VietBank lên kịch bản tăng trưởng tín dụng tối đa 43,6% năm 2019

VietTimes -- Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, tương tự năm 2018, cổ đông VietBank thông qua 2 kịch bản “tối thiểu” và “phấn đấu” cho ngân hàng. Dù theo kịch bản nào, VietBank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức tối đa 2% trong năm 2019. Đáng chú ý, trong năm 2018, ngân hàng đã xử lý khoản nợ xấu với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của 3 khách hàng cá nhân. 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

“Phấn đấu” tăng trưởng tín dụng tối đa 43,6% năm 2019

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa tổ chức thành công Đại hội Đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2019.

Trong đó, các cổ đông tham dự đại hội đã thông qua các nội dung quan trọng liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, kế hoạch kinh doanh năm 2019 và phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của VietBank với tỷ lệ nhất trí cao.

Năm 2018, VietBank ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực khi mức Lợi nhuận trước thuế cao nhất từ trước đến nay đạt 401 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch. Bên cạnh đó, VietBank cũng đạt được nhiều chỉ tiêu về an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) như: Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,25%; Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 11,10%.

Về huy động vốn, tính đến 31/12/2018, VietBank ghi nhận số dư tiền gửi của khách hàng đạt mức 39.855 tỷ đồng, tăng trưởng gần 27% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, về hoạt động cho vay, tổng dư nợ cho vay khách hàng hàng của VietBank tính đến cuối năm 2018 đạt 35.495 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 24% so với năm 2017, cao gấp 2 lần so với mức chỉ tiêu tối thiếu NHNN giao.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, tương tự năm 2018, cổ đông VietBank nhất trí thông qua 2 kịch bản “tối thiểu” và “phấn đấu” cho ngân hàng. Dù theo kịch bản nào, VietBank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức tối đa 2% trong năm 2019.

Theo đó, đối với kịch bản “tối thiếu” được xây dựng dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 5,9% đã được NHNN phê duyệt (mục tiêu dư nợ tín dụng đến 31/12/2019 là 37.590 tỷ đồng), VietBank đặt mục tiêu đạt LNTT ở mức 492 tỷ đồng.

Kế hoạch huy động vốn từ khách hàng theo kế hoạch này tăng từ 18% đến 35,6% so với với cuối năm 2018, với mục tiêu đạt từ 47.000 - 54.000 tỷ đồng cuối năm 2019.

Trong khi đó, kế hoạch kinh doanh “phấn đấu” năm 2019 của VietBank được xây dựng dựa trên kỳ vọng về việc được NHNN xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định kỳ hàng quý hoặc sau 6 tháng. Mức lợi nhuận trước thuế theo kịch bản “phấn đấu” là 540 tỷ đồng, chỉ tăng 48 so với kịch bản “tối thiểu”.

Theo kịch bản này, tăng trưởng tín dụng của VietBank sẽ đạt từ 23,96% - 43,68%, với dư nợ khách hàng cuối năm 2019 được đặt mục tiêu ở mức 44.000 - 51.000 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, hoạt động huy động vốn từ khách hàng trong năm 2019 cũng dự kiến tăng mạnh tới 44%, lên mức 57.500 tỷ đồng.

Kịch bản kinh doanh "phấn đấu năm 2019" của VietBank (Nguồn: VietBank)
Kịch bản kinh doanh "phấn đấu năm 2019" của VietBank (Nguồn: VietBank)

VietBank đã xử lý khoản nợ 608 tỷ đồng thế chấp bằng cổ phiếu STB?

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của VietBank, các cổ đông tham dự đã thông qua tờ trình về phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, hoạt động cơ cấu lại theo phương án (đã được sửa đổi, bổ sung lần 1) đã đề ra 3 mục tiêu mang tính “trụ cột” chính.

Cụ thể, đối với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tín dụng, VietBank đặt mục tiêu tăng quy mô vốn điều lệ từ mức 3.249 tỷ đồng lên mức 5.249 tỷ đồng đến cuối năm 2020. Hoạt động tăng vốn nhằm đảm bảo mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II.

Về các chỉ tiêu tài chính cụ thể, VietBank phấn đấu quy mô tổng tài sản đến năm 2020 sẽ đạt 90.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay lên tới 63.600 tỷ đồng.

Song song với đó, ngân hàng này sẽ thực hiện xử lý nợ xấu, đảm bảo các quy định pháp luật với mục tiêu thuy hồi 1.311 tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn từ 2019 - 2020.

Bên cạnh việc xử lý các khoản nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC, VietBank sẽ thực hiện xử lý khoản nợ nhóm 5 theo “KLTT 1133 của 3 khách hàng bảo đảm bằng cổ phiếu STB” với số dư tại ngày 31/12/2017 là 608 tỷ đồng và đã được trích lập dự phòng trong năm 2018. Được biết, đây là dư nợ của 3 khách hàng cá nhân là Châu Thanh Phong, Nguyễn Ngọc Nguyên Long và Trần Quang Lương.

Một phần nội dung kế hoạch xử lý nợ xấu của VietBank theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (sửa đổi, bổ sung lần 1) - Nguồn: VietBank
Một phần nội dung kế hoạch xử lý nợ xấu của VietBank theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (sửa đổi, bổ sung lần 1) - Nguồn: VietBank

Đối với mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh từ lệ thuộc vào hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, VietBank phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng từ thu nhập dịch vụ sẽ chiếm tối thiểu 10% tổng thu nhập của ngân hàng, tăng gấp 5 lần so với mức hiện tại.

Bên cạnh đó, VietBank cho biết sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo yêu cầu tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg năm 2017 của Chính phủ nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động.

Theo số liệu của VietBank, số lượng cổ đông của ngân hàng này đang gia tăng nhanh chóng trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017 ngân hàng này chỉ có 105 cổ đông thì tới năm 2018, số lượng cổ đông đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt mức 267 cổ đông.

Tới năm 2020, số lượng cổ đông của VietBank dự kiến sẽ đạt tới 500 cổ đông, đảm bảo việc sẽ có tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu phát triển mạng lưới với việc dự kiến mở mới 20 điểm giao dịch mỗi năm trong giai đoạn 2019 - 2020./.