VinaCapital thoái vốn, Capital Square “đổi chủ”

VietTimes – Capital Square từng là một trong những dự án tham vọng nhất của Tập đoàn VinaCapital trong lĩnh vực bất động sản. Với tổng vốn đầu tư được giới thiệu lên tới 325 triệu USD, khu phức hợp thương mại tọa lạc tại phía Đông cầu quay Sông Hàn này từng được xem là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng.
Nằm trên vị trí đắc địa ngay bên cầu quay sông Hàn, khu phức hợp Capital Square từng được xem là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng. (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Nằm trên vị trí đắc địa ngay bên cầu quay sông Hàn, khu phức hợp Capital Square từng được xem là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng. (Ảnh: Hồ Xuân Mai)

Phát biểu trong lễ khởi công dự án diễn ra vào ngày 27/3/2008, ông Lê Minh Phúc, Tổng giám đốc VinaCapital Đà Nẵng cho biết, dự án sẽ được triển khai trên diện tích 9 héc ta, nằm ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một khu phức hợp thương mại mang tầm quốc tế với đầy đủ các khu dân cư, khu vui chơi giải trí, khu thương mại...

Dự án được xây dựng thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành trong năm 2011, bao gồm khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và một khu văn phòng cho thuê. Giai đoạn 2 hoàn thành năm 2014 sẽ có thêm khu biệt thự cao cấp, trường học quốc tế. Giai đoạn cuối cùng hoàn tất vào năm 2017 với một trung tâm hội nghị tiêu chuẩn quốc tế và một khách sạn bốn sao.

Kế hoạch là vậy nhưng tiến độ triển khai các dự án này trên thực tế lại có độ lùi đáng kể.

Không phải trong năm 2011, mà mãi tới ngày 15/9/2012, VinaCapital mới chính thức khánh thành công trình đầu tiên tại dự án. Đó là cao ốc Azura. “Azura cao 32 tầng với 225 căn hộ từ 1 đến 3 phòng ngủ được xây dựng ngay đầu cầu Sông Hàn, phía bờ đông, gần trung tâm thành phố, cách cảng biển Tiên Sa và bãi biển Mỹ Khê khoảng 1km. Các căn hộ được chào bán với giá từ 2 đến 20 tỉ đồng/ căn hộ tùy diện tích và vị trí”, trích thông tin trên một bài viết vào thời điểm đó.

Mà nhớ rằng, Azura chỉ là một hợp phần thuộc giai đoạn 1 của Capital Square.

“Năm 2009, dự án đã khởi công cao ốc thương mại đầu tiên, mang tên Azura, và nó được hoàn thành vào năm 2012. Quá trình tái cấu trúc dự án cũng được hoàn tất vào năm 2012, từ dự án rộng 9ha ban đầu, để thuận tiện hơn trong phát triển, nó được chia tách thành 3 giấy phép đầu tư. Năm 2015, VNL đã thoái toàn bộ Phase 1, trong khi Azura Tower đã đã được bán hết 100% trong Quý 3/2016 (225 căn hộ). Phần diện tích còn lại trong quy hoạch tổng thể đã được chấp thuận phê duyệt cho các tòa nhà chung cư và các công trình kết nối không gian công cộng”, VinaLand Limited (VNL) – quỹ thành viên, chuyên trách trong lĩnh vực địa ốc của VinaCapital – thuyết minh về Capital Square trong một báo cáo tài chính.

Theo tìm hiểu của VietTimes, đồng thời với việc chia tách dự án trên thực địa, năm 2012, VNL cũng đã lập thêm hai pháp nhân dự án để đứng tên chủ đầu tư cho hai dự án thành phần. Đó là Công ty TNHH Mega Assets – chủ đầu tư của dự án Capital Square 2 (Phase 2); Và Công ty TNHH Bất động sản SIH – chủ đầu tư của dự án Capital Square 3 (Phase 3).

Đáng nói rằng, hai dự án nêu trên từng nhiều lần bị Đà Nẵng điểm danh như một trong các dự án “treo” ở trung tâm thành phố.

Thậm chí, năm 2015, khi chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan bàn việc giải quyết các vướng mắc xung quanh các dự án treo, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết còn đề cập rõ: Dự án Khu đô thị Capital Square  đường Ngô Quyền, đã được tách ra thành các dự án nhỏ hơn, hiện đã xây dựng Khu chung cư cao cấp Azura và Siêu thị Vincom, phần còn lại chưa triển khai thì yêu cầu trả lại mặt bằng cho thành phố phục vụ lợi ích công cộng.

Mới nhất, đầu năm 2018, Capital Square 2 và Capital Square 3 cũng lọt danh sách 22 dự án mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Đà Nẵng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra trong năm 2018, về việc chấp hành pháp luật theo giấy phép đầu tư.

Chưa rõ đến thời điểm hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Đà Nẵng đã hoàn tất việc thanh tra tại Capital Square 2 và Capital Square 3 hay chưa, cũng như kết quả thanh tra như thế nào.

Nhưng có một diễn biến mà có lẽ ít người để ý, rằng VinaCapital đã thoái vốn khỏi dự án.

Thương vụ 22,7 triệu USD

Trong một thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán London vào ngày 9/4/2018, VinaLand Limited cho biết: “VNL sẽ thoái toàn bộ vốn tại các khu đất chưa triển khai tại dự án Capital Square cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng với mức định giá cao hơn 0,6% so với giá trị tài sản ròng chưa được kiểm toán vào ngày 31/3/2018 và cao hơn 0,7% giá trị tài sản ròng chưa được kiểm toán tại thời điểm diễn ra cuộc họp bất thường của VNL vào tháng 11/2016, trong đó cả hai con số đã bao gồm cả điều chỉnh cho các khoản đầu tư bổ sung tính đến ngày thoái vốn. Giao dịch này đã đem lại cho VNL khoản thanh toán bằng tiền mặt với giá trị ròng là 22,7 triệu USD, và ở mức IRR là 28,2%. Tại thời điểm thông báo, VNL đã nhận được khoảng 95% số tiền ròng và số tiền còn lại dự kiến sẽ nhận được chậm nhất vào tháng 7/2018.”

Theo thông báo này, có thể hiểu rằng, đến thời điểm hiện tại, VinaCapital đã hoàn tất việc chuyển nhượng Phase 2 và 3 của dự án Capital Square. Công với việc Phase 1 đã được thoái trong năm 2015, có nghĩa, VinaCapital đã rút triệt để tại dự án từng được xem là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng.

Thông tin trong báo cáo tài chính mới nhất của VNL cho biết, tổng diện tích của Phase 2 và 3 và 6,1 ha. Trong đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho Phase 2 vào Quý 1/2016.

Đến đây, sẽ có người băn khoăn về Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng (Thịnh Vượng) – cái tên đã chi ra 22,7 triệu USD thâu tóm các hợp phần còn lại của Capital Square. Rằng, Cty Thịnh Vượng này là công ty nào (?), thực lực ra sao (?)…

Dữ liệu từ cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia hiên chỉ cho thấy một pháp nhân duy nhất có tên “Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng”. Đó là công ty có mã số doanh nghiệp 0106732860, thành lập ngày 30/12/2014, có trụ sở tại số 1C, phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật là ông Cao Văn Loan (SN 1972) – Giám đốc.

Nhưng “Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng” này liệu có phải là đối tác “Thinh Vuong Production and Trading Services Company Limited” mà VinaLand Limited đã đề cập trong báo cáo trên Sở Giao dịch Chứng khoán London (?).

Tháng 10/2017, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng bất ngờ tăng VĐL từ mức 30 tỷ đồng lên thành 1.350 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thành Công góp 696 tỷ đồng, CTCP Phát triển TN góp 624 tỷ đồng, ông Cao Văn Loan góp 30 tỷ đồng.
 Tháng 10/2017, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng bất ngờ tăng VĐL từ mức 30 tỷ đồng lên thành 1.350 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thành Công góp 696 tỷ đồng, CTCP Phát triển TN góp 624 tỷ đồng, ông Cao Văn Loan góp 30 tỷ đồng.

Theo phân tích của VietTimes, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng (mã số doanh nghiệp 0106732860) chính xác là đơn vị đã chi ra 22,7 triệu USD để nhận chuyển nhượng các hợp phần còn lại của Capital Square từ VinaLand Limited.

Một căn cứ khả tín là tháng 3/2018, nó đã thay thế Mega Assets Pte.Ltd – pháp nhân do VinaLand Limited lập nên tại Singapore – trong vai trò chủ doanh nghiệp của Công ty TNHH Mega Assets. Như đã nói, để tiến hành chia tách dự án Capital Square, năm 2012, VinaCapital đã lập nên Công ty TNHH Mega Assets để đứng tên chủ đầu tư của dự án Capital Square 2 (Phase 2).

Khách quan mà nói, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản phẩm Thịnh Vượng vẫn còn là một cái tên còn xa lạ trên thị trường địa ốc Đà Nẵng, cũng như Việt Nam.

Đối với một dự án có quy mô lớn và tầm cỡ như Capital Square, sẽ là hợp lý hơn nếu Thịnh Vượng được hậu thuẫn, hay nói cách khác là thành viên của một tập đoàn bất động sản nổi tiếng.