Việt Nam “cân bằng” nước lớn, Nga không bán rẻ đồng minh

VietTimes -- “Trong quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nga, hay Việt - Trung, chúng ta chủ động thực hiện chính sách cân bằng để giữ được vị thế có lợi nhất trong quan hệ với các nước lớn, phục vụ mục tiêu giữ vững hòa bình và ổn định, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển đất nước".
Ông Trần Việt Thái
Ông Trần Việt Thái

Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) chia sẻ với VietTimes.

Việt Nam không chủ trương xây dựng đồng minh

Hiện nay chúng ta có 15 đối tác chiến lược, 10 đối tác toàn diện, trong đó Nga và Trung Quốc được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Trong tất cả các đối tác này, Mỹ - đối tác toàn diện, đóng vai trò như thế nào trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, thưa ông?

-Trước hết cần nói rằng Mỹ là đối tác, là cường quốc, hay nói đúng ra là “siêu cường toàn cầu”. Họ có 5 thế mạnh: Thứ nhất, Mỹ có nền kinh tế số 1 thế giới, một thị trường khổng lồ, một sức hút rất lớn. Thứ hai, Mỹ là siêu cường về quân sự toàn cầu. Họ có năng lực triển khai quân đội nhanh nhất đến bất cứ nơi nào trên thế giới với sức mạnh lớn nhất. Thứ ba là về khoa học công nghệ. Mỹ là thị trường, đồng thời là trung tâm sáng tạo ý tưởng hàng đầu thế giới với những công nghệ ưu việt, rất nhiều công nghệ nguồn nằm ở đó. Thứ tư, họ có chân trong rất nhiều tổ chức Quốc tế. Hơn 70 năm qua, từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, Mỹ đã hình thành được mạng lưới tổ chức đa phương, từ Ngân hàng thế giới tới Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho đến các tổ chức khu vực như NATO. Họ có vai trò lớn dẫn đến sức mạnh chính trị của Mỹ rất lớn trên phạm vi toàn cầu, trải rộng từ Châu Á, Châu Âu tới  Châu Mỹ. Thứ năm, Mỹ có hệ thống đồng minh rộng khắp thế giới.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay thì Mỹ là nhân tố rất quan trọng. Đúng là chúng ta có một chương buồn trong quan hệ Việt - Mỹ. Phải nói là cuộc chiến tranh tàn khốc, không ai mong muốn, nhưng hơn 40 năm đã trôi qua rồi, đến lúc phải nhìn về tương lai của dân tộc, vì sự phát triển và an ninh của đât nước.

Đó là lý do vì sao Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng đối tác toàn diện với Mỹ. Với những vấn đề mà tôi vừa phân tích ở trên, chúng ta tin rằng quan hệ Việt- Mỹ sẽ là nhân tố rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Có thể nói, quan hệ Việt Nam và Mỹ đang có những bước phát triển rất nhanh. Đặc biệt trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, khi mà Mỹ đang phải căng sức ra để đối phó với Nga và Trung Quốc. Việc Mỹ cần thêm đồng minh ở châu Á đang tạo ra thuận lợi lớn cho Việt Nam nâng mối quan hệ với Mỹ lên. Liệu Việt Nam và Mỹ có thể nâng quan hệ lên thành đồng minh, hay chí ít cũng là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện?

- Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, trong chính sách đối ngoại Việt Nam không chủ trương xây dựng đồng minh, mà chủ yếu là xây dựng đối tác. Đối tác thì có nhiều loại như đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ Việt - Mỹ hiện nay nằm ở cấp độ đối tác toàn diện, nhấn mạnh đến sự hợp tác toàn diện và hai nước đang cố gắng xây dựng lòng tin chiến lược, lòng tin chính trị để hướng tới quan hệ ngày càng sâu sắc hơn. Còn khi nào nâng lên cao hơn nữa thì hiện nay chưa thể nói trước được. Chỉ biết rằng cả hai bên đang cố gắng và đã nhất trí được với nhau là tiếp tục xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng tin cậy hơn, sâu rộng hơn, toàn diện hơn.

Vấn đề thứ hai mà tôi muốn nói là mối quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung, Trung - Nga. Thế giới hiện nay đang hình thành 3 trục chính. Trục thứ nhất là Nga một bên và Mỹ với phương Tây một bên, đối đầu xung quanh vấn đề Ukraine, Syria và vấn đề châu Âu. Trục thứ hai là Trung - Mỹ. Trung Quốc một bên còn Mỹ, Australia và một số đối tác, đồng minh của Mỹ một bên, xung đột xung quanh vấn đề biển đảo ở Châu Á - TBD. Trục thứ ba là ở giữa hai trục này, tức là Mỹ, Nga và các nước lớn cùng nhau liên kết chống IS ở Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố nói chung.

Đây là ba trục rất quan trọng trong quan hệ của các nước lớn và nó đang tập hợp lực lượng xoay quanh 3 trục này này. Trong việc tập trung lực lượng, Mỹ phân biệt rất rõ 3 đối tượng: đồng minh, đối tác và bạn bè. Với Mỹ, hiện nay Việt Nam nằm ở nhóm đối tác. Tức là trên mức bạn bè, nhưng chưa phải đồng minh. Mỹ tập hợp lực lượng trên cơ sở tương đồng về lợi ích. Tức là những gì tương đồng thì họ sẽ hợp tác với nhau. Thế giới ngày nay rất thực dụng, vừa hợp tác vừa đấu tranh đan xen. Trong đối tượng có đối tác, những cái gì tương đồng với nhau thì họ hợp tác với nhau, còn những vấn đề gì mâu thuẫn thì hai bên tiếp tục đấu tranh với nhau, nhưng không dẫn đến đổ vỡ và gây ra chiến tranh. Đó là xu thế rất rõ. Thế thì quan hệ Viêt - Mỹ nằm trong bối cảnh các nước lớn, đặc biệt là Mỹ - Trung, Mỹ - Nga cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy chúng ta phải hết sức cân bằng, phải chủ động không để bị lôi kéo hay xô đẩy về phía này chống lại phía kia.

Cân bằng như thế nào? Ông có thể nói rõ hơn không?

-Trong khi Tổng thống Obama chuẩn bị thăm Việt Nam thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đi sang Nga. Sang Nga không chỉ dự Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 20 năm quan hệ Nga - Asean, mà còn là để thúc đẩy quan hệ Việt - Nga. Thăm Nga là chuyến đi thăm nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị là Thủ tướng. Ông Ngô Xuân Lịch cũng đi thăm Nga đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng. Điều đó cho thấy chúng ta rất coi trọng quan hệ với Nga. Trước khi đón Tổng thống Mỹ Barack Obama chúng ta đã làm như vậy.

Nếu chúng ta xâu chuỗi lại các sự kiện thì có thể thấy rõ là Việt Nam đang thực hiện một chính sách đối ngoại năng động, chủ động và cân bằng giữa các nước lớn để tạo những xung lực mới trong quan hệ đối ngoại. Chính vì vậy mà trong quan hệ Việt - Mỹ cũng như là Việt - Nga, hay Việt - Trung, có thể nói cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta hết sức chủ động thực hiện một chính sách cân bằng để chúng ta giữ được một vị thế có lợi nhất trong quan hệ với các nước lớn và mục đích cuối cùng của chúng ta là tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình và ổn định. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực, điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Ông vừa nói đến chính sách cân bằng với các nước lớn, nhưng trên thực tế thì quan hệ Việt - Mỹ đang mang lại những kết quả thiết thực hơn các đối tác chiến lược khác, mặc dù Mỹ mới chỉ là đối tác toàn diện. Nếu trong chuyến thăm Việt Nam vào 23/5 tới, Tổng thống Obama tuyên bố bỏ cấm vận buôn bán vũ khí và cam kết giúp Việt Nam thực hiện TPP, liệu đây có là một bước tiến nữa tới mối quan hệ đồng minh, mặc dù không bên nào thừa nhận?

-Trước mắt trong 5 đến 10 năm tới tôi nghĩ là hai nước chưa thể là đồng minh được. Bởi có mấy vấn đề sau: Việc ông Obama có bỏ cấm vận vũ khí hay không là phụ thuộc vào việc Mỹ tính toán trên cơ sở lợi ích, chứ không phải họ bỏ cấm vận vũ khí vì muốn lôi kéo chúng ta.

Thứ nhất, nếu Mỹ có gỡ bỏ cấm vận vũ khí thì trước mắt cũng chưa có tác dụng lắm với Việt Nam. Bởi vì, về cơ bản, hệ thống vũ khí của Việt Nam hiện nay vẫn là mua từ Nga. Vì vậy, nếu Mỹ có gỡ bỏ cấm vận thì cũng chưa thể thay đổi được ngay hệ thống này mà cần phải có lộ trình và thời gian.

Thứ hai là TPP. Đây là câu chuyện hoàn toàn khác. Rất nhiều người hỏi tại sao kinh tế Việt Nam còn yếu kém thế lại cứ “nhảy bổ” vào TPP?  Xin thưa, nếu nhìn vào các cấu trúc, nội hàm của TPP thì rất giống với chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta được Đại hội Đảng XI (năm 2011) thông qua như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng, rồi cải cách chi tiêu công v.v.

Đấy là những chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước ta đề ra để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, mà những nội hàm đó có trong TPP. Do vậy, thực chất chúng ta tham gia vào TPP là để bổ trợ và góp phần thực hiện tốt hơn những chủ trương, đường lối phát triển kinh tế xã hội đất nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã đề ra. Đó là sự chủ động chứ không phải chúng ta bị cuốn theo Mỹ hay một nước nào đó. Chỉ có điều là tiềm lực chúng ta còn hạn chế. Vì vậy trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ từng bước tiệm cận với chuẩn mực chung của thế giới.  

Chuyến thăm Việt Nam ngày 23/5 tới của Tổng thống Mỹ Obama được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội.

Nga không bao giờ bán rẻ đồng minh

Xin chuyển sang chủ đề quan hệ Việt - Nga. Có thể nói quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây và Nga ngày nay là rất tốt đẹp. Nhiều thế hệ người Việt Nam có tình cảm sâu nặng với nước Nga. Tuy nhiên gần đây, khi phát biểu về tình hình Biển Đông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thể hiện quan điểm trái với quan điểm của Việt Nam. Liệu đây có là dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt - Nga sẽ không còn được như trước?

- Nói về quan hệ giữa một quốc gia với một quốc gia có lẽ chúng ta nên nhìn nhận một cách có hệ thống, chứ không vì một câu nói của một vài cá nhân mà phán xét cả mối quan hệ. Nếu nhìn lại quan hệ Việt - Nga, chúng ta thấy mối quan hệ đó đã được thử thách cả trong chiến tranh và trong hòa bình.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, phải nói rằng, chúng ta và Nga có được nền tảng chính trị rất vững chắc: có sự tin cậy nhau rất cao. Thứ hai là nền tảng về nguồn lực. Rất nhiều người Việt Nam được đào tạo, được học hành ở nước Nga, yêu quý nước Nga. Đó là những vốn vô cùng quý báu. Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ mối quan hệ nào khác, nếu không được vun đắp, không được chăm bón thì dần dần nó sẽ mai một đi.

Có một thực tế là thời thế đã có rất nhiều thay đổi. Việc Nga sáp nhập Crimea đã làm cho quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi. Việc làm này của Nga, xét từ góc độ quốc tế, có nhiều điểm chưa ổn. Thứ nhất, nó có thể tạo tiền đề nguy hiểm cho các nước khác, nhất là Trung Quốc với vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng vấn đề này nguy hại hơn là câu nói của ông Ngoại trưởng. Thứ hai, sau khi nước Nga sáp nhập Crimea, Nga bị Mỹ và phương Tây bao vây, cô lập, nên mặt trận phía Tây của Nga với Châu Âu rất khó khăn, buộc Nga phải xoay trục sang phía Đông. Có thể thấy Mỹ xoay trục sang Châu Á - TBD là chiến lược chủ động, còn Nga là bị động. Chính vì vậy mới có Hội nghị tại Sochi kỷ niệm 20 năm quan hệ Nga - ASEAN. Cũng cần nói thêm là hiện nay Nga đang mở cửa rất rộng để các nước đầu tư vào vực Viễn Đông của Nga.

Từ những khó khăn kinh tế như vậy Nga buộc phải tính tới việc điều chỉnh quan hệ với một số nước trong đó có Việt Nam?

- Nếu để ý kỹ chính sách đối ngoại của Nga thì chúng thấy có mấy điểm thế này: Thứ nhất, mặc dù có một vài tuyên bố như vậy, nhưng nước Nga về cơ bản, vẫn trung lập trong những vấn đề tranh chấp về biên giới lãnh thổ và ở Biển Đông. Nga có một quan điểm không thuận cho Việt Nam. Đó là họ muốn xử lý vấn đề Biển Đông từ góc độ song phương, bởi vì bản thân Nga cũng có vấn đề về tranh chấp biển, đảo với một số nước khác.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì thấy, ngày 15/05/2016, tại cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nga thì lập trường của Nga về Biển Đông có mấy điểm đáng chú ý như sau: Một là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. Hai là dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ba là tự do an ninh, an toàn hàng hải cần phải được bảo đảm. Bốn là thực hiện nghiêm chính DOC và hướng với COC. Như vậy, quan điểm của Nga trong vấn đề Biển Đông, về cơ bản, là thuận, chỉ có một vài điểm nhỏ họ lăn tăn... thì cái đó chúng ta phải tiếp tục theo dõi thêm bởi vì họ cũng có vấn đề nộ tại của họ.

Nhưng ở đây có một điều chúng ta mong muốn rằng, thôi thì Nga không phát biểu cũng được, nhưng “ông ấy” đảm bảo cho chúng ta hai điều: Một là tiếp tục hợp tác với Việt Nam về dầu khí trên vùng thềm lục địa và các khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam như đã thỏa thuận. Hai là cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại vũ khí, trang thiết bị mà hai bên đã ký kết và sẵn sàng cung cấp thêm nếu cần. Duy trì được hai điểm đó là ổn, còn họ làm thêm được cái gì tốt hơn thì càng tốt. Nên ở đây có thể nói rằng, riêng lập trường của Nga thì chúng ta không ngại lắm, miễn là họ đừng đi quá giới hạn. Cá nhân tôi cũng là người theo dõi quan hệ Việt - Nga trong một thời gian dài thì thấy Nga không bao giờ bán rẻ đồng minh cả, nhưng liệu họ đã làm hết sức hay chưa thì là vấn đề khác.

Phải giữ được hòa bình, ổn định để phát triển

Phức tạp nhất vẫn là quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, mặc dù họ là một trong 2 đối tác chiến lược toàn diện. Ông nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ này?

- Dân tộc Việt Nam có một lợi thế rất lớn là chúng ta ở một vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, là nơi kết nối giữa Đông Nam Á và lục địa, Đông Nam Á và hải đảo. Đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S, nữa trên phía Bắc là Bắc của Đông Nam Á, xuống phía Nam là phía Nam của Đông Nam Á, lại là nơi tiếp giáp giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đồng thời là nơi giao thoa của nhiều tuyến đường hàng hải. Nhưng chúng ta cũng có một “định mệnh” lịch sử là phải sống vĩnh viễn với một người bạn láng giềng mà tham vọng nghìn năm của họ thì người dân Việt Nam nào cũng hiểu.

Trong bối cảnh đó, thì trong quan hệ Viêt- Trung yếu tố ổn định và hữu nghị là cực kỳ quan trọng. “Ông” Trung Quốc là nước lớn, “ông” muốn “tôi” gọi là gì cũng được, anh, chú, bác, không sao cả, nhưng “anh” chỉ cho “em” xin hai chữ bình yên thôi để “em” còn làm ăn, còn “anh” muốn chơi với ai “anh” cứ chơi.

Hơn nữa, Trung Quốc có tham vọng vươn lên trở thành cường quốc biển toàn cầu và đúng là họ đang tìm cách lấn lướt để từng bước thực hiện mưu đồ khống chế Biển Đông. Việc làm này của Trung Quốc, không riêng gì chúng ta bị đe dọa, mà hầu hết các nước ở khu vực Đông Nam Á, từ Philippines, Indonesia, Malaysia đến Brunei đều bị ảnh hưởng, bị đe dọa.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta có kế sách gì để đối phó với những tham vọng của Trung Quốc, thưa ông?

- Cả ngàn năm sống cạnh Trung Quốc chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý mối quan hệ phức tạp này. Người dân bức xúc là hoàn toàn chính đáng, nhưng trong việc xử lý vấn đề với Trung Quốc phải biết kiềm chế, phải biết nhìn thấu ý đồ của họ để có biện pháp phù hợp. Đảng và Nhà nước ta không có ai lại đi bán một tấc đất cho nước ngoài, đã là người Việt Nam thì trong huyết quản của mỗi đều có lòng yêu nước và bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Có những vấn đề trong bối cảnh cụ thể chúng ta chưa thể thông báo đầy đủ được.  

Chuyện Trung Quốc đang từng bước lấn chiếm và bồi đắp các đảo nhân tạo là hết sức nguy hiểm và gây ra rất nhiều bức xúc. 40 năm qua 10 nước Asean cải tạo được 48ha ở Biển Đông, trong khi đó, riêng Trung Quốc chỉ trong vòng 3 năm qua, đã cải tạo được gần 1300ha, bất chấp dư luận phản đối. Dư luận quốc tế lên án, phản đối họ. Đấy là điểm yếu của họ. Chúng ta phải nhìn vào đó để đối phó, để đấu tranh. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài.

Cái mà chúng ta cần làm hiện nay là xây dựng sự đồng thuận trong nội bộ và thống nhất cách xử lý vấn đề. Điều mà tôi muốn nói là bảo vệ tổ quốc trong tình hình hiện nay rất khác so với trước đây. Trước đây, ông cha ta có thể “vườn không nhà trống” để đánh giặc, nhưng bây giờ không thể làm như thế được nữa. Bây giờ, bảo vệ tổ quốc nhưng phải giữ được hòa bình, ổn định để phát triển.

Xin cám ơn ông!