Virus Vũ Hán: Vẫn muốn ăn thịt dơi, thịt rắn? Hãy tới “khu chợ đáng sợ nhất” ở Indonesia

VietTimes -- Nhiều người nghĩ rằng sự lây lan của virus corona chủng mới trên khắp châu Á đã gây ảnh hưởng chí mạng tới hoạt động của các khu chợ chuyên bán các loài động vật hoang dã để làm món ăn. Nhưng họ đã lầm.
Các loài động vật hoang dã được bày bán công khai tại khu chợ Tomohon, Bắc Sulawesi, Indonesia (Ảnh: Bloomberg)
Các loài động vật hoang dã được bày bán công khai tại khu chợ Tomohon, Bắc Sulawesi, Indonesia (Ảnh: Bloomberg)

Dơi, rắn, chó, khỉ cùng nhiều "món đặc sản" khác vẫn được bày bán hàng ngày tại khu chợ Tomohon ở Bắc Sulawesi, Indonesia bất chấp nhiều cảnh báo của giới chuyên gia rằng hoạt động này có thể khiến virus lây lan.

Mặc dù các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về nguồn gốc của virus corona chủng mới, có một bộ phận không nhỏ tin rằng nó bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, và chủng virus này lây từ dơi hoặc rắn sang cho con người.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra đã khiến ít nhất 560 người chết và trên 28.000 người nhiễm - chủ yếu là ở Trung Quốc.

Thế nhưng chợ Tomohon, nơi cả rắn và dơi được bày bán mỗi ngày, vẫn bất chấp nhiều lời cảnh báo về hậu quả khôn lường.

"Chợ Tomohon và nhiều khu chợ khác đang bán động vật hoang dã ở Indonesia có khả năng trở thành nơi sinh sản virus corona" - Giáo sư R. Wasito, thuộc Phòng Dịch bệnh thú y, ĐH Gadjah Mada, thành phố Yogyakarta, Indonesia, cảnh báo.

Giáo sư Wasito nhấn mạnh rằng theo như ông biết, hiện "chưa có trường hợp nào cho thấy virus corona chủng mới lây từ dơi sang người ở Indonesia".

Thịt dơi là một món ăn khoái khẩu với cộng đồng người dân địa phương ở Tomohon (Ảnh: YAKI)
Thịt dơi là một món ăn khoái khẩu với cộng đồng người dân địa phương ở Tomohon (Ảnh: YAKI)

Cảnh báo được đưa ra giữa lúc mà khu vực Bắc Sulawesi báo cáo về trường hợp nghi nhiễm virus corona đầu tiên tại thủ phủ Manado, chỉ cách chợ Tomohon khoảng 25 km. Bệnh nhân, một trẻ sơ sinh 2 tuổi người Trung Quốc đang được điều trị tại một bệnh viện, đã tới Manado từ ngày 21/1 - theo tờ Jakarta Post.

Mặc dù một số hãng tin quốc tế mới đây đưa tin rằng chợ Tomohon đã loại dơi khỏi danh sách các mặt hàng bày bán sau khi dịch bệnh bùng phát, nhưng nhiều tổ chức phi chính phủ nói với tờ This Week rằng, ở châu Á, thịt dơi vẫn được bày bán hàng ngày ở chợ Tomohon cùng nhiều khu chợ khác trong khu vực.

Chơ không dành cho người yếu tim

Rắn cũng là món ăn phổ biến được bày bán tại chợ Tomohon (Ảnh: Bloomberg)
Rắn cũng là món ăn phổ biến được bày bán tại chợ Tomohon (Ảnh: Bloomberg)

Chợ Tomohon từ lâu được cho là nơi không dành cho những người yếu tim với cái danh mà người ta tự phong là một trong những khu chợ "đáng sợ nhất" ở Indonesia.

Du khách đến khu chợ này có thể tìm thấy đủ loại động vật bày bán để làm thức ăn, từ chó, mèo, dơi, rắn cho đến khỉ...Nhiều con vật được chặt thịt tại chỗ, trên những tấm gỗ lớn được thợ xả thịt dùng làm thớt, trước khi đem đi thiêu, đôi lúc khi chúng vẫn còn sống. Những tiếng kêu đau đớn của những loài động vật vang lên khắp chợ.

Khi Yaki được bày bán tại chợ Tomohon (Ảnh: The Sun)
Khỉ Yaki được bày bán tại chợ Tomohon (Ảnh: The Sun)

Khu chợ này vốn rất hút du khách Trung Quốc, nhưng số lượng du khách tới đây đã giảm đột biến kể từ khi chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm tạm thời đối với người Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ 12h00 sáng hôm thứ Tư tuần này. Các chuyến bay đến từ Trung Quốc cũng bị cấm.

Trong hôm 5/2, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiểu Thiên (Xiao Qian) kêu gọi chính quyền Indonesia "không nên phản ứng thái quá và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư và nền kinh tế" - theo Jakarta Post.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phản ứng bằng cách nói rằng: "Lợi ích quốc gia của chúng tôi là số 1".

Một quầy bán thịt chó ở chợ Tomohon (Ảnh: The Sun)
Một quầy bán thịt chó ở chợ Tomohon (Ảnh: The Sun)

Trong hôm đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Bai Tian cũng giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng với kênh Bernama TV rằng không phải tất cả người Trung Quốc đều ăn thịt động vật hoang dã. Ông nói rằng chỉ có một số lượng nhỏ người dân Trung Quốc làm vậy, và rằng chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu giáo dục người dân về rủi ro sức khỏe khi ăn thịt động vật hoang dã.

Bali Animals Defender, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền động vật, đã kêu gọi chính phủ Indonesia hoặc "kiểm soát chặt chẽ" hoặc đóng cửa luôn Tomohon vì các hoạt động vi phạm nghiêm trọng quyền động vật đang diễn ra tại khu chợ này.

"Tomohon nổi tiếng là nơi bán các loại thịt không dùng làm thực phẩm. Đối với coongjd dồng địa phương, họ có thể xem đó là một phần độc đáo của Tomohon, nhưng với tôi thì điều này là không nên" - Jovand Imanuel Calvary, người đứng đầu tổ chức trên, nói  - "Tại khu chợ này không hề có hoạt động quản lý chất lượng thực phẩm, và trên quan điểm bảo vệ động vật, rất nhiều hoạt động vi phạm đang xảy ra".

Ông Calvary nói rằng thực trạng này đã diễn ra là do sự thiếu hiểu biết về tiêu chuẩn sức khỏe của một bộ phận người dân, đồng thời cảnh báo rằng vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh virus corona đang lan rộng.

"Tôi chắc chắn rằng Indonesia sẽ không muốn trở thành một quốc gia bị coi là nơi phát sinh các nguồn bệnh mới" - ông Calvary nói.

"Chúng tôi ăn thịt dơi suốt nhiều thập kỷ mà chả sao"

Vấn đề ở đây là, khu chợ Tomohon không chỉ hút du khách nước ngoài. Từ lâu trước khi du khách biết tới khu chợ, nó đã nổi tiếng với người thiểu số Minahasa ở Bắc Sulawesi, phần lớn cộng đồng này là người Công giáo và món ăn trong các dịp đặc biệt như Lễ Phục sinh, Giáng sinh của họ chính là dơi.

Thịt chuột được người dân bản địa coi là món khoái khẩu trong các dịp đặc biệt (Ảnh: YAKI)
Thịt chuột được người dân bản địa coi là món khoái khẩu trong các dịp đặc biệt (Ảnh: YAKI)

Người Minahasa có truyền thống ăn thịt dơi lâu đời do họ sinh sống trên các vùng cao nguyên của Sulawesi từ vào thế kỷ trước. Và đến nay, truyền thống đó vẫn được duy trì.

Thịt dơi là một trong số những món ăn phổ biến nhất của người Minahasa và chúng xuất hiện trong nhiều nhà hàng. "Một số người dân địa phương ăn thịt dơi mỗi ngày, một số khác ăn mỗi tuần một lần" - Royke Rarumangkay, một nhà báo làm việc cho CNN chi nhánh Indonesia, nói.

Ông Royke kể nhiều người dân địa phương phàn nàn với ông rằng họ bị sốc khi biết nhiều người nghĩ thịt dơi là nguồn gốc của virus corona chủng mới, bởi họ "đã ăn thịt dơi suốt nhiều thập kỷ qua mà chả sao cả".

Kể từ khi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới bùng phát, nhiều nhà hàng ở Manado đã tạm thời ngừng bán các món thịt dơi, nhưng ở nhiều khu vực nông thôn khác như Tomohon, món này vẫn luôn sẵn có.

Dơi là món ăn truyền thống lâu đời của người thiểu số Minahasa ở Bắc Sulawesi (Ảnh: Getty)
Dơi là món ăn truyền thống lâu đời của người thiểu số Minahasa ở Bắc Sulawesi (Ảnh: Getty)

Mặc dù có nhiều lời kêu gọi đóng cửa chợ Tomohon, nhưng một số người lại cảnh báo không nên làm vậy.

"Nếu chợ bị đóng cửa, các thương nhân sẽ chuyển sang phương thức bán hàng tận nhà, tức đến từng nhà một để bán hàng, càng khiến cho hoạt động buôn bán khó được kiểm soát hơn" - theo Benny Mamoto, một sĩ quan cảnh sát về hưu đang làm Đại sứ cho tổ chức pho chính phủ YAKI chuyên bảo vệ loài khỉ Yaki trong khu vực này.

Ông Mamoto cảnh báo rằng việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã là nguy hiểm và những người thường xuyên ăn thịt khỉ Yaki thường mắc bệnh lao và viêm gan. Theo ông, cách duy nhất dể ngăn chặn người dân ăn khỉ Yaki và các chủng loài đang có nguy cơ tuyệt chủng khác là giáo dục họ.