Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN, thứ 5 châu Á với 6 triệu người sử dụng IPv6

VietTimes -- Tính đến 30/4/2018, theo thống kế của APNIC, chỉ số triển khai IPv6 của Việt Nam đạt mức 14%, đứng thứ 3 ASEAN và thứ 5 Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan), với khoảng 6.000.000 người sử dụng IPv6 (nguồn Cisco).
Hiện nay, mảng băng rộng cố định là mảng dịch vụ chính hiện này tạo nên tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam. Ảnh minh họa: FPT.
Hiện nay, mảng băng rộng cố định là mảng dịch vụ chính hiện này tạo nên tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam. Ảnh minh họa: FPT.

Đó là một trong những nội dung mới được công bố tại Ngày IPv6 Việt Nam 2018 với chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, vừa diễn ra chiều nay (4/5).

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet.

Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản: Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet và khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.

Đánh giá về mức độ phát triển của IPv6, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, tính đến nay, tỉ lệ IPv6 toàn cầu đạt khoảng 22%, tăng trưởng bình quân 200% mỗi năm. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ chuyển đổi IPv6 mạnh mẽ, tiêu biểu có các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng IPv6 tốt.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, IPv6 đã không còn là công nghệ mới mà được hiện diện ở khắp mọi nơi với số lượng người dùng IPv6 ngày càng cao. Thế giới đã chứng kiến bước hảy vọt trong chuyển đổi IPv6 với mức tăng trưởng đến 3000% từ năm 2012 đến cuối năm 2017.

“IPv6 đã trở thành điều kiện tất yếu để tham gia hoạt động kết nối. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, ứng dụng và nội dung số đang tích cực “chạy đua”, cố gắng “chiếm thị phần” người dùng IPv6 trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng bùng nổ thông tin di động”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN, thứ 5 châu Á với 6 triệu người sử dụng IPv6 ảnh 1 Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhận định: "IPv6 đã trở thành điều kiện tất yếu để tham gia hoạt động kết nối".

Với xu thế Internet di động ngày càng phát triển mạng mẽ, triển khai IPv6 trong mạng di động 4G/5G là xu hướng tất yếu. Thực tiễn cho thấy trong 2 năm gần đây, xu hướng phát triển dịch vụ mạng viễn thông trên nền tảng 4G/5G là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tới việc triển khai IPv6 trên thế giới.

Theo ước tính của Cisco, tới năm 2021, lưu lượng Internet từ các thiết bị không dây, di động sẽ chiếm tới 63% lưu lượng IP toàn cầu trong, riêng di động sẽ chiếm tới 33% tổng lưu lượng IP.

Số lượng các thiết bị di động thông minh kết nối mạng Internet ngày càng tăng cùng với nhu cầu kết nối tốc độ cao đòi hỏi sự phát triển song song của các hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng băng rộng. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải tiến hành nâng cấp hệ thống, tăng cường việc quản lý và tối ưu hóa băng thông nếu không muốn đứng ngoài xu thế.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, Tập đoàn VNPT đã chính thức triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE và là nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức triển khai dịch vụ IPv6 cho thuê bao 4G LTE. Tính đến đầu tháng 5/2018, Tập đoàn VNPT đã có tới 134.164 thuê bao 4G LTE của mạng Vinaphone sử dụng IPv6 với lưu lượng IPv6 cho di động đạt 2.025.208 kbit/s. Cũng theo chia sẻ của Tập đoàn VNPT, tất cả các thuê bao 4G của Vinaphone đều có thể kích hoạt tính năng sử dụng IPv6 trên thiết bị di động của mình. Đây là tín hiệu đáng mừng cho kết quả triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE nói riêng và công tác triển khai IPv6 Việt Nam nói chung.

Các diễn giả tham gia cuộc trao đổi đều thống nhất, việc triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G LTE, 5G trong tương lai và cho các dịch vụ nội dung trên mạng Internet là tất yếu, bởi IPv6 có tính ưu việt giúp tiết kiệm được chi phí vận hành lâu dài, đáp ứng được yêu cầu triển khai cho các thiết bị mới để mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ.

Hiện nay, mảng băng rộng cố định là mảng dịch vụ chính hiện này tạo nên tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam. Trong đó, FPT Telecom đã cung cấp IPv6 cho khoảng 1.500.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của mạng FPT Telecom đặt khoảng 30% với khoảng 2.700.000 người sử dụng IPv6 (tháng 4/2018, nguồn APNIC).

Cùng với đó, Tập đoàn VNPT cũng là doanh nghiệp có kết quả IPv6 tiêu biểu trong năm 2017 cũng như 4 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 1.000.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của VNPT tăng trưởng từ 7% đầu năm 2018 lên khoảng 15% vào thời điểm hiện tại, với khoảng 2.400.000 người dùng IPv6 (tháng 4/2018, nguồn APNIC).

Tuy vậy, trong mảng nội dung số, hiện tại, Việt Nam chỉ mới có Báo VnExpress triển khai tốt dịch vụ IPv6 cho mảng nội dung số, chuyển đổi thành công các chuyên trang và trang chủ của Báo VnExpress sang hỗ trợ song song IPv4/IPv6.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, phần mềm, ứng dụng trên Internet hiện chỉ mới thử nghiệm, chưa chuyển đổi chính thức sang hỗ trợ IPv6.

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp dẫn đầu về triển khai IPv6 đều là các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ di động, dịch vụ băng rộng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, ứng dụng đa quốc gia và các mạng xã hội lớn trên thế giới. Tiêu biểu có các mạng di động AT&T, Verison Wireless, T-Mobile, … hay cá nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Yahoo, Akamai, ...

Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, IPv6 được triển khai mặc định trong cung cấp dịch vụ di động 4G LTE.