Việt Nam: Tỉ lệ truy cập qua IPv6 đạt khoảng 7%, với hơn 3,5 triệu người dùng

VietTimes -- Đến thời điểm hiện tại, mức độ triển khai IPv6 của Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể. Tính đến tháng 7/2017, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 7%, thời điểm cao nhất lên tới 25% (nguồn APNIC) với hơn 3.500.000 người dùng IPv6 (nguồn phòng Lab Cisco).
Ảnh minh hoạ: CNN
Ảnh minh hoạ: CNN
Với kết quả trên, hiện Việt Nam đứng thứ 2 Khu vực ASEAN, thứ 6 khu vực Châu Á, với một số doanh nghiệp tiêu biểu đã triển khai IPv6 tới khách hàng đầu cuối như: FPT Telecom, Tập đoàn VNPT.
Đó là những thông tin được chia sẻ tại chương trình tập huấn và tọa đàm về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia tổ chức tại TP.HCM từ 21-28/8/2017.
Sự kiện này nằm trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 409/QĐ-BTTTT ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để hỗ trợ khối các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai ứng dụng thế hệ địa chỉ IPv6 theo các quy định pháp luật hiện hành và theo lộ trình Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6.

Mặc dù tỉ lệ triển khai IPv6 chung của quốc gia có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, đối với mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tỉ lệ ứng dụng IPv6 còn rất thấp. Trong bối cảnh IPv6 trở thành giao thức Internet chính trên toàn cầu, việc chậm trễ trong triển khai ứng dụng IPv6 sẽ là điểm hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ công và triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử.

Việt Nam: Tỉ lệ truy cập qua IPv6 đạt khoảng 7%, với hơn 3,5 triệu người dùng ảnh 1

Tại khóa đào tạo, các học viên sẽ được phổ biến về lý thuyết và thực hành về triển khai ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Học viên cũng được tạo điều kiện để trao đổi, thảo luận, đưa ra phương án tối ưu để triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của khối các cơ quan Đảng, Nhà nước; đặc biệt gắn với việc triển khai Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm về triển khai ứng dụng IPv6, đại diện VNNIC cũng đã có bài trình bày về công tác triển khai DNSSEC cho các cơ quan Đảng, Nhà nước; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của DNSSEC trong việc triển khai, cung cấp các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến. Với quy định bắt buộc triển khai DNSSEC cho các tên miền quốc gia “gov.vn”, các cơ quan Đảng, Nhà nước nên bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và lên kế hoạch triển khai chi tiết cho hệ thống tên miền cũng như cho các tên miền quốc gia .VN do mình quản lý.

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động Internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.

Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản:

  • Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet.   
  • Khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.