Việt Nam hiện đã có hơn 4,8 triệu người dùng địa chỉ Internet IPv6

Tính đến đầu tháng 4/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 12%, với tốc độ tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 7 châu Á, với hơn 4.8 triệu người dùng.

Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ chuyển đổi IPv6 mạnh mẽ, tiêu biểu có các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng IPv6 tốt (Nguồn: 6labs.cisco.com)

Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia vừa thông tin về kế hoạch chuỗi sự kiện nhân Ngày IPv6 Việt Nam năm 2018. Chuỗi sự kiện này nằm trong kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm nay của Ban công tác.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, giai đoạn 3 từ năm 2016 - 2019, là giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6, đây là giai đoạn quan trọng, thúc đẩy việc triển khai IPv6 đến từng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước; chung tay đưa IPv6 lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam.

Thực hiện mục tiêu trên, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã quyết định tổ chức chuỗi sự kiện nhân Ngày IPv6 Việt Nam 2018 tại Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, hội thảo chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ nội dung” sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4/5/2018, do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải – Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia chủ trì và có sự tham gia của các thành viên Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia; các doanh nghiệp dịch vụ Internet (ISP); các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động (Mobile Operator); các doanh nghiệp nội dung số (Content); các doanh nghiệp sản xuất thiết bị...

Theo VNNIC, cơ quan thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm nay sẽ tập trung trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, lộ trình kế hoạch của các đơn vị trong việc triển khai IPv6 cho hệ thống kỹ thuật dịch vụ, đặc biệt triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng LTE và triển khai cho các hệ thống dịch vụ cho khách hàng.

VNNIC cũng cho biết, tính đến nay, tỉ lệ IPv6 toàn cầu đạt khoảng 22%, tăng trưởng bình quân 200% mỗi năm. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ chuyển đổi IPv6 mạnh mẽ, tiêu biểu có các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng IPv6 tốt.

Tính đến đầu tháng 4/2018, theo số liệu thống kê của APNIC, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 12%, với tốc độ tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, hiện Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thứ 7 Châu Á với hơn 4.8 triệu người dùng.

Với xu thế Internet di động ngày càng phát triển mạng mẽ, triển khai IPv6 trong mạng di động 4G/5G là xu hướng tất yếu. Thực tiễn cho thấy trong 2 năm gần đây, xu hướng phát triển dịch vụ mạng viễn thông trên nền tảng 4G/5G là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tới việc triển khai IPv6 trên thế giới.

Theo ước tính của Cisco, tới năm 2021, lưu lượng Internet từ các thiết bị không dây, di động sẽ chiếm tới 63% lưu lượng IP toàn cầu trong, riêng di động sẽ chiếm tới 33% tổng lưu lượng IP. Số lượng các thiết bị di động thông minh kết nối mạng Internet ngày càng tăng cùng với nhu cầu kết nối tốc độ cao đòi hỏi sự phát triển song song của các hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng băng rộng. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải tiến hành nâng cấp hệ thống, tăng cường việc quản lý và tối ưu hóa băng thông nếu không muốn đứng ngoài xu thế.

Việc triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G LTE, 5G trong tương lai và cho các dịch vụ nội dung trên mạng Internet là tất yếu, bởi IPv6 có tính ưu việt giúp tiết kiệm được chi phí vận hành lâu dài, đáp ứng được yêu cầu triển khai cho các thiết bị mới để mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ.

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp dẫn đầu về triển khai IPv6 đều là các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ di động, dịch vụ băng rộng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, ứng dụng đa quốc gia và các mạng xã hội lớn trên thế giới. Tiêu biểu có các mạng di động AT&T, Verison Wireless, T-Mobile… hay cá nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Yahoo, Akamai... Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, IPv6 được triển khai mặc định trong cung cấp dịch vụ di động 4G LTE.

Cũng nằm trong chuỗi sự kiện ngày IPv6 Việt Nam 2018, tại TP.HCM, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia dự kiến sẽ tổ chức chương trình tập huấn và hội thảo về triển khai IPv6 dành cho khối cơ quan nhà nước trong thời gian từ ngày 9-11/5/2018, với mục tiêu cung cấp các kiến thức cơ bản, các tình huống chọn lọc đã được triển khai, áp dụng thành công trên thực tế trong quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ hoàn chỉnh trên nền tảng công nghệ IPv6.

Đồng thời, chương trình cũng tạo cơ hội cho khối cơ quan nhà nước khu vực phía Nam trao đổi về việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, triển khai xây dựng đề án, kế hoạch và giải pháp chuyển đổi IPv6 ở các cơ quan nhà nước tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/viet-nam-hien-da-co-hon-4-8-trieu-nguoi-dung-dia-chi-internet-ipv6-166880.ict