Việt Nam: Sức mạnh cứng đến sức mạnh mềm ở Biển Đông

VietTimes -- Theo chuyên gia Alexander Vuving viết trên National Interest, không một chiến lược đơn lẻ nào có thể miêu tả cách thức Việt Nam xử lý vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, Việt Nam sử dụng rất nhiều cách tiếp cận với rất nhiều công cụ từ sức mạnh cứng đến sức mạnh mềm, với ít nhất 7 chiến lược riêng biệt.
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh

Tháng 5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Động thái này đã gây ra sự đối đầu gay gắt giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, đưa quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất sau nhiều năm.

Chuyên gia Vuving cho rằng bế tắc này cũng chính là phép thử giới hạn để xác định ai sẽ là đồng minh của ai nếu như có xung đột xảy ra. Trong khi phần lớn thế giới đều giữ vị thế trung lập, một số quốc gia đã ủng hộ Việt Nam dưới nhiều hình thức. Trong số các nước ủng hộ, Mỹ và Nhật là hai nước mạnh nhất và đáng tin cậy nhất.

Theo ông Vuving, ranh giới mong manh giữa một bên ủng hộ duy trì nguyên trạng còn một phe là xét lại. Phe ủng hộ nguyên trạng có cùng quan điểm duy trì sự cân bằng quyền lực giữ hòa bình trong khu vực suốt hai thập kỷ qua. Còn Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt trong hơn ba thập kỷ dường như đã quyết tâm sử dụng sức mạnh mới này để xác quyết các yêu sách chủ quyền lãnh thổ phi lý hòng đạt được mục đích cuối cùng là thống trị cả khu vực. Triển vọng an ninh khu vực phụ thuộc rất nhiều vào mức độ các nhân tố liên quan vấn đề Biển Đông.

“Cửa trước” là Biển Đông

Vấn đề Biển Đông hiện nay chính là tranh chấp lãnh thổ được thể hiện bằng các cuộc xung đột về tài nguyên thiên nhiên giữa các quốc gia ven biển. Các cuộc xung đột này không minh họa rõ ràng bản chất và động cơ của các bên liên quan. Bên cạnh giá trị kinh tế, Biển Đông còn có giá trị chiến lược khổng lồ với một số nước và giá trị mang tính biểu tượng ngày càng cao với một số bên tranh chấp.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ngang ngược với hầu như toàn bộ Biển Đông nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò”, trong khi Việt Nam có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dọc bờ biển đất nước. Biển Đông được cho là rất giàu nguồn hải sản, khoáng sản và có trữ lượng năng lượng lớn. Một số nước ước tính rằng trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông bằng 80% của Ả Rập Saudi. Với gần 10% sản lượng đánh bắt trên toàn thế giới, khu vực này cũng là một trong những ngư trường đánh bắt cá lớn nhất thế giới.

Biển Đông là một trong những vùng biển nằm trong khu vực mà các nhà hoạch định chiến lược và các nhà phân tích Trung Quốc gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”. Vùng biển này cung cấp lối tiếp cận dễ dàng với các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, hết sức quan trọng theo quan điểm của Bắc Kinh đối với việc bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc trước những kẻ xâm lược từ hướng biển. Nhưng theo ông Vuving, Biển Đông thậm chí còn quan trọng hơn với Việt Nam. Nếu Biển Đông bị Trung Quốc coi là "sân sau" của nước này thì nó lại là "cửa trước" của Việt Nam.

Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra ở quần đảo Trường Sa
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra ở quần đảo Trường Sa
Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa Lớn
Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa Lớn

Biển Đông có giá trị chiến lược không chỉ với các quốc gia ven biển mà với cả các nước trong khu vực và các cường quốc bên ngoài . Gần 1/3 thương mại quốc tế và một nửa tổng lượng vận chuyển dầu mỏ và khí đốt toàn cầu được vận chuyển qua các tuyến đường trên Biển Đông – tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Không chỉ các nền kinh tế ở Đông Nam Á mà cả các nước ở Đông Bắc Á cũng phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường giao thương này. Khoảng 80% lượng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được vận chuyển qua Biển Đông.

Trong khi các nước có liên quan trong vấn đề Biển Đông đều có lợi ích ở các tuyến đường biển này, các nước lớn với tham vọng bá chủ như Mỹ và Trung Quốc lại có lợi ích khác, dựa trên giá trị chiến lược của các tuyến đường này. Với vị trí trọng yếu chốt chặn tuyến đường huyết mạch châu Á và là một trong những tuyến đường huyết mạch toàn cầu, việc kiểm soát việc ra vào Biển Đông là điều kiện tiên quyết để đạt được quyền lực tối cao của hải quân ở Tây Thái Bình Dương, một trụ cột tối quan trọng để đạt được vị thế bá chủ trong khu vực Đông Á.

Chuyên gia Vuving nhận xét, bên cạnh giá trị kinh tế và chiến lược, Biển Đông cũng có giá trị biểu tượng rất lớn. Các cuộc xung đột và các mối nguy hiểm trong khu vực đã biến nó thành biểu tượng tính cách dân tộc mạnh mẽ. Việt Nam đã xác lập và củng cố chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Chiến lược của Việt Nam

Theo ông Vuving, không một chiến lược đơn lẻ nào có thể miêu tả cách thức Việt Nam xử lý vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, Việt Nam sử dụng rất nhiều cách tiếp cận với rất nhiều công cụ từ sức mạnh cứng đến sức mạnh mềm. Ít nhất có thể xác định được bảy chiến lược riêng biệt.

Thứ nhất, Việt Nam củng cố lực lượng và sự hiện diện của mình trên Biển Đông cả về quân sự lẫn phi quân sự. Kể từ năm 1988, Việt Nam đã củng cố vị trí vững chắc trên quần đảo Trường Sa, và đã thiết lập các đơn vị đồn trú thường trực trên 11 thực thể, tăng sở hữu từ 10 lên 21 thực thể. Từ 1989 đến 1991, Việt Nam đã kiểm soát thực tế 6 bãi ngầm ở thềm lục địa phía tây nam quần đảo Trường Sa bằng cách xây dựng những nhà giàn và đóng các đơn vị đồn trú tại đó.

Chậm rãi nhưng chắc chắn, Việt Nam tiếp tục củng cố và tăng cường sự hiện diện ở những khu vực này với nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho dân sinh sống. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu cho dân cư ra sinh sống trên hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2012, Việt Nam quyết định thành lập lực lượng Kiểm ngư chịu trách nhiệm giám sát nguồn hải sản ngoài khơi như lực lượng thứ ba, sau hải quân và cảnh sát biển. Những lực lượng này tăng cường tuần tra các vùng biển, nhất là sau năm 2014 với cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981.

Nhằm xây dựng lực lượng răn đe tối thiểu trên biển, Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa hải quân và không quân. Nhân tố quan trọng trong lực lượng răn đe này là hạm đội tàu ngầm đang được xây dựng với 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga.

Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam

Thứ hai, Việt Nam cũng nhận thức được rằng không thể chỉ phụ thuộc vào lực lượng quân sự để ngăn chặn kẻ gây hấn. Một chiến lược đền bù cho sự thiếu hụt này là kéo một bên thứ ba có sức mạnh tham gia vào. Tuy nhiên việc áp dụng chiến lược này của Việt Nam lại hạn chế với ngành công nghiệp khai thác dầu khí trên Biển Đông. Việt Nam lựa chọn phương án hợp tác khai thác các lô dầu khí trên Biển Đông cùng với các công ty lớn từ các cường quốc, điều mà Hà Nội vẫn làm với ExxonMobil của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, và Gazprom của Nga. Tuy nhiên, Việt Nam trung thành với cam kết sẽ không hình thành liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại bên thứ ba.

Thứ ba, thay vì thành lập liên minh với các đối tác mạnh, Việt Nam nhấn mạnh nhiều hơn vào việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những năm 1990 và 2000, Việt Nam là nước khiêm tốn nhất trong các nỗ lực nhằm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhưng trước sự hung hăng ngày càng tăng của nước láng giềng khổng lồ trong khu vực kể từ năm 2008, Việt Nam đã ngày càng trở nên chủ động và quyết tâm đem vấn đề này ra trước dư luận quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ từ các nước đối tác.

Chuyên gia Vuving ghi nhận, các hội nghị quốc tế về vấn đề Biển Đông đã được tổ chức thường xuyên ở Việt Nam kể từ năm 2009. Việt Nam đã cố gắng đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự và là một phần trong các tuyên bố chung với các nước. Kể từ các cuộc họp của ASEAN và ARF, các diễn đàn quốc tế như EAS, APEC, Liên hợp quốc và ASEM đã trở thành những chiến trường ngoại giao về tranh chấp biển Đông.

(còn tiếp)