Vị trí của phái đẹp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở đâu?

Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ai cũng phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, phải nỗ lực vượt qua chính mình. Câu hỏi được đặt ra đó là, để bắt kịp công nghệ 4.0, phái đẹp cần làm gì và bắt đầu từ đâu?

Đây là câu hỏi được đặt ra tại Giao lưu “Phái đẹp với Cách mạng Công nghiệp 4.0” do Code.org (tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ) phối hợp với Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH tổ chức tại Hà Nội. Qua những phần chia sẻ rất thực tế và thú vị của các diễn giả, các đại biểu cùng sinh viên tham dự Giao lưu đã phần nào có thêm những thông tin đầy đủ hơn về vai trò và năng lực của phụ nữ trong ngành CNTT nói riêng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nói chung, từ đó truyền cảm hứng mạnh mẽ, động viên phái đẹp gia nhập lực lượng nhân lực ngành CNTT.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cho rằng, hiện nay mọi người ai cũng nói đến ngành công nghiệp 4.0, nhưng chưa ai hiểu được rõ công nghiệp 4.0 là gì và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống của chúng ta như thế nào. Nếu như với trật tự công nghệ thông tin truyền thông trước đây, Việt Nam rất khó khăn để hợp tác với các đối tác trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng với sự tiến bộ trong ngành như hiện nay, Việt Nam lại có rất nhiêu cơ hội để hợp tác và vươn xa hơn dưới sự hỗ trợ của công nghệ công tin. Đặc biệt chúng ta lại có một nguồn nhân lực rất dồi dào, tuy nhiên đó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại sứ chương trình Giờ Lập trình được tổ chức lần đầu tiên tại VN.

Bà Giang chia sẻ, trong một buổi công tác ở Hà Lan, bà có nêu lên thế mạnh của Viêt Nam về nguồn nhân lực. Một chuyên gia tư vấn ở Hà Lan đã đưa ra những thông tin chiến bà thực sự thấm thía: “Nếu các bạn nói rằng nguồn nhân lực của các bạn là thế mạnh, vậy trong tương lai mọi ngành đều được tự động hóa hết, nguồn nhân lực của các bạn sẽ bị thay thế bởi máy móc và các thiết bị tiên tiến. Nguồn nhân lực dồi dào, giá cả lao động cạnh tranh nhưng chưa được nâng cao trình độ thì đó là một sự thiệt thòi”. Ở thời điểm này, chúng ta có thể thấy sự quan trọng của ngành công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến đời sống như thế nào. Mọi hoạt động trong cuộc sống đều có sự hỗ trợ của công nghệ.

Sự quan trọng của ngành công nghiệp 4.0 kéo theo sự bùng nổ nhân lực có trình độ cao trong cuộc cách mạng này là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng người ta thường mặc định dù phái đẹp có nỗ lực như thế nào thì cũng không được đánh giá cao như phái mạnh trong lĩnh vực này.

Với thực tế này, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hoa khôi thể thao 1995, Á hậu Quý bà 2011, Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Truyền Thông và Đầu Tư Nam Hương cho rằng, đây là thời điểm để phái đẹp khẳng định vị thế của mình. Là người sáng lập và điều hành mạng lưới quốc tế, bà Thu Hương đã có cơ hội gặp gỡ các nữ lãnh đạo tài giỏi trên thế giới. Bà Thu Hương nhận ra, các nước bạn rất chú trọng đến công nghệ thông tin. Vì công nghệ hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc quản trị doanh nghiệp và quản lý nguồn nhân lực.

Theo bà Thu Hương, khi chúng ta mong muốn phái đẹp tiếp nhận công nghệ cần phải có thời gian. Bản thân các nữ lãnh đạo của Việt Nam mà không tự thay đổi và tiếp cận đến những công nghệ mới thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với công nghệ, chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí, gia tăng cơ hội kinh doanh cho chính mình.

Bà Thu Hương cho rằng, hiện giờ, tỷ lệ nam và nữ trong ngành công nghệ và cơ hội là như nhau. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, cơ hội của phụ nữ rất nhiều. Bà Thu Hương đưa ra ví dụ tỉ lệ phụ nữ bán hàng online nhiều hơn nam giới và kiếm được nhiều tiền từ bán hàng online nhiều hơn nam giới. Jack Ma cũng từng nói tỉ lệ nữ giới làm việc trong tập đoàn của ông nhiều hơn nam giới vì sự cẩn trọng, tỉ mỉ và kiên nhẫn của người phụ nữ. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần sự hợp tác giữa nam và nữ để cân bằng trong công việc, sự thông cảm, hiểu biết hỗ trợ lẫn nhau.

“Tại sao phụ nữ ít tham gia vào công nghệ? Vì cái hình ảnh của phụ nữ xuất hiện ở trong công nghệ nó chưa quyến rũ, nó chưa hấp dẫn khiến cho các bạn nghĩ vào trong lĩnh vực đó là phải đeo kính 4 mắt, rồi kì cụi với cái bàn phím. Tôi nghĩ đấy là một cái hình ảnh sai lầm. Nếu chúng ta muốn hấp dẫn phụ nữ vào ngành công nghệ, thì chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận. Vì theo nhận định là cả phụ nữ và đàn ông đều thích cái đẹp, mà phụ nữ rất sợ mình bị xấu nên họ cứ lựa chọn ngành nào là mình phải đẹp. Nhưng mà tôi nghĩ đây là một chiến lược mà các bạn nên suy nghĩ” - bà Thu Hương chia sẻ.

Được biết, trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Chương trình Giờ Lập trình lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nhằm truyền cảm hứng về lập trình trên toàn thế giới và khuyến khích, hỗ trợ các bạn trẻ tham gia lĩnh vực CNTT với tầm nhìn là tất cả các bạn trẻ ở khắp mọi nơi đều có cơ hội học lập trình tương tự như các môn cơ bản Toán, Lý, Hóa… Giờ Lập trình là chương trình toàn cầu phi lợi nhuận được thành lập tại Mỹ, đã được lan tỏa trên 180 quốc gia, tới 10 triệu bạn trẻ, cùng sự tham dự của các nhân vật nổi tiếng như Cựu Tổng thống Hoa kỳ Barak Obama, Cầu thủ bóng đá Neymar, Ca sỹ Taylor Swift… Chương trình Giờ Lập trình được bảo trợ bởi các Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới như: Amazon, Facebook, Google, Microsoft và rất nhiều các tập đoàn khác.

Theo VnMedia

http://vnmedia.vn/cong-nghe/201807/vi-tri-cua-phai-dep-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-o-dau-609388/