Vụ bắt ông Phạm Nhật Vũ có khiến thị trường chứng khoán lao dốc?

VietTimes – Nhóm cổ phiếu Vingroup gặp nguy hay thực ra chỉ là nỗi lo sợ bị thổi phồng?
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhuốm màu đỏ
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhuốm màu đỏ

Ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán

Kể từ sau thông tin ông Phạm Nhật Vũ – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) và cũng là em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng bị bắt hôm 13 tháng 4 vừa qua, thị trường đã chứng kiến những cuộc tháo chạy của nhà đầu tư khỏi nhóm cổ phiếu Vingroup bao gồm VIC, VHM và VRE – đây là 3 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn với thị trường Việt Nam.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu “họ” Vin đã gây hoang mang bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán Việt, kéo theo đó là sự sụt giảm của VNindex.

Biểu đồ giá cổ phiếu VIC trong 5 ngày gần đây

Biểu đồ giá cổ phiếu VIC trong 5 ngày gần đây

Tương đồng với biểu đồ giá của Vn-Index
Tương đồng với biểu đồ giá của Vn-Index 

Trong phiên giao dịch ngày 15 tháng 4, tức hai ngày sau khi ông Vũ bị bắt, 3 cổ phiếu “họ” Vin là VIC, VHM và VRE đã vấp phải áp lực bán rất mạnh và đều lao dốc. Cụ thể, VIC giảm 4% xuống 108.700 đồng/cp, VHM giảm 4,6% xuống 89.000 đồng/cp, VRE giảm 4,3% xuống 33.450 đồng/cp.

Đầu phiên giao dịch ngày 16 tháng 3, sự hoang mang của thị trường cũng đã thể hiện rõ khi mở đầu phiên 4 triệu cổ phiếu đã bị bán ra, chỉ số Vnindex giảm đến 22 điểm trong đầu phiên.

Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, diễn biến thị trường bắt đầu trở nên tích cực hơn. Đà giảm của VIC và hai cổ phiếu cùng “họ” nhà Vin cũng bắt đầu được thu hẹp lại. Cuối phiên, VIC chỉ còn giảm 0.1% xuống 113.100 đồng/cp, VHM giảm 2.5%, VRE giảm 2.5%.

Nỗi lo sợ bị thổi phồng?!

Lùm xùm của ông Vũ cũng không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, ông Vũ là một trong những nhà sáng lập và lãnh đạo truyền hình An Viên (AVG), thành lập năm 2004.

Sự phục hồi của VIC trong phiên giao dịch ngày 16 tháng 4
Sự phục hồi của VIC trong phiên giao dịch ngày 16 tháng 4

Tháng 1/2016, MobiFone thông báo hoàn thành việc mua 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị chuyển nhượng gần 8.900 tỷ đồng (khoảng 400 triệu đô la Mỹ).

Tuy nhiên, từ giữa 2016, thương vụ này bị thanh tra toàn diện. Nghi vấn diễn ra xung quanh việc Mobifone đã mua cổ phần AVG mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về vốn điều lệ, phương hướng kinh doanh, phương hướng phát triển...v.v Và gần đây, ông Vũ đã bị bắt vì nghi vấn “hối lộ” để thúc đẩy thương vụ này.

Tin đồn về việc ông Vũ “hối lộ” đã có từ mấy năm trước, theo một nhà môi giới chứng khoán tại SSI: “Khoảng từ năm 2016, mỗi năm thông tin về ông Vũ lại làm ảnh hưởng đến cổ phiếu họ Vin một lần, nhưng sự ảnh hưởng chi mang tính tức thời. Thị trường sẽ phục hồi ngay sau phiên đó”.

Tin đồn thì vẫn chỉ là tin đồn. Vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra. Sự phục hồi nhẹ tại ngày thứ 3 sau khi em trai tỷ phú bị bắt cho thấy dường như việc ông Vũ bị bắt cũng sẽ không hẳn ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán, bởi lẽ vụ việc đen tối này chưa hẳn đã có liên quan trực tiếp đến tình hình kinh doanh của tập đoàn Vingroup nói chung.

Nên nhớ ông Phạm Nhật Vũ là em trai ông Phạm Nhật Vượng, tuy nhiên ông Vũ không nắm bất kỳ cổ phiếu nào của Vingroup cũng như vai trò hay chức vụ nào trong tập đoàn này.