Vì sao tỷ giá “dậy sóng”, tăng kịch trần?

Tới cuối giờ chiều 6/5, hầu hết các ngân hàng đều đã đẩy mức bán ra lên tới 21.673 đồng/USD, kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tình hình tỷ giá đang diễn biến khá căng thẳng.
Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đang khá căng thẳng, một phần nguyên nhân do đầu cơ và cầu thực của thị trường
Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đang khá căng thẳng, một phần nguyên nhân do đầu cơ và cầu thực của thị trường

Sau thời gian ngắn “lặng sóng”, vài ngày trở lại đây tỷ giá đồng USD trong hệ thống ngân hàng lại đang “nóng rẫy” trở lại. Tới cuối giờ chiều 6/5, hầu hết các ngân hàng đều đã đẩy mức bán ra lên tới 21.673 đồng/USD, kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá đang rất căng

Hiện giá bán phổ biến tại các ngân hàng ở mức 21.670 – 21.673 đồng/USD, còn giá mua vào giao động từ 21.600 đồng/USD - 21.630 đồng/USD.

Cụ thể tới cuối giờ giao dịch ngày 6/5, Vietcombank và VietinBank cùng giữ nguyên mức giá mua – bán ở 21.610 - 21.670 đồng/USD.

Trong khi, BIDV tăng 30 đồng ở giá mua và tăng 10 đồng ở giá bán so với ngày hôm qua, lên mức 21.630 - 21.670 đồng/USD.

Một số nhà băng khác như Eximbank, TPBank, DongABank, ACB, Techcombank… đều đã đẩy tỷ giá giao dịch bán ra lên mức kịch trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ở mức 21.673 đồng/USD; chiều thu mua dao động 21.613 – 21.630 đồng/USD.

Chiều 6/5, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được duy trì ổn định ở mức 21.458 đồng/USD; giá mua – bán USD của Sở Giao dịch NHNN cũng vẫn được niêm yết ở mức 21.350 - 21.600 đồng/USD.

Chia sẻ với Infonet, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, áp lực tỷ giá tăng “nóng” trong vài ngày trở lại đây không loại trừ yếu tố đầu cơ. “Một số nhà đầu cơ vừa rồi thu gom USD và chờ tới khi giá tăng sẽ xả hàng nên là một phần nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng” – ông nói.

Nhưng khác với diễn biến tỷ giá tăng nóng thời gian trước đây, ngoài yếu tố tâm lý, đầu cơ thì TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu của thị trường là có thực. Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia này đưa ra dẫn chứng, chính việc nhập siêu tăng mạnh trở lại trong 4 tháng qua khi nền kinh tế ấm lên đã làm gia tăng nhu cầu ngoại hối trên thị trường, đặc biệt đến từ khối doanh nghiệp nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, rồi Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của cả nước 4 tháng đầu năm đạt 50,1 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 53,1 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng 4 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập siêu 3 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2014 xuất siêu 2 tỷ USD.

Ngoài ra, nhu cầu cần ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ công đến hạn của Chính phủ là không hề nhỏ. Cộng với việc đồng USD đang mạnh lên so với các đồng tiền khác trên rổ tiền tệ thế giới…. là những nguyên nhân “cộng hưởng” mang tính “nhu cầu thực của thị trường có thể nhìn thấy” mà TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đã khiến tỷ giá trong hệ thống ngân hàng tăng kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước 2 ngày qua.

Khi vừa nhận câu hỏi của phóng viên về tình hình tỷ giá 2 ngày qua, Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối một ngân hàng thương mại nói ngắn gọn, “tình hình đang khá căng thẳng. Lần này áp lực từ nhu cầu thị trường là có thực chứ không hẳn do tâm lý như những lần trước. Nếu tỷ giá tiếp tục neo như hiện nay sẽ rất bất lợi”. Vì thế, ở thời điểm này hầu hết các ngân hàng đang “nín thở” chờ đợi một động thái can thiệp từ phía Ngân hàng Nhà nước để làm “nguội bớt” tình hình.

Nên nới biên độ tỷ giá thêm 0,5%?

Một giả thiết đặt ra, trong bối cảnh hiện nay khi lượng dự trữ ngoại hối đang khá dồi dào, khoảng 30 – 40 tỷ USD, cơ quan điều hành có nên cân nhắc “xả quỹ” một lượng vừa đủ để bình ổn thị trường?

Với giả thiết này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khó khả thi, bởi lẽ mức dự trữ ngoại hối hiện nay chỉ tương đương khoảng 12 tuần nhập khẩu, đây là mức dự trữ tối thiểu thể hiện an toàn trong dự trữ ngoại hối của quốc gia. Vì thế cũng không hẳn là dồi dào như nhiều người nghĩ. “Mức dự trữ ngoại hối đó có thể coi là khả quan, nhưng nếu bán ra sẽ cạn kiệt, điều này  không tốt về dài hạn cho năng lực ngoại hối của Nhà nước” – ông bình luận.

Chưa kể, nếu bơm ngoại tệ để bình ổn thị trường, theo ông Hiếu sẽ kéo theo rủi ro đi kèm khi tiền đồng sẽ bị hút về. Hệ lụy của động thái này sẽ làm dự trữ ngoại hối bị xói mòn và tiền đồng trở nên khan hiếm, đẩy lãi suất tăng cao. Đây là điều không nhà điều hành nào mong muốn khi đã mất khá nhiều thời gian để ổn định mặt bằng lãi suất.

Còn trong trường hợp cơ quan điều hành tiếp tục bám trụ và “neo” tỷ giá như hiện nay, thì chỉ có thể “trụ” thêm một thời gian ngắn. Bởi, càng kéo dài sẽ càng có lợi cho giới đầu cơ có cơ hội “ăn trên lưng”, mua từ NHNN giá thấp rồi bán ra trên thị trường tự do giá cao hơn để trục lợi. Chưa kể việc “neo” tỷ giá cũng khiến chi phí cơ hội của NHNN tăng cao.

“Việc giữ ổn định đồng tiền Việt Nam để tạo niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư là tốt. Nhưng trước những biến động bất thường và khó lường như hiện nay cách tốt nhất là NHNN nên điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý để tránh thiệt hại cho nền kinh tế” – ông Hiếu quả quyết.

Vậy, mức điều chỉnh tỷ giá bao nhiêu sẽ được cho là hợp lý ở thời điểm này? Vị chuyên gia này đưa ra con số, “có thể điều chỉnh ở biên độ hẹp 0,5% trong số biên độ 1% dư địa còn lại trong năm nay”.

“Đồng USD đang có những biến động nằm ngoài tầm kiểm soát, dù rằng mục tiêu điều hành của chúng ta cả năm tỷ giá sẽ không điều chỉnh quá 2%, nhưng cũng không nên quá “cứng”. Khi thị trường có biến động, tránh thiệt hại cho nền kinh tế, tôi nghĩ năm nay tỷ giá cần điều chỉnh 3% là hợp lý”- ông Hiếu nhìn nhận.

Tuy nhiên, tới chiều 6/5 vẫn không có một thông điệp nào từ phía NHNN để trấn an và bình ổn thị trường tỷ giá. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô do Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) vừa phát hành, BSC nhận định sự ổn định của đồng VND trong thời gian dài vừa qua đã giúp gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm tình trạng đôla hóa cũng như hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, tỷ giá nhiều khả năng vẫn được NHNN ưu tiên bình ổn.

Theo Infonet