Việt Nam đề nghị Nhật Bản cấp thêm tàu tuần tra

Hà Nội đã đề nghị Nhật Bản cung cấp tàu biển để tăng cường lực lượng tuần duyên của Việt Nam. Thêm một dấu hiệu  cho thấy mối quan hệ ngày càng được tăng cường giữa hai nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, Reuteurs cho biết
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 6/5
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 6/5

Theo Reuters, phát ngôn viên Nhật Bản Masato Otaka, cho biết lời yêu cầu từ phía Việt Nam được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản diễn ra trong hai ngày 5 và 6/5 nằm trong khuôn khổ chuyến công du châu Á.

Ông Masato Otaka cho biết: «Việt Nam muốn có tàu tuần duyên mới». Tuy nhiên, thời điểm và cách thức bàn giao, giá bán và số lượng tàu vẫn chưa được quyết định. Ông cũng nhấn mạnh: «Việt Nam nhận thấy cần phải tăng cường lực lượng cảnh sát biển và đó là lý do chúng tôi đáp ứng nhu cầu của Hà Nội».

Reuteurs ghi nhận Việt Nam đang hiện đại hóa lực lượng quân sự. Mới đây, chính phủ đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Hiện Nga và Ấn Độ là nguồn cung cấp vũ khí chính của Hà Nội, đồng thời tham gia huấn luyện và hợp tác tình báo. Hà Nội cũng đã thiết lập mối quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh của quốc gia này như Nhật Bản, Úc, Philippines, cũng như với châu Âu và Israel.

Trong ngày 6/5, ngoại trưởng Kishida dự kiến tham dự một cuộc họp của chính phủ Việt Nam, chủ yếu bàn về hợp tác kinh tế. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, với tổng trị giá các dự án lên tới 39 tỷ USD tính tới tháng 4/2016, theo số liệu thống kê của chính phủ Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4/2016, hai chiến hạm của Nhật Bản đã ghé thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Tokyo cũng đang cải thiện quan hệ với Philippines thông qua việc tăng cường hợp tác và cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trong năm vừa qua.

Tokyo không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng lo ngại về việc Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nơi nhiều tàu thương mại của Nhật Bản đi qua.

Trong bài phát biểu khi thăm Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida cũng bàn đến các vấn đề an ninh khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt là về các vùng ngày càng nhiều tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu một trường đại học ở Bangkok, ông Kishida nói "hòa bình và ổn định" là một điều kiện tiên quyết đối với thịnh vượng kinh tế, bao gồm nguyên tắc cơ bản là "pháp quyền", được thể hiện rõ qua "an ninh hàng hải".

Ông Kishida kêu gọi lập ra một bộ quy tắc ứng xử, với mục đích giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ hàng hải cho cả Việt Nam lẫn Philippines trong các bước được coi là "sự xoay trục về hàng hải" của Nhật Bản về phía Đông Nam Á.