc nhở công ty. Tuy nhiên, thời điểm đó công ty gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự chia sẻ thì sẽ đổ vỡ dự án. Đối với việc chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối, Cục Trồng trọt đã có văn bản hướng dẫn việc bổ sung những hồ sơ cần thiết và có thể xem đây là một hướng chuyển đổi sản xuất cho doanh nghiệp

Vị lãnh đạo Hà Tĩnh cũng nói thêm rằng: Việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp là quan điểm của Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ xem xét, hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu, đảm bảo được mục đích đầu tư của dự án là tạo đầu kéo cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho nông dân.

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015.

Đến ngày 12/01/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ban hành Quyết định số 99/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 1300/QĐ-UBND. Theo đó, quy mô dự kiến của dự án được nâng lên mức 245.200 con bò/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.582 tỷ đồng; Diện tích đất thực hiện dự án là khoảng 2.163,5 ha, trong đó huyện Cẩm Xuyên 1.578,6ha, huyện Kỳ Anh 584,9ha.

Đây là dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống lớn nhất cả nước từng được kỳ vọng sẽ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, dự án không đem lại hiệu quả kinh tế, có dấu hiệu bế tắc, gây bức xúc và dư luận xấu tại địa phương.

Trong một diễn biến mới nhất, trung tuần tháng 6/2018 vừa rồi, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh (PC46) đã ra quyết định khởi tố bị can, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.

Cùng với Đinh Văn Dũng, cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối đối với Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc Công ty Tân Đại Việt (có trụ sở tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh).

“Hai đối tượng Dũng và Lương bị khởi tố vì có hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 Bộ Luật hình sự”, Công an Hà Tĩnh thông tin./.

(tổng hợp theo Báo Hà Tĩnh)