VNDirect: Nghị định 65 sửa đổi sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nghị định 65 sửa đổi sẽ cho phép các trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được đàm phán với trái chủ gia hạn thêm tối đa 2 năm và cho phép chuyển đổi trái phiếu thành tài sản.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Cụ thể, Bộ đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định tại Nghị định 65, gồm quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; và giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Trong báo cáo trái phiếu mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect – Mã CK: VND) đã có những đánh giá chi tiết về tác động của Nghị định 65 sửa đổi.

Thứ nhất, việc giãn quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp thêm 1 năm sẽ giúp nhiều nhà đầu tư đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, từ đó tăng cầu tiềm năng. Tuy nhiên, dù nới lỏng nhưng nhà đầu tư đã mất tiềm tin nên việc tạo điều kiện cũng cần thời gian để nhà đầu tư ổn định lại.

Thứ hai, việc giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ giúp doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ dễ dàng hơn, giúp tăng cung từ phía doanh nghiệp.

Thứ ba, việc giãn thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày sẽ tạo điều kiện cho các bên phân phối (tổ chức tín dụng) có thêm thời gian để chào bán những TPDN tốt tới nhà đầu tư, qua đó làm tăng tỷ lệ hấp thụ nguồn cung.

Cuối cùng và cũng là thay đổi trọng yếu sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp là việc cho phép các trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được đàm phán với trái chủ gia hạn thêm tối đa 2 năm và chuyển đổi trái phiếu thành tài sản.

VNDirect nhận định, trên bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn trong môi trường lãi suất cao, việc giãn nợ sẽ giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục để thu về lợi nhuận và hoàn thành nghĩa vụ nợ.

Bên cạnh đó, việc trả nợ bằng tài sản cũng giúp các doanh nghiệp tránh vỡ nợ cũng như xoa dịu trái chủ nếu giá trị tài sản thỏa đáng.

Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng thị trường TPDN sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023.

Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn./.