Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?

VietTimes – Thời tiết diễn biến phức tạp ngay trong cùng một ngày như hiện nay đang khiến số bệnh nhân - cả trẻ em và người lớn - bị viêm da cơ địa tìm đến các bệnh viện và chuyên khoa da liễu tăng cao. Viêm da cơ địa tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng không dễ điều trị dứt điểm và làm cho người bệnh gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày và thiếu tự tin trong giao tiếp.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa
 

VIÊM DA CƠ ĐỊA CÓ LÂY KHÔNG?

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Da liễu Trung ương, viêm da cơ địa là một bệnh viêm da, ngứa do tổng hợp của nhiều yếu tố: Trong bệnh viêm da cơ địa có sự giảm các chất gắn kết tế bào da làm cho da mất nước, dẫn đến da khô.

Tuy không lây từ người này sang người khác, nhưng bệnh lại có yếu tố di truyền. Người bị viêm cơ địa đa số có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng,...  Bệnh có xu hướng nặng hơn khi có sự rối loạn điều hòa miễn dịch của cơ thể.

Một số yếu tố khác: Yếu tố stress, thay đổi thời tiết, khí hậu, dị ứng, hóa chất gây kích thích,... cũng liên quan đến sự xuất hiện của bệnh hoặc làm bệnh nặng lên; các tế bào sừng, tế bào lympho T, tế bào trình diện kháng nguyên, nồng độ IgE trong máu cũng gây những tác động đến bệnh.

VIÊM DA CƠ ĐỊA CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Bệnh thường có biểu hiện thành từng đợt, tái phát nhiều lần, dù không để lại biến chứng nguy hiểm nhưng vì ngứa và gãi nhiều, tổn thương có thể bị nhiễm trùng do những vết xước trong khi gãi hoặc vệ sinh kém. Những tổn thương đó có thể để lại sẹo xấu, mất thẩm mỹ.

Trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng Viêm cầu thận. Vì vậy, người bệnh cần đến khám bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn kiểm soát và điều trị phù hợp.

CẦN LÀM GÌ KHI BỊ VIÊM DA CƠ ĐỊA?

Đây là bệnh da mạn tính, có đặc điểm là hay tái phát. Mục tiêu chính của việc điều trị viêm da cơ địa là loại trừ ngứa và tình trạng viêm ở da, ngăn chặn các cơn bùng phát trong tương lai.

Các chuyên gia da liễu cũng lưu ý bệnh nhân hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát:

Tránh thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn, gối, nệm, thảm và màn cửa thường xuyên, tránh khói thuốc lá và môi trường bụi bặm.

Tắm không quá lâu và sử dụng nước ấm hơn là nước nóng.

Nên dùng một loại nước hoa, xà phòng cố định và có tính tẩy rửa nhẹ nhàng; nếu muốn thay đổi, nên thử trên một vùng da mỏng trước để xem có gây kích ứng hay không.

Hạn chế gãi da đến mức tối thiểu; đối với trẻ nhỏ, cần cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.

Khi trời nóng, cần mặc quần áo thoáng mát. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng da với các loại kem, sáp giữ ẩm. Uống đủ nước.