Việt Nam lần đầu trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên Hiệp Quốc

Viettimes -- Việt Nam hôm nay vừa trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam trong một phiên họp tại LHQ (Ảnh: AFP)
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam trong một phiên họp tại LHQ (Ảnh: AFP)

Theo giờ Hà Nội sáng nay ngày 18/12 (tại New York, ngày 17/12), Việt Nam lần đầu tiên trúng cử thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, với số phiếu 157/193 trong cuộc bầu cử tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 (đang diễn ra tại New York, Mỹ).

Việt Nam đã cùng với 8 nước khác thuộc Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương ứng cử cho 7 vị trí của nhóm này trong đợt bầu cử UNCITRAL năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ứng cử vào cơ quan này.

Trở thành thành viên UNCITRAL đánh dấu bước tiến trong việc chủ động, tích cực hội nhập pháp lý đa phương, chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi ở cấp độ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Bên cạnh đó, vai trò thành UNCITRAL cũng tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn hiện khuôn khổ pháp luật trong nước theo hướng phù hợp với chuẩn mực chung, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, vì mục tiêu phát triển bền vững.

UNCITRAL là một cơ quan chuyên môn pháp lý của LHQ, được ĐHĐ LHQ lập ra từ năm 1966 với mục đích thúc đẩy quá trình hài hòa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp của LHQ (Ảnh: AFP)
 Toàn cảnh phiên họp của LHQ (Ảnh: AFP)

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, việc Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên UNCITRAL xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, vận dụng và tham gia phát triển pháp luật quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nói chung, phục vụ cho triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững của nước ta, đóng góp vào thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam và của cả khu vực và toàn thế giới.