“Việt Nam lạm phát 5%, Mỹ lạm phát 2%, tại sao VND chỉ trượt giá 1% so với USD?”

VietTimes – Đó là một chất vấn đáng chú ý được gửi tới đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?” do Tạp chí Diễn đàn Nhà đầu tư (Bizlive) tổ chức sáng 10/12/2016.
Toàn cảnh Tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?”.
Toàn cảnh Tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?”.

“Đã có rất nhiều người so sánh lạm phát của Mỹ và lạm phát của Việt Nam, chỉ ra chênh lệch rồi đề nghị chúng ta điều chỉnh tỷ giá tương đương. Nhưng xin thưa rằng, có lẽ họ phải xem lại thực chất lý thuyết này”, Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) Nguyễn Tú Anh phản hồi chất vấn.

Theo ông Tú Anh, không thể chỉ so sánh các số liệu lạm phát một cách chung chung. “Chúng ta phải so sánh độ trượt giá của hàng thương mại được (tradable goods) và loại trừ độ trượt giá của hàng phi thương mại hay hàng dịch vụ (non-tradable goods).

Và nếu xem xét hàng tradable goods, thì năm nay, mức trượt giá của hàng hóa Việt Nam còn thấp hơn Mỹ.

Thực tế mức lạm phát 5% của Việt Nam chủ yếu bị đẩy bởi giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, nhưng ta phải trừ nó ra bởi nó là hàng hóa không thương mại được. Hàng không thương mại được thì nó không phản ánh vào các tính toán tỷ giá”.

“Do đó, nếu chúng ta nói rằng Việt Nam lạm phát 5%, bên Mỹ lạm phát 2% thì chúng ta phải phá giá VND 3% là không hợp lý. Phải sử dụng quy luật một giá để so sánh tradable goods”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại diện NHNN, kể từ khi thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm thì cơ quan này không còn cam kết ổn định tỷ giá 1%, 2% hay 3% mỗi năm nữa; Mà chỉ căn cứ vào các biến động thực tế từ bên ngoài cũng như bên trong nền kinh tế để điều chỉnh linh hoạt.

Phân bổ tín dụng, chuyện lớn hơn cả lãi suất hay tỷ giá

Bên cạnh câu chuyện tỷ giá, chính sách điều hành lãi suất của NHNN cũng nhận được nhiều chất vấn của các chuyên gia.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện vẫn quá cao, chưa hỗ trợ hiệu quả được cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN.

Giải thích về nội dung này, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, lãi suất chịu rất nhiều tác động của thị trường. “Muốn giảm được lãi suất cho vay thì phải giảm được lãi suất huy động, mà giảm lãi suất huy động sẽ tác động trực tiếp đến hành vi của người gửi tiền”, ông Anh dẫn giải.

Tuy vậy, các thống kê cho thấy, bất chấp điều kiện nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 1% trong vòng một năm qua.

“Ai cũng nhìn NHNN xem họ có thể kéo được lãi suất xuống, hỗ trợ nền kinh tế nhưng chính sách tiền tệ không độc lập với chính sách tài khóa”, ông Tú Anh chia sẻ, “Đúng là vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tôi nghĩ rằng trong khó khăn, NHNN làm như vậy là không đến nỗi tệ”.

Bổ sung ý kiến, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI (VAFIE) đánh giá cơ hội giảm lãi suất đã đến từ năm 2015, “còn trong năm nay thì khó lòng mà giảm nổi”.

Ông Mại nhấn mạnh việc ông quan tâm hơn đến câu chuyện phân bổ tín dụng. “Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18%, nhưng cơ cấu phân bổ tín dụng lại rất thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Dẫn chứng về câu chuyện của một DN nhỏ trong Tp. HCM, vị Giáo sư kể: “DN này chỉ có nhu cầu vay 300 triệu đồng để trả lương nhân viên, trong khi Cục Thuế TP.HCM đang nợ họ hơn 1 tỷ đồng. Nhưng họ đề nghị ngân hàng cho thế chấp khoản phải thu 1 tỷ đồng của Cục thuế để vay 300 triệu đồng từ ngân hàng thì ngân hàng không cho. Sau đó họ phải đi vay bên ngoài với lãi suất chợ đen”.

Chủ tịch VAFIE tiếp tục liên hệ câu chuyện cho vay của ngân hàng với thực trạng nợ xấu. “Tôi mong muốn NHNN không chỉ công bố nợ xấu bao nhiêu mà phải là nợ xấu do ai nữa. Có phải là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình? Tôi tin chắc chắn rằng, nợ xấu không phải do họ, mà chủ yếu thuộc về các tập đoàn nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn”.

“Câu chuyện này lớn hơn nhiều so với tỷ giá hay lãi suất”, GS Nguyễn Mại nêu quan điểm./.