Việt Nam cần làm gì để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh?

VietTimes -- Ngày 5/7/2018 tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và Nâng cao Năng lực Cạnh tranh, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển triển Bền vững (VBCSD) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị Toàn quốc về Phát triển Bền vững 2018 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chủ trì Hội nghị. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo

Trình bày tham luận tại Hội nghị, TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khoa học công nghệ không bao giờ đứng một mình mà luôn đi cùng với sự phát triển của nền sản xuất. Bằng chứng cho thấy, nếu ứng dụng khoa học công nghệ thì năng suất lao động ở doanh nghiệp luôn có sự tăng trưởng tốt. Còn theo TS Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì chiến lược công nghiệp sẽ quyết định chiến lược của khoa học công nghệ. Vì thế, phải có chiến lược phát triển công nghiệp một cách rõ ràng để căn cứ vào đó mà xây dựng chiến lược khoa học công nghệ một cách rõ ràng và đúng đắn. 

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã trình bày một báo cáo về tương lai việc làm ở Việt Nam. Báo cáo cho biết, nếu Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở những ngành lắp ráp trình độ thấp thì việc làm trong tương lai sẽ không khác nhiều so với hiện nay. Chất lượng việc làm trong nền kinh tế hiện đại sẽ được cải thiện nếu Việt Nam chuyển hướng sang những lĩnh vực sản xuất có giá trị cao hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ tiếp tục tạo ra những việc làm tốt, dù có thể không thành công bằng hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Giám đốc World Bank Ousmane Dione tham dự và phát biểu tại hội thảo
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Giám đốc World  Bank Ousmane Dione tham dự và phát biểu tại hội thảo

Báo cáo cũng chỉ ra là có 3 vấn đề chính trong phân bố kỹ năng hiện nay ở Việt Nam. Một là, nhiều lao động cao tuổi dù không được hưởng lợi từ nền giáo dục có chất lượng cao của Việt Nam nhưng sẽ vẫn tiếp tục có mặt trên thị trường lao động trong nhiều năm tới. Hai là, sẽ có một nguồn lao động mới gồm những người sẽ tham gia lực lượng lao động ít nhất đến 2065 và sẽ căn bản được trang bị để sẵn sàng cho những việc làm của hôm nay và sau này dù chưa xác định. Ba là, loại công việc xuất hiện ở Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng khi nền kinh tế quá độ theo hướng linh hoạt, định hướng tri thức, theo đó có những kỹ năng mà thị trường lao động cần cũng sẽ thay đổi theo.

Dù rằng, có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nhưng theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của chúng ta đang đứng trước thách thức của CMCN 4.0. Nguyên nhân vì các nước phát triển đã và đang ứng dụng robot trong sản xuất của họ. Cụ thể, ông cho biết, một nhà máy của ngành da giày tại Mỹ có năng suất tương đương nhà máy lớn nhất ở Việt Nam chỉ cần đến 16 công nhân để điều hành các hệ thống tự động hóa. 

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
 TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Báo cáo với Thủ tướng về diễn biến của các phiên hội thảo trong buổi sáng cùng ngày, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, đã có 4 phân ban về: Kinh tế Tuần hoàn - Hợp tác để tăng trưởng xanh; Tương lai của việc làm: Việc làm và vai trò của khu vực tư nhân để xây dựng một Việt Nam hiện đại; Lập báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững; Đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Ông cũng đề cập là để phát triển kinh tế tuần hoàn thì phải có công cụ pháp lý phù hợp. Bên cạnh đó, việc hợp tác công - tư (PPP) cũng cần phải được xây dựng một bộ luật riêng. 

Tổng kết hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để thực sự có một chiến lược lâu dài về phát triển bền vững thì việc xây dựng thể chế là rất quan trọng. Đặc biệt, trong CMCN 4.0 thì nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định và giáo dục chính là chìa khóa mà trong đó đổi mới và sáng tạo có vai trò then chốt. Theo Thủ tướng, không chỉ là nhà tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thích đáng vào giáo dục vì nguồn nhân lực tương lai cho chính mình. Thủ tướng cũng nhắc lại là giữa năm 2017, Chính phủ đã có Chỉ thị 16 để chỉ đạo các bộ ngành hữu quan về CMCN 4.0 đối với đất nước và đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thu thập các ý kiến để có báo cáo với Chính phủ. Thủ tướng cho biết, dự kiến vào ngày 13/7/2018 Chính phủ sẽ tổ chức Hội thảo Quốc gia về CMCN 4.0 và tại diễn đàn này, Chính phủ mong muốn VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho Chính phủ.