'VN-Index có thể sẽ trải qua một đợt sụt giảm nữa trước khi tạo đáy và phục hồi trở lại'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo chuyên gia MBS, mặc dù nền kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn, suy giảm tăng trưởng, nhưng sẽ không có một cuộc suy thoái nào xảy ra.
MBS Talk 22 - "Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022"
MBS Talk 22 - "Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022"

Quan điểm trên được ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, nhấn mạnh tại buổi hội thảo MBS Talk 22 với chủ đề “Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022” diễn ra sáng nay (28/5).

Đánh giá về môi trường kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia của MBS cho rằng sẽ không còn đẹp như năm 2021. “Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 dự kiến ở mức 3,5%, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng được dự báo vào thời điểm đầu năm là 4,1%”, ông Tuấn nói.

Nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thế giới gặp khó khăn, theo ông Hoàng Công Tuấn, chủ yếu đến từ cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến áp lực lạm phát tăng cao, đặc biệt là đối với khu vực Châu Âu.

Tuy nhiên, khi nhìn vào nền kinh tế chủ chốt là Mỹ, ông Tuấn nhận thấy nhu cầu lao động của thị trường này vẫn ở mức cao và tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, chính sách zero Covid của Trung Quốc cũng không thể kéo dài thêm nữa.

“Nền kinh tế thế giới có khó khăn, có sự suy giảm tăng trưởng nhưng sẽ không có một cuộc suy thoái nào cả”, ông Hoàng Công Tuấn nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, vị chuyên gia của MBS đánh giá môi trường vĩ mô hiện tại tương đối hài hòa, môi trường đầu tư tươi sáng và ổn định. “Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức lạm phát năm 2022 sẽ chỉ ở mức 4-4,5%, trong khi đó mức tăng trưởng GDP kỳ vọng là 6,5%. Mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại cũng đang thấp hơn đáng kể so với mức trước Covid là năm 2019”, ông Tuấn dẫn số liệu.

VN-Index có thể đi ngang từ 6-8 tháng tới?

VN-Index có thể đi ngang từ 6-8 tháng tới?

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu khối KHCN MBS, nhận định kinh tế thế giới hậu Covid đang ở trạng thái “đình lạm” – tức GDP tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng giảm dần và lạm phát ở mức cao nhất lịch sử.

Nhìn lại quá khứ, các giai đoạn lạm phát cao và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện tăng lãi suất đều ảnh lớn đến thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, sau đợt suy giảm mạnh, thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy và tăng trưởng trung bình từ 80% trở lên.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Hoàng Sơn nhận định thị trường đang có diễn biến tương đồng với năm 2018. “Theo kịch bản này, VN-Index có thể sẽ trải qua một đợt sụt giảm nữa trước khi thực sự tạo đáy và phục hồi trở lại”, ông Sơn nói.

Vị chuyên gia của MBS cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Ở kịch bản lạc quan, nếu kinh tế thế giới không suy thoái và VN-Index đã ở vùng đáy (1.150 điểm), chỉ số này có thể tăng lên mức 1.350 – 1380 điểm, sau đó là những nhịp điều chỉnh và đi ngang xuyên suốt nửa cuối năm 2022.

Trường hợp VN-Index chưa phải ở vùng đáy, chỉ số này có thể rơi về mốc 1.068 điểm và dao động quanh ngưỡng 1.200 điểm. Quá trình tạo đáy và đi ngang của VN-Index có thể kéo dài từ 6-8 tháng, song vẫn có xu hướng tăng dần đều./.