VNPT hướng mục tiêu phát triển các dịch vụ ATTT chuyên biệt

Tính tới thời điểm hiện tại, VNPT đã chính thức gia nhập thị trường dịch vụ An toàn thông tin (ATTT) được hơn một năm. Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ ATTT phổ biến, VNPT đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển các dịch vụ chuyên biệt, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.

ATTT là vấn đề nóng được nhắc tới rất nhiều trong các sự kiện về VT-CNTT cả trong và ngoài nước trong vài năm trở lại đây. Công nghệ càng hiện đại, thế giới ngày càng mở cũng đồng thời với việc rủi ro về ATTT ngày càng cao. Trong khi đó, kỹ năng về bảo mật, ATTT của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam còn thấp khiến nguy cơ bị tấn công của Việt Nam càng cao hơn nữa.

Điểm chung của các sự cố mất an toàn, an ninh thông tin mạng tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành tài chính, ngân hàng thường xuất phát từ việc hacker trực tiếp tấn công vào các website, hay tấn công vào các tài khoản email, mạng xã hội. Vì vậy, bên cạnh các dịch vụ ATTT phổ biến, VNPT đang hướng đến mục tiêu đưa ra các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt và hiệu quả như VNPT CA, MSSP (Manage security services), Security Operation Center, kèm theo các dịch vụ tư vấn kiến trúc về ATTT, đào tạo, huấn luyện về ATTT…

Tập đoàn VNPT chính thức được Bộ TT&TT cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng vào tháng 10/2017, có thời hạn trong vòng 10 năm. Theo giấy phép, VNPT được phép kinh doanh 9 lĩnh vực cụ thể bao gồm: Nhập khẩu và sản xuất, kiểm tra, đánh giá ATTT mạng; Nhập khẩu và sản xuất sản phẩm giám sát ATTT mạng; Nhập khẩu và sản xuất sản phẩm chống tấn công, xâm nhập; Cung cấp dịch vụ giám sát ATTT mạng; Cung cấp dịch vụ phòng ngừa, chống tấn công mạng; Cung cấp dịch vụ tư vấn ATTT mạng; Cung cấp dịch vụ ứng cứu sự cố ATTT mạng; Cung cấp dịch vụ khôi phục dữ liệu; Cung cấp dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng.

Bên cạnh việc liên tục đầu tư mua sắm các công cụ kỹ thuật cần thiết phục vụ lĩnh vực này như: công cụ rà quét lỗ hổng website, lỗ hổng hệ điều hành, lỗ hổng database; công cụ khôi phục dữ liệu; hệ thống phòng chống tấn công từ chối dịch vụ phân tán DDoS; hệ thống giám sát an toàn thông tin…, VNPT cũng đang hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTT để đem tới dịch vụ tin cậy cho khách hàng.

Mới đây nhất, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ban Cơ yếu Chính phủ - Cơ quan mật mã quốc gia có nhiệm vụ đảm bảo bí mật tuyệt đối thông tin chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin công nghệ cao, các mạng CNTT trọng yếu của Nhà nước, để cùng phát triển các giải pháp ATTT có tính bảo mật cao. Với những kỹ thuật mật mã được phát triển chuyên biệt của Ban Cơ yếu Chính phủ, các giải pháp ATTT của VNPT sẽ đáp ứng được cả những nhu cầu cao nhất của khách hàng.

VNPT giới thiệu các giải pháp bảo mật đang cung cấp tại Hội thảo và Diễn đàn An ninh mạng 2018 diễn ra mới đây tại Tp.HCM.

Các giải pháp có tính bảo mật cao của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng sẽ được tích hợp vào các bộ giải pháp CNTT của VNPT, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh để tạo nên một bộ giải pháp toàn diện, vừa đáp ứng các tính năng cần thiết cho các bộ ngành, tỉnh thành phố, vừa đảm bảo ATTT mức cao.

Theo XHTT

http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201812/vnpt-huong-muc-tieu-phat-trien-cac-dich-vu-attt-chuyen-biet-621687/