Những điều trông thấy từ BCTC mà LDG vừa công bố…

VietTimes -- Bên cạnh sự tăng trưởng đột biến của lãi thu từ tiền gửi, trong cơ cấu tài sản của LDG tại cuối quý III/2017, phải thu của khách hàng cũng là một hạng mục đáng lưu tâm...
Những điều trông thấy từ BCTC mà LDG vừa công bố. (Ảnh chụp màn hình website của LDG)
Những điều trông thấy từ BCTC mà LDG vừa công bố. (Ảnh chụp màn hình website của LDG)

Kỳ 1: Sức tăng trưởng “thần kỳ” của cổ phiếu LDG!

Công ty cổ phần Đầu tư LDG (HoSE: LDG) vừa công bố Báo cáo tài chính Quý III/2017.

Theo đó, quý III/2017 tiếp tục là một kỳ tăng trưởng đầy bứt phát của LDG.

Tính đến 30/09/2017, tổng tài sản của LDG đạt 3.445 tỷ đồng, tăng 640 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (+20,9%).

 Trong đó, nợ phải trả là 1.538 tỷ đồng, giảm 85 tỷ đồng (-5,4%); Vốn chủ sở hữu là 1.907 tỷ đồng (+61,6%). Tương ứng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 0,8 lần – đầy an toàn và đặc biệt ấn tượng nếu so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Đặc biệt, giá trị vay và nợ thuê tài chính (vay ngân hàng) của LDG khá hạn chế, bao gồm 49 tỷ đồng ngắn hạn và 75 tỷ đồng dài hạn.

Phân tích kỹ hơn về nợ phải trả của LDG thấy rằng, chiếm chủ yếu trong đó là hai hạng mục người mua trả trước ngắn hạn (286 tỷ đồng) và chi phí phải trả dài hạn (827 tỷ đồng) – với tổng giá trị đạt 1.113 tỷ đồng, chiếm 72,4% quy mô nợ phải trả.

286 tỷ đồng người mua trả tiền trước, theo thuyết minh, là khoản tiền đặt cọc, thu tiền theo tiến độ của khách hàng mua sản phẩm thuộc các Dự án: Viva, Sakura Valleys và Khu Dân cư Giang Điền tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Còn 827 tỷ đồng chi phí phải trả dài hạn cũng là những khoản trích trước chi phí cho 3 dự án nêu trên, bao gồm: 605 tỷ đồng trích trước chi phí phải trả của dự án The Viva, 87 tỷ đồng trích trước chi phí phải trả của dự án khu dân cư Giang Điền, 134 tỷ đồng trích trước chi phí phải trả của dự án Sakura Valleys.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của LDG đạt 480 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu thuần đạt 436 tỷ đồng – bằng 1,48 lần so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, so sánh với mục tiêu doanh thu thuần 1.499 tỷ đồng mà ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm 2017,  thì trong 3 quý vừa qua, LDG mới đi được 29% kế hoạch.

Trừ tiếp các khoản chi phí, chốt 9 tháng đầu năm, LDG báo lãi 237 tỷ đồng trước thuế. Sau thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị lợi nhuận đạt 187 tỷ đồng – gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2016. Với mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 250 tỷ đồng cho cả năm 2017, trong ¾ thời gian, LDG đã đi được ¾ chặng đường.

Xét riêng quý III/2017, LDG báo lãi 64 tỷ đồng trước thuế. Trong khi quý III/2016, LDG vẫn báo lỗ 28 tỷ đồng.

Đặc biệt, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy, LDG đã ghi nhận một khoản doanh thu tài chính đột biến trong quý III/2017, với giá trị 46,359 tỷ đồng. Cùng kỳ 2016, mức ghi nhận chỉ là 54 triệu đồng; Còn trong cả nửa đầu năm 2017, doanh thu hoạt động tài chính chỉ là 287 triệu đồng.

Vậy động lực nào đã tạo nên sự tăng trưởng đột biến nêu trên?

Lãi thu từ tiền gửi

Theo thuyết minh, doanh thu hoạt động tài chính đến từ hai nguồn: Lãi thu từ tiền gửi (46.357,6 triệu đồng); Và tiền lãi cho vay khác (1,8 triệu đồng).

Quý III/2017 có 92 ngày. Như vậy, tạm tính theo lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng doanh nghiệp kỳ hạn 12 tháng mà nhiều ngân hàng đang công bố - ở mức 6,5%/năm, thì để nhận được khoản lãi tiền gửi 46.357,6 triệu đồng trong quý III/2017, LDG phải duy trì được số dư tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trong suốt quý khoảng 2.830 tỷ đồng.

Như đã đề cập, tổng tài sản của LDG tính đến 30/09/2017 là 3.445 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, LDG không ghi nhận giá trị cho khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn (phản ánh tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên) tại cả thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ.

Trong khi, giá trị tiền gửi và các khoản tiền tương đương tại cuối kỳ là 57.255 triệu đồng, đầu kỳ là 89.955 triệu đồng.

Vì bảng cân đối kế toán chỉ ghi nhận giá trị mang tính thời điểm nên không thể loại trừ khả năng, trong quý III/2017, có những thời kỳ số dư tiền gửi ngân hàng của LDG đạt rất cao.

Nhưng nên nhớ rằng, lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng rất thấp (như biểu lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp mà Vietcombank đang công bố, tối đa chỉ có 4,30%/năm; Nếu không kỳ hạn là 0,30%/năm).

Do đó, có thể hiểu rằng, khả năng LDG nhận được 46.357,6 triệu đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng là khá hạn chế.

Tất nhiên, 46.357,6 triệu đồng lãi thu từ tiền gửi mà LDG đã thuyết minh có thể đến từ các nguồn tiền gửi khác, ngoài ngân hàng. Hay cũng có thể hiểu như lãi nhận được từ khoản tiền gửi hợp tác đầu tư.

Phải thu của khách hàng

Trong cơ cấu tài sản của LDG tại cuối quý III/2017, phải thu của khách hàng là một hạng mục chiếm một tỷ trọng đáng kể. Tuy nhiên, phải thu từ khách hàng cá nhân mua đất nền dự án chỉ là 40,6 tỷ đồng. Trong khi, phải thu từ khách hàng tổ chức lại lớn hơn nhiều lần, với giá trị hơn 453 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phải thu từ các khách hàng tổ chức cũng chỉ tập trung vào 3 đối tác, là: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch Khang Hưng (406,6 tỷ đồng); CTCP Bất động sản Linkgroup (45,8 tỷ đồng); CTCP Bất động sản Unihomes (985 triệu đồng).

Những điều trông thấy từ BCTC mà LDG vừa công bố… ảnh 1Trích BCTC hợp nhất quý III/2017 của LDG.

Theo tìm hiểu của VietTimes, các khách hàng trên, thực ra, đều là những pháp nhân có sự liên quan nhất định với LDG.

Về Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch Khang Hưng (Khang Hưng) – khách hàng đang nợ LDG 406,6 tỷ đồng, pháp nhân này được thành lập ngày 16/10/2013, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do 3 cá nhân đóng góp sáng lập là: Lý Minh Thuận (30 tỷ đồng, chiếm 60%); Nguyễn Đức Minh (30%); Nguyễn Đa Khoa (10%).

Tuy nhiên, sau đó, cơ cấu sở hữu Khang Hưng đã có nhiều thay đổi, dù quy mô vốn điều lệ vẫn được giữ ở mức 50 tỷ đồng.

Theo đăng ký thay đổi cấp ngày 15/03/2016, danh sách thành viên sở hữu Khang Hưng gồm 3 cái tên: Lý Khai Thuận (250 triệu đồng, chiếm 0,5%); Mạc Thanh Văn (0,5%); CTCP Vina Holdings (99%).

Được biết, CTCP Vina Holdings (Vina Holdings) đã gom lại hầu hết phần vốn góp tại Khang Hưng  từ các cái tên sở hữu trước đó, là: CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát (15%); Lý Khai Thuận (55%); Nguyễn Đức Minh (20%); Mạc Thanh Văn (10%).

Nhấn mạnh rằng, CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát là công ty con của LDG. Hay nói cách khác, LDG đã từng gián tiếp sở hữu Khang Hưng.

Những điều trông thấy từ BCTC mà LDG vừa công bố… ảnh 2LDG từng gián tiếp sở hữu Khang Hưng qua công ty con.

Về thương vụ chuyển nhượng vốn góp tại Khang Hưng, cuối năm 2016, LDG từng ghi nhận khoản phải thu 5,5 tỷ đồng đối với Vina Holdings. “Đây là khoản phải thu liên quan đến việc CTCP ĐTXD Đại Thịnh Phát (công ty con) chuyển nhượng khoản đầu tư vào Công ty TNHH ĐT&PT Du lịch Khang Hưng cho CTCP Vina Holding theo Hợp đồng số 04/2016/HĐCN-KH ngày 07/03/2016”, LDG thuyết minh.

Thứ nữa, nên biết, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Khang Hưng, ông Mạc Thanh Văn (SN 1971), cũng là cái tên đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Công đoàn LDG.

Về CTCP Bất động sản LinkGroup (LinkGroup) – khách hàng đang nợ LDG 45,8 tỷ đồng, thực tế, năm 2016, LDG từng chi tạm ứng cho LinkGroup tới 208 tỷ đồng theo Biên bản Ghi nhớ số 01/2016/BBGN/LDG-LG ngày 23/12/2016.

Nên biết, tại thời điểm mà LDG chi tạm ứng cho LinkGroup, LinkGroup mới thành lập được hơn 1 năm. Cụ thể, công ty này được thành lập ngày 30/11/2015, với vốn điều lệ 68 tỷ đồng, được đóng góp bởi 3 cổ đông: CTCP Đầu tư NAV (79,93%); Thạch Mạnh Sang (20%); Nguyễn Văn Bang (0,07%).

Theo đăng ký thay đổi ngày 09/05/2016, cơ cấu sở hữu LinkGroup chỉ còn 2 cái tên: CTCP Đầu tư NAV (80%); Thạch Mạnh Sang (10%).

Mới nhất, ngày 09/06/2017, LinkGroup đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 68 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

Ở đây nên lưu ý về CTCP Đầu tư NAV (NAV). NAV thành lập ngày 31/07/2017, đăng ký trụ sở chính cùng địa điểm với Công ty Khang Hưng được đề cập phía trên: Tầng lửng tại tầng 1, An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường 07, Quận 3, Tp. HCM. Cần biết, Chủ tịch HĐQT NAV, bà Phạm Nguyễn Thúy An (SN: 1983) cũng chính là Chủ tịch HĐQT Vina Holdings – Chủ sở hữu của Khang Hưng.

Thêm nữa, NAV chính là một trong các nhà đầu tư đã tham gia đợt phát hành chào bán riêng lẻ 22,2 triệu cổ phiếu cho các cổ đông và đối tác chiến lược của CTCP Dịch vụ & xây dựng Địa ốc Đất Xanh (HoSE: DXG) vào đầu năm 2014. Lần đó, NAV đã nhận phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu DXG để trở thành cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu 8,05%. DXG - như đã đề cập – chính là cổ đông đã sáng lập và hiện đang chi phối lớn nhất tại LDG.

Ngày 02/10/2017, NAV chính thức điều chỉnh vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng.

Còn một chi tiết khác về LinkGroup, đó là Tổng Giám đốc LinkGroup Thạch Mạnh Sang (SN: 1981) đang đồng thời đảm nhận cương vị Thành viên HĐQT LDG. Theo các quy định hiện hành, LinkGroup sẽ thuộc diện người có liên quan của người nội bộ LDG. Bên cạnh trọng trách tại LDG và LinkGroup, ông Sang từng trải qua các chứ vụ Giám đốc nhân sự, Trợ lý TGĐ, Giám đốc kinh doanh tại DXG.

Phát hành riêng lẻ

Ngày 18/09/2017, LDG chính thức hoàn tất đợt phát hành tăng vốn lớn nhất trong lịch sử phát triển của công ty, thông qua việc phát hành riêng lẻ 53,5 triệu cổ phần cho 5 nhà đầu tư, bao gồm 2 tổ chức và 3 cá nhân.

Đó là: DXG (25,5 triệu cổ phiếu); CTCP Sun Holdings (8 triệu cổ phiếu); Lê Văn Thăng (6 triệu cổ phiếu); Lê Thị Tư (7 triệu cổ phiếu); Phạm Nguyễn Thúy An (7 triệu cổ phiếu).

Những điều trông thấy từ BCTC mà LDG vừa công bố… ảnh 3Danh sách các nhà đầu tư đã tham gia đợt phát hành lớn nhất trong lịch sử của LDG.

Có lẽ không cần nói lại về mối quan hệ giữa DXG – LDG.

Trong khi nhà đầu tư Phạm Nguyễn Thúy An, như đã nêu phía trên, bà An là Chủ tịch HĐQT Vina Holdings – pháp nhân sở hữu 99% vốn điều lệ Khang Hưng, nơi mà LDG đang ghi nhận khoản phải thu lên tới 406,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà An còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư NAV – pháp nhân từng đóng vai trò quan trọng trong đợt phát hành riêng lẻ vào năm 2014 của DXG.

CTCP Sun Holdings – nhà đầu tư đã nhận phát hành 8 triệu cổ phiếu LDG, theo tìm hiểu, được thành lập ngày 30/08/2012. Người đại diện theo pháp luật của Sun Holdings là Tổng Giám đốc Nguyễn Phạm Anh Tài. Lưu ý, từ tháng 4/2016, ông Tài đồng thời đảm nhiệm Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính của LDG.

Còn về bà Lê Thị Tư - người đã nhận phát hành 7 triệu cổ phiếu, được biết, ngày 23/06/2014, từng có một nhà đầu tư cũng mang tên Lê Thị Tư đã bất ngờ mua vào 4 triệu cổ phiếu DXG để trở thành cổ đông lớn của công ty đã sáng lập nên LDG.

Có thể thấy rằng, những nhà đầu tư đã tham gia đợt phát hành riêng lẻ mới đây của LDG, vốn trước đó, đã có sẵn những quan hệ tài chính, nhân sự với bên phát hành.

Sẽ là một hình dung thú vị khi liên hệ đợt phát hành trên với những khoản phải thu khổng lồ của LDG đã được đề cập trong bài viết. Có khi nào dòng tiền đầu tư ấy lại có gốc gác sâu xa từ những khoản phải thu (?); Và liệu chúng có liên quan gì tới diễn biến tăng giá đầy ấn tượng của hai mã chứng khoán LDG và DXG (?)…/.

Kỳ 3: LDG và quyết định thâu tóm CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Gia Lộc