Vinamilk và bài toán tăng trưởng

VietTimes -- Ở một công ty có vị thế và quy mô như Vinamilk, việc tìm lại đà tăng trưởng không phải là câu chuyện dễ dàng. Các bước đi chiến lược mới cũng cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả.
Vinamilk vẫn đang dẫn đầu thị phần sữa Việt (Nguồn: Vinamilk)
Vinamilk vẫn đang dẫn đầu thị phần sữa Việt (Nguồn: Vinamilk)

Áp lực dành cho người dẫn đầu

“Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, thì giai đoạn phát triển ban đầu chủ yếu là sản xuất và tiêu thụ sữa tiệt trùng UHT, có thời hạn sử dụng trên 6 tháng và chỉ cần bảo quản ở điều kiện bình thường. Sau đó phát triển lên sữa chua, sữa lên men, rồi mới đến sữa thanh trùng có thời gian sử dụng ngắn và phải được bảo quản mát từ 2-6 độ C. Chính vì nắm được xu hướng phát triển của thị trường sữa, nên công ty đã đầu tư phát triển mạnh mảng sữa chua ăn. Công ty nước ngoài vào Việt Nam sẽ có lợi thế hơn và mạnh hơn ở mảng sữa bột công thức, còn mảng sữa chua và sữa thanh trùng thì bị hạn chế vì sản phẩm có hạn ngắn, phải bảo quản mát, thời gian vận chuyển dài, chi phí cao” - đó là phần chia sẻ khá chi tiết của lãnh đạo một công ty trong ngành sữa, vốn từng được coi là một trong những đối thủ giàu tiềm năng cạnh tranh với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM).

Qua cách trả lời, có thể thấy vị lãnh đạo này khá am hiểu về lĩnh vực sữa nhưng doanh nghiệp của ông suốt nhiều năm qua vẫn lùi sâu trong khó khăn và dần bị bỏ lại phía sau.

Nhìn lại câu chuyện của một doanh nghiệp nhỏ để thấy được những gì mà Vinamilk đã làm được và có thể nói là làm tốt suốt nhiều năm qua. Đến nỗi mà một tập đoàn thực phẩm tiêu dùng lớn trong nước như Masan cũng lấy trường hợp của Vinamilk làm hình mẫu cho tham vọng chia lại thị trường thịt nội địa.

Những con số thị phần trong nước của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm 2019 vẫn thực sự gây ấn tượng. Theo AC Nielsen, về sản lượng tiêu thụ, thị phần của Vinamilk đã tăng lên mức 61,3% vào cuối Quý 3/2019 (từ 61% vào cuối năm 2018 và 59,1% vào cuối Q3/2018).

Đối với thị phần theo doanh thu, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) ước tính Vinamilk hiện chiếm 54,2% thị phần, vượt xa các đối thủ khác như: Nutifood (12,1%), TH True Milk (9%), Mộc Châu (2,7%) và IDP (1,3%).

Nhưng rồi đến một lúc nào đó, mô hình tăng trưởng cũ cũng sẽ đạt tới giới hạn. Được biết, trong Quý 3/2019, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần ở mức 14.290 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận ròng 2.680 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng của Vinamilk đã giảm so với các quý trước và chưa đạt kỳ vọng tăng từ 5 – 7% mà ban lãnh đạo công ty đã đặt ra từ đầu năm.

Cần lưu ý rằng, mức tăng trưởng doanh thu còn đến từ việc Vinamilk đã tăng từ 1-3% giá bán trung bình cho các sản phẩm trong tháng 4 và tháng 8/2019. Nếu loại bỏ tác động của việc tăng giá bán trung bình và doanh thu từ chương trình sữa học đường (bắt đầu ghi nhận trong quý 4/2018), sản lượng nội địa thực tế trong kỳ của Vinamilk là không đổi so với cùng kỳ năm trước.

Ở một thị trường sữa ngày càng cạnh tranh, chỉ riêng việc tăng trưởng chậm lại cũng là một bước đi lùi. Ngay trong thông điệp gửi tới cổ đông hồi đầu năm 2019, ban lãnh đạo Vinamilk đã cho biết doanh nghiệp này phải “thay đổi để tăng trưởng”.

Tăng trưởng doanh thu sữa trong nước của VNM hàng quý (Nguồn: SSI)

Tăng trưởng doanh thu sữa trong nước của VNM hàng quý (Nguồn: SSI)

Vinamilk cần thêm thời gian

Không nằm ngoài xu thế phát triển của thị trường, Vinamilk đang thực hiện cao cấp hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm hữu cơ như sữa tươi, sữa công thức và sữa chua từ nguồn sữa tươi hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Được biết, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, Vinamilk đã ra mắt tới 17 loại sản phẩm mới, trong khi cả năm 2018, công ty này chỉ giới thiệu thêm 10 loại sản phẩm. Trong khi nhập khẩu sữa bột hữu cơ từ Mỹ (thông qua Driftwood), công ty cũng thuê sản xuất gia công tại Nhật Bản sản phẩm sữa công thức cho trẻ em rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam để phục vụ thị hiếu ưa chuộng sữa công thức Nhật của các bà mẹ Việt Nam.

Theo đánh giá của SSI, những động thái này cho thấy Vinamilk đã tích cực tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng nhằm mục đích cuối cùng là tăng doanh thu.

Nhưng một vấn đề khác của Vinamilk cũng được SSI chỉ ra, đó là ở kênh phân phối. Cụ thể, công ty này vẫn đang chủ yếu chiếm ưu thế lớn tại các kênh thương mại truyền thống. Trong khi đó, các kênh thương mại hiện đại (như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử) mới chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của Vinamilk. Nhìn lại tốc độ tăng trưởng của kênh thương mại hiện đại trong thời qua, có thể thấy, nếu Vinamilk không đẩy mạnh phân phối qua các kênh này, tương lai sẽ rất dễ mất thị phần vào các hãng khác.

Trong khi Vinamilk vẫn đang gặp khó ở những kênh phân phối hiện đại thì nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm sữa lại có phần chững lại. Thị trường xuất khẩu vì vậy được kỳ vọng trở thành một trong những hướng đi mới cho công ty, dù tỷ trọng đóng góp cho doanh thu vẫn còn ở mức khiêm tốn và còn nhiều thách thức.

Một trong những thị trường giàu tiềm năng mà công ty hướng tới là Trung Quốc, tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh gay gắt với những doanh nghiệp mạnh sẵn có như Mengniu và China Modern Dairy. Và tới tận cuối năm 2019, Vinamilk mới có những động thái cụ thể để tham gia vào thị trường này. 

Ở một hướng đi khác, Vinamilk đang thâu tóm lượng lớn cổ phần của GTNFoods - đơn vị sở hữu 51% vốn của Mộc Châu Milk. Những tín hiệu gần đây cho thấy thương vụ này đang dần đi đến hồi kết.

Song, ở một thương vụ M&A (thâu tóm và sáp nhập), công việc khó khăn nhất là ở phần sau, khi Vinamilk tiến hành tái cơ cấu lại Mộc Châu Milk nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng và mang lại lợi ích về kinh tế. Quá trình này sẽ đòi hỏi tiêu tốn không ít thời gian và nguồn lực của Vinamilk. Ở góc độ nhà đầu tư, việc chờ đợi sự tăng trưởng của Vinamilk cũng theo đó mà cần ít nhiều sự kiên nhẫn./.