Việt Nam sắp có bộ KIT giúp chẩn đoán nhanh căn bệnh "chết người" Withmore

VietTimes – Thời gian qua, liên tiếp các ca nhập viện vì bệnh Withmore đã gây xôn xao dư luận. Hiện, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Vì thế, bên lề hội thảo khoa học bệnh Withmore toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội hôm nay, 16/10, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội về bô KIT "nhanh" giúp chẩn đoán sớm căn bệnh nguy hiểm này, do TS. Trung và cộng sự đang nghiên cứu.

TS. Trịnh Thành Trung – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy
TS. Trịnh Thành Trung – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy

+ Withmore được biết đến là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Bộ KIT chẩn đoán bệnh Withmore sẽ trở thành “cứu cánh” giúp nhiều bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời trong tương lai. Ông có thể chia sẻ thêm về bộ KIT “đặc biệt” này?

- Hiện, nhóm nghiên cứu của tôi đang hướng dẫn các bệnh viện sử dụng phương pháp chẩn đoán bằng kỹ thuật nuôi cấy. Tuy nhiên, phương pháp này còn hạn chế về mặt thời gian khi để phát hiện được bệnh phải mất từ 3-4 ngày, thậm chí từ 5-7 ngày. Bệnh Withmore tiến triển rất nhanh nên trong thời gian chờ kết quả, nhiều bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ trao đổi với các nhóm nghiên cứu quốc tế, phát triển những bộ KIT nhanh trong chẩn đoán bệnh Withmore.

Hiện, một số nhóm nghiên cứu ở nước ngoài đã chế tạo và phát triển được bộ KIT chẩn đoán nhanh bệnh Withmore. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian tiến hành đánh giá hiệu quả của phương pháp. Từ đó mới có thể ứng dụng tại các bệnh viện. Nếu bộ KIT chẩn đoán bệnh nhanh được triển khai thành công, thời gian xét nghiệm sẽ được rút ngắn đáng kể, chỉ còn từ 5-10 phút.

PGS. TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
PGS. TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại học Quốc gia Hà nội có thế mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, sức khỏe, công nghệ. Do đó, chúng tôi hướng tới những ứng dụng công nghệ vào thực tế cuộc sống.

Bệnh Withmore đã được các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai nghiên cứu, hợp tác trên diện rộng với các bác sĩ lâm sàng, bệnh viện trong 4 năm. Từ đó, hỗ trợ chấn đoán cho nhiều bệnh nhân và có phác đồ điều trị bệnh Withmore phù hợp.

"Với hội thảo khoa học bệnh Withmore toàn cầu lần thứ 9, tôi hy vọng chúng ta có thể kết nối chặt chẽ với các giáo sư, nhà nghiên cứu quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh Withmore." - PGS. TS. Phạm Bảo Sơn nói.


+ Bộ KIT chẩn đoán bệnh Withmore có đặc điểm gì nổi bật thưa ông?

- Đặc điểm nổi bật của bộ KIT chẩn đoán bệnh Withmore là nhanh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, bộ KIT có thể phát hiện được người mắc bệnh. Đối với phương pháp nuôi cấy đang được sử dụng phổ biến hiện nay thì phải mất từ 3-4 ngày mới cho ra kết quả xác định một người có mắc bệnh hay không.

Bộ KIT chẩn đoán bệnh giúp tìm thấy kháng thể trong cơ thể người kháng lại vi khuẩn Withmore, hoặc phát hiện trực tiếp vi khuẩn Withmore ngay từ trong mẫu bệnh phẩm.

+ Khó khăn lớn nhất khi tiến hành nghiên cứu bộ KIT là gì thưa ông?

- Thực ra nghiên cứu là cả một quá trình, tốn nhiều thời gian và công sức. Sau khi tìm chọn được những dấu hiệu sinh học đặc hiệu, cần tiến hành thử nghiệm lâm sàng, đánh giá qua từng khoảng thời gian cụ thể để về sau có thể phát triển được một bộ KIT thương mại.

Nếu nhà nước có thể hỗ trợ 100%, không gặp khó khăn thì từ 5-7 năm, bộ KIT có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nếu gặp nhiều vướng mắc thì thời gian bộ KIT được triển khai trong thực tế là từ 10-15 năm.

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, tiến triển nhanh, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Vì thế, người dân, đặc biệt là những người sống ở nông thôn mắc các bệnh về tiểu đường, gan, thận,… sử dụng chất ức chế miễn dịch khi phát hiện các triệu chứng như sốt kèm theo viêm phổi lâu ngày, cần đến ngay các cơ sở y tế có xét nghiệm vi sinh. Bởi nếu không thực hiện xét nghiệm vi sinh thì không thể chẩn đoán được căn bệnh này. 

Cảm ơn ông!

Sáng 16/10, hội thảo khoa học bệnh Withmore toàn cầu lần thứ 9 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội thảo khoa học toàn cầu về các nghiên cứu của bệnh Withmore, được tổ chức thường kỳ 3 năm một lần, thu hút các nhà khoa học đầu ngành ở các nước trên thế giới tới tham dự và trình bày các kết quả nghiên cứu nổi bật nhất về bệnh Withmore.

Hội thảo có 65 bài báo cáo trình bày tại 11 phiên họp và 103 bài báo cáo poster của hơn 100 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia trên thế giới.