Vietjet Air lỗ hàng không, lãi tài chính

VietTimes – Kinh doanh dưới giá vốn, nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, Vietjet Air bất ngờ báo lãi nghìn tỷ trong Quý 2/2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: VJC)
Ảnh minh họa (Nguồn: VJC)

CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – Mã CK: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2020.

Theo đó, doanh thu thuần của VJC đạt mức 4.969 tỷ đồng, giảm tới 60,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong kỳ lên tới 5.078 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, VJC báo lỗ gộp 108,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi hơn 1.205 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính là điểm sáng trong báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2/2020 của VJC. Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 1.174 tỷ đồng, cao gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Phần thuyết minh cho thấy, nguồn doanh thu này của VJC chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện (388,4 tỷ đồng) và thu nhập tài chính khác (597,79 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, thu nhập khác của VJC cũng tăng mạnh, đạt mức 413 tỷ đồng, cao gấp 23 lần so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của Vietjet nửa đầu năm 2020 (Nguồn: VJC)
Kết quả kinh doanh của Vietjet nửa đầu năm 2020 (Nguồn: VJC)

Sau khi trừ đi các chi phí, VJC báo lãi 1.063 tỷ đồng trong Quý 2/2020, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, trong Quý 1/2020, VJC đã báo lỗ tới 989,4 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong Quý 2/2020, lũy kế 6 tháng đầu năm, VJC vẫn báo lãi 73,6 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VJC có phần bất ngờ bởi lĩnh vực hàng không được đánh giá là chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo giải trình của VJC , mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện trong tháng 4, hãng vẫn nỗ lực đạt được hơn 300 chuyến bay chuyên dụng cho hàng hóa (CoB) và thực hiện được 14.000 chuyến bay trong Quý 2/2020.

Trong kỳ, hãng vẫn phải duy trì chi phí cố định để chuẩn bị nguồn lực khi thị trường quay lại, nên lợi nhuận vận tải hàng không lỗ 1.122 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 2.111 tỷ đồng.

Trong các tháng tiếp theo, VJC sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động như chương trình bảo hiểm xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp, tối ưu hóa nguồn lực và các giải pháp tăng nguồn thu như chuyên chở các chuyến bay cargo…

Tính đến ngày 30/6/2020, quy mô tổng tài sản của VJC đạt 48.392 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh, đạt mức 20.339,4 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản./.