VinaCapital: VND có thể tăng 2-3%/năm nhưng sẽ giúp Việt Nam thoát ‘bẫy thu nhập trung bình’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc VND tăng giá sẽ khuyến khích các công ty đổi mới thay vì phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh, theo chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital.
Tiền đồng tăng giá có thể giúp Việt Nam thoát 'bẫy thu nhập trung bình'? (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Tiền đồng tăng giá có thể giúp Việt Nam thoát 'bẫy thu nhập trung bình'? (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Trung tuần tháng 7/2021, Bộ Tài chính Mỹ (UST) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đạt được thoả thuận về các hoạt động tiền tệ.

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, tuyên bố chung được đưa ra đã góp phần xoa dịu mối lo ngại của thị trường về việc áp thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và sẽ giúp cho đồng Việt Nam (VND) tăng giá bền vững.

Vị chuyên gia này cho biết tuyên bố chung Việt - Mỹ ngụ ý rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang chịu áp lực đáng kể để cho phép VND tăng giá. Điều này được củng cố bởi tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai rằng “USTR, phối hợp với Bộ Tài chính, sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết… liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình".

“Việc giá trị của đồng Việt Nam tăng đều 2-3%/năm hiện là điều gần như chắc chắn”, ông Michael Kokalari chia sẻ quan điểm.

Nguyên nhân là do lượng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào Việt Nam và NHNN sẽ không còn tiếp tục “các biện pháp can thiệp không trung hoà” làm giảm giá trị của VND trong những năm gần đây.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital

Theo ước tính của VinaCapital, vốn nước ngoài tương đương 10%/GDP đã chảy vào Việt Nam trong năm 2020, bao gồm cả dòng vốn FDI là 7%/GDP.

Dòng vốn đổ vào Việt Nam, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai 4,5%/GDP, đã đưa thặng dư Cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam lên 7%/GDP trong năm 2020. VinaCapital kỳ vọng, chỉ tiêu này sẽ đạt 5% trong năm 2021.

Điều này giải thích tại sao giá trị của VND vẫn rất vững chắc trong năm 2021, và thậm chí còn tăng giá nhẹ trong những tuần gần đây, bất chấp tình hình Covid-19 của Việt Nam đang xấu đi.

Ngoài việc khuyến khích dòng vốn FDI, thỏa thuận cũng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn bằng cách: 1) kích thích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (tức là dòng vốn FII) vì các nhà đầu tư đó ưu tiên các quốc gia ổn định, hoặc có nội tệ tăng giá, 2) khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh và 3) nâng cao mức sống của người tiêu dùng trong nước bằng cách thúc đẩy sự phát triển hơn nữa nền kinh tế nội địa của Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng, khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình một cách có chủ đích để hỗ trợ xuất khẩu, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, khi tiền tệ được định giá thấp sẽ tạo ra sự kém hiệu quả và các động lực bị biến dạng mà cuối cùng gây bất lợi cho hầu hết các công ty nội địa.

Ngược lại, nếu VND tăng giá, đây sẽ là động lực giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” bằng cách khuyến khích đổi mới vì các công ty trong nước sẽ không thể dựa vào mức tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh.

“Tuy nhiên, lương công xưởng của Việt Nam thấp hơn 2/3 so với ở Trung Quốc, vì vậy Việt Nam sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới” – ông Michael Kokalari nói thêm.