Viettel, VinaPhone, MobiFone làm gì trước “cơn bão” OTT?

Có thể thấy rằng, nhà mạng đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các ứng dụng OTT gọi điện và nhắn tin miền phí. Vậy nhà mạng đã làm gì để giành lại thị trường của mình?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Tự "phát hành" OTT của riêng mình

Tháng 12/2014, VinaPhone chính thức tung ra ứng dụng OTT mang tên Viet Talk cùng với gói cước dịch vụ riêng. Viet Talk được cho là cái tên mới của ứng dụng Wala mà nhóm khởi nghiệp này không còn đủ lực để đầu tư đành phải bán lại cho VNPT. Sau Viet Talk vài tháng, OTT của Viettel là Mocha cũng ra mắt. Đến tháng 10/2015, MobiFone cũng chính thức đưa ra thử nghiệm ứng dụng OTT Halo.

Có thể thấy rằng, đây là chiến lược của các nhà mạng khi chính họ đang phải cạnh tranh với những ứng dụng OTT như Zalo, Viber…và việc ra mắt những ứng dụng OTT của riêng mình là điều tất yếu. Thống kê tháng 12/2014 của Jana.com dựa trên các nguồn tin trong nước, cho thấy, dịch vụ OTT nội Zalo đang tạm dẫn đầu thị trường OTT Việt Nam với 20 triệu người dùng, tiếp theo Viber (12 triệu) và Line (4 triệu).

 Viettel, VinaPhone, MobiFone làm gì trước “cơn bão” OTT?.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, MobiFone mới tham gia thị trường ứng dụng OTT, Viet Talk của VinaPhone chưa có công bố về lượng người dùng, duy chỉ có Mocha của Viettel cho biết đã cán mức 1 triệu lượt tải. Nhưng con số này so với hơn 20 triệu người dùng Zalo là quá ít, so với con số của người dùng mạng di động Viettel tại Việt Nam thì lại càng thấy hạn chế.

Như vậy, ứng dụng OTT của nhà mạng vẫn cần 1 thời gian dài phát triển để có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các ứng dụng OTT trong và ngoài nước.

2. "Làm bạn" với ứng dụng OTT

Bên cạnh với ra mắt ứng dụng OTT của riêng mình, các nhà mạng vẫn muốn sử dụng chính lợi thế để hưởng lợi khi "phục vụ" ứng dụng OTT. Việc các nhà mạng liên tục tung ra gói cước data MIX - MAX, gói cước ưu đãi,... hay gói cước dành riêng cho Facebook và ứng dụng OTT Message.

Thống kê mới nhất của Facebook cho biết tại Việt Nam mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng mạng xã hội này, trong đó có 27 triệu người có sử dụng các thiết bị di động để truy cập Facebook với thời gian trung bình là 2,5 giờ đồng hồ. Không bỏ qua yếu tố này, các nhà mạng liên tục ra gói cước dành riêng cho Facebook và ứng dụng Message.

Theo đó, ngày 6/9/2015, Viettel công bố ra mắt gói cước Facebook không giới hạn dùng theo tuần/tháng. Theo đó với mức chi phí chỉ 1.000 đồng/ngày, người dùng đã có thể lướt facebook không giới hạn.

Không “kém cạnh”, nhà mạng MobiFone cũng vừa tung ra gói cước sử dụng Facebook tốc độ cao 7,2 Mbps không giới hạn dung lượng chỉ với 20.000 đồng/tháng hoặc 3.000 đồng/ngày. Tức là bạn có thể truy cập vào Facebook, sử dụng Messenger và Instagram. Điều kiện là bạn phải đang xài một trong các gói cước Data khác của Mobifone, ví dụ như gói MIU. 

Nhà mạng VinaPhone cũng tung ra gói cước Facebook SMS khi mà không cần truy cập mạng vẫn có thể lên Facebook và gửi tin nhắn thông qua ứng dụng Message. 

Tuy nhiên, người dùng cần phải chú ý gói này chỉ miễn cước cho các dịch vụ Facebook nói trên, nếu người dùng truy cập các website khác, hoặc dùng các app khác trên điện thoại có tính năng truy cập Internet thì sẽ tính phí theo gói cước mà bạn đang dùng. 

3. Nối dài lợi ích thuê bảo để "giữ chân" người dùng

Phải cạnh tranh với ứng dụng OTT là 1 vấn đề, các nhà mạng còn phải đối mặt với vấn đề lượng thuê bao di động đã tới ngưỡng bão hòa. “Chạy theo” và “nối dài” lợi ích cho thuê bao là những minh chứng rõ nét cho cuộc cách mạng chăm sóc khách hàng thân thiết của các nhà mạng. Song mỗi thời điểm khác nhau, nhà mạng lại tung ra độc chiêu riêng của mình.

Đơn cử như MobiFone vừa cho ra mắt Sim 1+ vào tháng 7/2015, khi "càng nghe càng được tiền". Hay như Viettel liên tục gửi tin nhắn tới người dùng về các gói cước nhắn tin và gọi điện thoại nội mạng. Hay việc “bắt tay” của VinaPhone với ngân hàng để cung cấp ví điện tử MoMo - ở bất kỳ đâu, lúc nào, thuê bao cũng có thể chuyển tiền, thanh toán dịch vụ viễn thông/ tiền điện…, mua sắm online… ngay trên “dế” của mình. 

Chất lượng dịch vụ luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định tiêu dùng của thuê bao, kế đó là các chương trình chăm sóc, hậu mãi. Đó là 2 điều quan trọng nhất khiến một người có chọn và gắn bó lâu dài với nhà mạng hay không. 

Do vậy, “chiều” khách hàng thân thiết là chiến lược khôn ngoan để có thể phát triển bền vững nếu muốn theo cuộc đua đường trường. 

Theo Bizlive