VNG giảm lỷ lệ sở hữu tại Tiki xuống mức 24,6%

VietTimes -- Ti Ki vẫn đang là “địa chỉ” tiêu tốn nhiều nguồn lực tài chính của VNG và các cổ đông khác trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2019, CTCP VNG (VNG) cho biết chỉ còn nắm giữ 24,6% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tại CTCP Ti Ki (Ti Ki), giảm so với mức 28,88% đã ghi nhận hồi đầu năm.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu của VNG sụt giảm nhiều khả năng xuất phát từ việc Ti Ki tiến hành tăng vốn 2 lần trong nửa đầu năm 2019, nổi bật là đợt tăng vốn diễn ra vào tháng 6/2019 vừa qua. Đáng chú ý, nguồn vốn mới đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, thông tin đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 26/6/2019 cho thấy quy mô vốn điều lệ của Ti Ki đã được nâng từ 162,669 tỷ đồng lên mức 187,976 tỷ đồng, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại có tổng tỷ lệ sở hữu đã vượt quá 51%. Song theo ghi nhận trên giấy đăng ký, tỷ lệ vốn nước ngoài vẫn chỉ chiếm 40,931% quy mô nguồn vốn của Ti Ki.

Trong đó, nổi bật hơn cả là quỹ đầu tư Ubiquitous Traders Pte Ltd, đăng ký địa chỉ trụ sở tại Singapore, với tỷ lệ sở hữu lên tới 8,817% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, cổ đông JD.com International Pte. Limited (Chi nhánh Singapore) - thành viên của đại gia thương mại điện tử JD.com đến từ Trung Quốc - vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu với 25,651%. Được biết, JD.com đã đầu tư vào Ti Ki và liên tục rót thêm tiền cho công ty này kể từ năm 2017. Với việc VNG giảm tỷ lệ sở hữu, JD.com hiện đang là nhà đầu tư nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Ti Ki.

Được biết, VNG đã bắt đầu gia nhập “cuộc chơi” trong lĩnh vực thương mại điện tử với khoản đầu tư hơn 384,4 tỷ đồng vào Ti Ki hồi đầu năm 2016. Chỉ 2 năm sau đó, VNG tiếp tục đầu tư hơn 121 tỷ đồng vào công ty này. Tuy nhiên, Ti Ki đã “đốt” gần hết số tiền đầu tư trên và khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2018 được ghi nhận là 472,83 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2019 của VNG cho thấy “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam vẫn có nguồn lực khá dồi dào với hơn 2.354,8 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn, tăng 41,3% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ vốn vay trong cơ cấu nguồn vốn của VNG vẫn duy trì ở mức thấp, không đáng kể.

Ngoài ra, VNG tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 315 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước./.