Việt Nam dường như chưa có thị trường thông tin khoa học công nghệ

VietTimes -- Trong bối cảnh khoa học công nghệ (KHCN) đã và đang phát triển với tốc độ rất nhanh và nhất là trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 rất sôi động hiện nay, thông tin KHCN chắc chắn phải là một thành tố hết sức quan trọng. Để tìm hiểu thực tế ở Việt Nam về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Vu – Phó chủ tịch thường trực Hội Thông tin KHCN Việt Nam.
Ông Phạm Văn Vu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ông Phạm Văn Vu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Trước hết, xin ông cho biết một vài thực tế của công tác thông tin khoa học và công nghệ trong tổng thể của khoa học và công nghệ nói chung và nhất là trong thời đại Internet ngày nay?

Trong bất cứ thời đại nào thì thông tin khoa học và công nghệ (KHCN) cũng rất cần thiết. Thông tin khoa học và công nghệ luôn gắn liền với mọi quyết định trong công việc hằng ngày của chúng ta. Với mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác KHCN hay lãnh đạo/quản lý, đều thường xuyên phải cập nhật thông tin, cần có đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin khoa học và công nghệ trước việc ra quyết định để giải quyết một vấn đề nào đó, hoặc trong việc xây dựng các chiến lược, chương trình hay đề án phát triển của tổ chức mình. Mọi thông tin trước khi được cung cấp đến đối tượng sử dụng đều cần được xử lý, đảm bảo chính xác và có giá trị gia tăng.

Chúng ta đều biết, đến nay phần lớn thư viện chỉ cung cấp cho người đọc cuốn sách hay tài liệu, hoặc địa chỉ của cuốn sách/tài liệu cần tìm. Nhưng với hoạt động thông tin khoa học và công nghệ thì không chỉ là tài liệu hay địa chỉ mà còn phải là những thông tin (dữ liệu, dữ kiện, số liệu,…) rút ra được từ tài liệu để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng tin. Ngoài ra, ở mức độ cao hơn còn cung cấp thông tin phân tích - tổng hợp, tổng quan và tổng luận phân tích từ các nguồn tin cần thiết. Khi đó, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu sẽ không cần phải đọc hàng chục,thậm chí hàng trăm tài liệu, bài báo về cùng chủ đề nữa, mà chỉ cần đọc một bài tổng quan hay tổng luận phân tích là có thể xử lý được công việc của mình.

Trong thời đại Internet ngày nay, có thể nhiều người nghĩ rằng nguồn thông tin cần tìm là rất phong phú, rất nhiều. Nhưng thông tin thu được từ đó có đáng tin cậy không, có chính xác không thì lại là vấn đề cần được xem xét, kiểm chứng. Người ta có thể nhờ các cỗ máy tìm kiếm như Google để tìm được rất nhiều thông tin theo những từ khóa nào đó và kết quả có thể lên tới số lượng hàng ngàn, hàng vạn bài báo. Và chắc chắn, với một số lượng lớn như vậy không người sử dụng nào có thể đọc hết được, cũng như không thể chọn lọc hết được thông tin cần thiết và vì thế phải cần đến đội ngũ chuyên gia và cơ quan chuyên về thông tin khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu thông tin.

Thông tin khoa học và công nghệ có thể được cung cấp đến người dùng dưới hình thức bản in truyền thống và ngày nay được xử lý, biên tập trên máy tính và gửi thẳng ngay cho người dùng tin qua mạng internet.

Như vậy, với nhu cầu rất lớn của nền khoa học công nghệ nước nhà, chắc chắn phải có một thị trường về thông tin khoa học công nghệ. Xin ông cho biết một vài thực tế về vấn đề này ở Việt Nam.

Một thực tế hết sức đáng buồn ở Việt Nam hiện nay là chưa có thị trường thông tin khoa học và công nghệ. Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia trước đây, nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, cũng như nhiều cơ quan thông tin KHCN ở các bộ ngành và địa phương hàng năm thường nhận được rất ít yêu cầu cung cấp thông tin KHCN mặc dù nhu cầu chắc chắn là có rất nhiều. Rất nhiều cơ quan nghiên cứu phát triển không đặt hàng, không đặt mua các sản phẩm và dịch vụ thông tin của những cơ quan thông tin này. Ngay cả cơ quan nghiên cứu về chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ ngay cạnh Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia hình như cũng chưa bao giờ “đặt hàng” cung cấp thông tin KHCN. Cũng cần nói thêm là với các đề tài nghiên cứu phát triển sử dụng ngân sách của Nhà nước, mặc dù đã có quy định trong dự toán dành chi phí cho thông tin, song trên thực tế, người ta cũng không hề chịu chi một phần dù nhỏ để đặt “mua” thông tin, mà thường sử dụng khoản dự toán chi đó vào những hoạt động khác của đề tài nghiên cứu... Chính vì thiếu yếu tố thông tin khoa học và công nghệ trong việc xây dựng các chiến lược và chính sách, trong việc xây dựng chương trình và đề tài nghiên cứu phát triển mà chiến lược và chính sách, chương trình và đề tài  đưa ra, thiếu tính thực tiễn và khoa học, khó hiện thực hóa (!).

Sự tồn tại của các trung tâm thông tin KHCN hiện nay ở các bộ ngành và địa phương chủ yếu dựa vào bao cấp của Nhà nước. Hoặc có chăng một số nguồn thu từ sản phẩm và dịch vụ của mình là do mối quan hệ thân quen với một số đối tác nên được rót tiền sang, chứ chưa hẳn là do thực hiện các hợp đồng kinh tế cung cấp/đảm bảo thông tin. Việt Nam dường như chưa có thị trường thông tin KHCN, mặc dù có nguồn cung thông tin KHCN khá dồi dào với các sản phẩm và dịch vụ thông tin có chất lượng nhưng thiếu hẳn “người mua”.

Có thể nói, song song với nền báo chí đang phát triển rất mạnh mẽ, chúng ta rất cần có một nền thông tin khoa học và công nghệ. Xin ông cho biết một số ý kiến về vấn đề này cùng những vấn đề đặt ra cho đội ngũ nhân lực làm công tác thông tin khoa học?

Hiện tại, không ít người vẫn nhầm lẫn, chưa phân biệt được thế nào là giữa hoạt động thông tin khoa học công nghệ và thế nào là hoạt động báo chí. Báo chí có thể đưa tin, phản ánh về các hoạt động và thành tựu khoa học và công nghệ, hoặc đăng các bài viết do các nhà khoa học đưa đến. Báo chí chỉ là nguồn tin của hoạt động thông tin khoa học và công nghệ. Đôi khi báo chí có thể cung cấp thông tin chưa hoàn toàn chính xác. Còn đội ngũ làm thông tin khoa học phải thu thập thông tin (dữ liệu, dữ kiện, …) từ nhiều nguồn, trong đó có báo chí, rồi xử lý, chế biến lại để trở thành thông tin KHCN chính xác của mình và cung cấp đến đối tượng người dùng.

Nói như vậy, người làm thông tin khoa học phải có trình độ chuyên môn về KHCN, về kinh tế – kỹ thuật, về chính trị - xã hội và được trang bị kiến thức, phương pháp luận về thông tin học. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có một số trường đào tạo kiến thức cơ sở về thông tin học, chứ cũng chưa hề đào tạo những người có chuyên môn về KHCN và kinh tế – kỹ thuật thành cán bộ chuyên nghiệp về thông tin khoa học. Những người làm thông tin khoa học (cán bộ chuyên nghiệp thông tin khoa học) ở các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ hiện nay ở nước ta chủ yếu được đào tạo tại chỗ và cũng phải nói thêm là cho tới nay ở Việt Nam cũng chưa có hạn ngạch công chức về thông tin khoa học. Và như thế, người làm công tác thông tin khoa học còn bị thua kém so với nhân sự thư viện về điểm này.

Có một thực tế với không ít ngành học ở bậc đại học là tỷ lệ giảng viên thường xuyên đọc các tạp chí khoa học chuyên ngành còn khá thấp. Xin ông cho biết một vài ý kiến về thực tế này?

Nếu đúng như vậy thì đây là một thực tế đáng buồn. Cũng cần phải nói rằng trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay thì đội ngũ giảng viên đại học chính là người cung cấp kiến thức và thong tin khoa học và công nghệ mới nhất cho sinh viên. Do đó, họ phải thường xuyên cập nhật thông tin khoa học và công nghệ, kiến thức mới đưa vào bài giảng, bổ sung cho bài giảng của mình. Nếu không cập nhật thông tin khoa học và công nghệ có liên quan, các giảng viên đại học không thể giúp sinh viên trở thành người đổi mới sáng tạo sau này; lúc đó giảng viên đại học thực ra chỉ là người hướng dẫn “tay nghề” bằng kinh nghiệm của “người thợ cả”.  Tuy nhiên, sách báo, tạp chí KHCN và cơ sở dữ liệu nước ngoài được nhập về nước ta rất ít, chỉ mới tập trung ở một số cơ quan thông tin KH&CN lớn ở trung ương (bộ/ngành) nên để các giảng viên đại học tiếp cận nguồn sách bào này cũng còn hạn chế. Do đó, chính các đại học nên chủ động xây dựng hệ thống thong tin KH&CN của mình có kết nối với các cơ quan thông tin KH&CN lớn trong nước (thậm chí với nước ngoài, và dành nguồn tài chính của mình cho việc mua thêm các nguồn thông tin KH&CN khác nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của cả giảng viên lẫn sinh viên.

Sao chép luận văn đang là một vấn nạn ở các đại học hiện nay, nhất là trong thời đại CNTT. Theo ông, chúng ta phải làm gì để khắc phục vấn nạn này?

Việc các trường đại học cần phải làm là số hóa toàn bộ các luận văn, luận án của cả thầy và trò. Cùng với việc đó là trang bị các phần mềm để đối chiếu các luận văn mới với kho tài liệu đã số hóa đó. Chúng ta không thể và cũng không nên cấm sinh viên sao chép luận văn vì mục đích học tập và nâng cao kiến thức, mà cần giáo dục ý thức về sở hữu trí tuệ cho các em để những thông tin các em tiếp cận được có thể trở thành kiến thức và đưa đến các sáng tạo mới. Nếu như có sao chép thì cũng phải dẫn nguồn rõ ràng là từ đâu và của ai.

Việt Nam dường như chưa có thị trường thông tin khoa học công nghệ ảnh 1

Đề cập về vấn đề khoa học liên ngành, một chuyên gia từng đặt vấn đề là các ngành khoa học cần phải theo dõi, cập nhật thành tựu của các lĩnh vực khác để ứng dụng cho mình. Vậy theo ông, công tác thông tin khoa học có giá trị gì với khoa học liên ngành?

Nói chung, khoa học luôn phát triển theo 2 hướng, là khoa học chuyên sâu và khoa học liên ngành, nhưng rất tương tác với nhau. Không chỉ khoa học liên ngành mà ngay cả khoa học chuyên sâu cũng cần cập nhật thông tin ở các lĩnh vực khác. Và hoạt động thông tin khoa học công nghệ đương nhiên sẽ phát huy tác dụng ở đây. Đó là thực tế ở các nước phát triển.

Cuối cùng, xin đề cập về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xin ông cho biết, hoạt động thông tin khoa học và công nghệ cần phải làm gì trong bối cảnh này?

Nói về cách mạng công nghiệp 4.0, đây là sự nối tiếp phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thực tế đó khiến rất nhiều người phải thường xuyên cập nhật thông tin khoa học cho mình. Đây chính là cơ hội cho các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ tham gia tạo lập thị trường thông tin. Song như tôi đã nói, có nhiều vấn đề đang tồn tạị. Từ lâu thói quen được bao cấp, cho không thông tin nên hầu như rất ít nhà nghiên cứu, nhà quản lý chịu bỏ tiền mua thông tin KHCN, thậm chí họ cũng ít khi đưa yêu cầu để cơ quan thông tin KH&CN cung cấp thông tin. Ngay cả nhiều cơ quan nhà nước có ngân sách để chi cũng không chịu bỏ tiền đó ra mua thông tin khoa học cho mình.

Nhân đây, tôi nghĩ cần sớm có chính sách, quy định bắt buộc và khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các cơ quan thông tin KH&CN. Trước mắt, có thể bao cấp, cho không hoặc thu phí rẻ, có tính tượng trưng để tạo thói quen tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thông tin, cũng như đưa ra yêu cầu để các cơ quan thông tin KH&CN công lập đáp ứng thông tin cần thiết. Còn đối với phong trào khởi nghiệp mà Chính phủ đang kỳ vọng ở lớp trẻ hiện nay, phải thừa nhận là rất nhiều người trẻ đã dấn thân, dám nghĩ, dám làm trong rất nhiều công việc. Tuy nhiên, cái mà họ đang thiếu bên cạnh kinh nghiệm quản lý, tiền vốn… chính là thông tin khoa học và công nghệ. Nên chăng, Chính phủ hãy bỏ kinh phí “để đặt” hàng các cơ quan thông tin KHCN và cung cấp miễn phí những thông tin này đến các đối tượng khởi nghiệp bên cạnh các hình thức hỗ trợ khác.

Xin cám ơn ông!