Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Các nhà lãnh đạo hai nước dự kiến ​​sẽ gặp ông Biden tại Washington trong tuần này, trong khi các nhà ngoại giao của cả hai nước cũng sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng đàm phán để nước này đồng ý.
Ngày 18/5, đại diện hai nước Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập NATO lên Tổng thư ký Jens Stoltenberg (Ảnh: VCG).
Ngày 18/5, đại diện hai nước Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập NATO lên Tổng thư ký Jens Stoltenberg (Ảnh: VCG).

Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Matti Vanhanen nói hôm thứ Ba (17/5) Quốc hội Phần Lan đã thông qua đơn gia nhập NATO của nước này với 188 phiếu thuận và 8 phiếu chống. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau hai ngày thảo luận của Quốc hội, trong đó Ủy ban Đối ngoại cho rằng "Chính sách xâm lược lâu nay của Nga và mục tiêu phân chia châu Âu thành một khu vực ảnh hưởng mới của họ đã xuất hiện tình hình mới sau khi họ đưa quân vào xâm lược Ukraine."

Ủy ban này bổ sung: "Nếu chúng ta không đáp lại, điều đó sẽ dẫn đến chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng ở Phần Lan bị thu hẹp hơn".

Cuộc bỏ phiếu này đã mở đường cho Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO, nhưng Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto vẫn phải ký vào đơn và nộp lên trụ sở NATO ở Brussels.

Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nhau nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày thứ Tư (18/5). Chính phủ Thụy Điển ngày 16/5 đã bỏ phiếu để xin gia nhập NATO, và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde đã ký đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vào sáng ngày 17/5.

Bà Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto: "Tôi rất vui vì chúng ta đang đi trên cùng một con đường và chúng ta có thể cùng nhau làm điều đó".

Quốc hội Phần Lan ngày 17/5 đã bỏ phiếu thông qua việc xin gia nhập NATO.

Quốc hội Phần Lan ngày 17/5 đã bỏ phiếu thông qua việc xin gia nhập NATO.

Trong số ít các nghị sĩ phản đối việc Phần Lan gia nhập NATO, nghị sĩ Markus Mustajarvi của Liên minh Cánh tả Phần Lan nói, biên giới của Phần Lan sẽ trở thành "biên giới của liên minh quân sự NATO và Nga". Ông nói: “Tình hình căng thẳng mới sẽ không chỉ là rủi ro trong quá trình áp dụng mà còn là điều kiện lâu dài mới của chính sách đối ngoại và an ninh của chúng tôi”.

Nhà Trắng ngày 17/5 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp các nhà lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển tại Washington vào thứ Năm (19/5) để thảo luận về việc hai nước xin gia nhập NATO, an ninh châu Âu và tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ của ba nước trên phạm vi toàn cầu và việc hỗ trợ cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Thụy Điển và Phần Lan trong quá trình hai nước nộp đơn. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là ở khu vực biển Baltic”.

Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành chìa khóa cho việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO. Do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 16/5 lên tiếng công khai phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, các nhà ngoại giao của hai nước có kế hoạch tới Ankara trong tuần này để hội đàm với đại diện của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Phần Lan Niinisto ngày 17/5 cho biết mặc dù tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên cứng rắn hơn trong vài ngày qua, nhưng ông tin chắc rằng tình hình có thể được giải quyết bằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, thông báo hai nước cùng xin gia nhập NATO.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, thông báo hai nước cùng xin gia nhập NATO.

Trước đó, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều lên tiếng phát biểu, nói họ tin rằng những khác biệt với Thổ Nhĩ Kỳ có thể được khắc phục, mặc dù họ đều nghi ngờ về những điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khi đồng ý để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Theo một tuyên bố của NATO ngày 17/5, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg sẽ gặp đại sứ của Phần Lan và Thụy Điển vào ngày thứ Tư (18/5). Ông Stoltenberg đã nhiều lần nói rằng NATO sẽ mở rộng vòng tay chào đón Phần Lan và Thụy Điển. Cùng ngày, ông Josep Borrell, Trưởng ban chính sách đối ngoại của EU cho biết, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ củng cố liên minh quân sự của phương Tây và cho phép có nhiều lựa chọn hơn để đối phó với các mối đe dọa ở biên giới. Ông nói thêm rằng, điều ngược lại với những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn đạt được đang xảy ra vì hai quốc gia trung lập về quân sự trước đây nay đang xin gia nhập NATO.

Phát biểu tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Brussels, ông Borrell cho biết ông cho rằng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi ở châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói, Thụy Điển và Phần Lan sẽ là hai "đối tác mạnh" của NATO. Về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc mở rộng NATO, ông Borrell và bà Lambrecht cho rằng họ tin rằng NATO sẽ dẹp yên được những lo ngại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Trang tin Hồng Kông Đông Phương đưa tin, Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nhau đệ trình đơn gia nhập NATO vào thứ Tư (18/5) và đã được đích thân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp nhận.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm thứ Ba (17/5) nói rằng Phần Lan, giống như Thụy Điển và các nước trung lập khác, đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của NATO trong nhiều năm qua, vì vậy việc họ có gia nhập NATO hay không không có sự khác biệt quá lớn; điều Nga quan tâm là NATO sử dụng lãnh thổ của hai nước này như thế nào.

Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Trước đó, Tổng thống Phần Lan Niinisto đã đến Thụy Điển trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày vào thứ Ba (17/5), ông đã tổ chức một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Andersson, cho biết hai nước đã hợp tác trong vài tháng qua và hiện cùng đăng ký gia nhập NATO, đây là thể hiện cho thắng lợi của dân chủ.

Bà Andersson cho rằng, việc hai nước cùng tham gia NATO sẽ không chỉ nâng cao khả năng phòng thủ của NATO mà còn khiến các khu vực Bắc Âu và Baltic trở nên an toàn hơn. Cả hai đều cho biết họ không lo lắng về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Niinisto thậm chí cho biết ông vẫn lạc quan về việc giành được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?

Ngày 18/5, hãng Bloomberg đưa tin 3 quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra "danh sách các yêu cầu" đối với việc đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO; trong đó có việc yêu cầu hai nước "không chỉ lên án công khai Đảng Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) mà còn công khai lên án các chi nhánh của nó”; chấm dứt các hạn chế xuất khẩu vũ khí của hai nước này và các nước thành viên EU khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tái đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Hãng tin Bloomberg viết về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Hãng tin Bloomberg viết về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngoài PKK, nước này sẽ không mặc cả về các vấn đề khác, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có "sự bất mãn sâu sắc" với NATO, vì vậy "danh sách yêu cầu" đối với khối này cũng sẽ dài. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu ngày 16/5 xác nhận rằng nước này muốn Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các báo, Tổng thống Phần Lan Niinisto cho biết lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được "kiểm soát thông qua các cuộc thảo luận" và sẽ không đáp ứng bất kỳ yêu cầu cụ thể nào của Thổ. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Haavisto cho biết, Chính phủ Phần Lan vẫn giữ liên lạc với các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng về PKK, Phần Lan sẵn sàng liệt tổ chức này vào danh sách khủng bố và cấm PKK hoạt động ở Phần Lan.

Sau khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ, Phần Lan và Thụy Điển đã lựa chọn nộp đơn gia nhập NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ; Tổng thống Erdogan còn nói hôm 16/5: bất cứ nỗ lực nào nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường đều vô ích.

Thông tin công khai cho thấy, để một quốc gia gia nhập NATO phải được sự nhất trí của cả 30 quốc gia thành viên. Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên được hưởng "quyền bỏ phiếu phủ quyết" về vấn đề này.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Erdogan và cố vấn chính sách đối ngoại Ibrahim Kalin hôm 14/5 cũng tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cửa để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, mà hy vọng sẽ đàm phán với các nước Bắc Âu và yêu cầu họ tấn công "các hoạt động khủng bố" của PKK ở Stockholm và những nơi khác.

Bloomberg chỉ ra rằng mặc dù tất cả các quốc gia thành viên NATO đều công nhận PKK là tổ chức khủng bố ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiều nước thành viên ủng hộ, thậm chí trang bị cho cho chi nhánh ở Syria của tổ chức này là YPG để chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS) - đây là một trong những những nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng trong nội bộ NATO.

Ông Erdogan ngày 13/5 cũng tuyên bố công khai rằng Phần Lan và Thụy Điển là "căn cứ địa của nhiều tổ chức khủng bố" và "Các nước Scandinavia là khách sạn nhỏ cho các tổ chức khủng bố; chúng thậm chí còn là thành viên quốc hội ở một số quốc gia. Chúng tôi không thể chấp thuận (để họ tham gia NATO)”.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được Bloomberg phỏng vấn đã chỉ ra rằng việc xác định PKK là "tổ chức khủng bố" là chưa đủ; Phần Lan và Thụy Điển phải làm nhiều hơn nữa để trấn áp những kẻ ủng hộ PKK hoạt động ở nước họ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đang để mắt đến vấn đề buôn bán vũ khí. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này muốn Thụy Điển và Phần Lan, cũng như một số quốc gia thành viên EU khác, chấm dứt các hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không có hoạt động buôn bán vũ khí lớn với hai nước và cũng không tìm kiếm bất kỳ hoạt động mua quốc phòng lớn nào từ hai nước, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara sẽ không chấp nhận mở rộng liên minh quân sự với các quốc gia ngăn cản các giao dịch vũ khí.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng xác nhận vào ngày 16/5 rằng nước này hy vọng Thụy Điển và Phần Lan sẽ dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc hạn chế xuất khẩu vũ khí "đi ngược lại tinh thần của NATO".

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng sẽ tham gia trở lại chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cấm tham gia vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.

Hình ảnh được cho là Nga đang vận chuyển các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander tới Vyborg ở tỉnh Leningrad, nơi chỉ cách Phần Lan 38km.

Hình ảnh được cho là Nga đang vận chuyển các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander tới Vyborg ở tỉnh Leningrad, nơi chỉ cách Phần Lan 38km.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn mua mấy chục chiếc F-16 từ Mỹ và nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu hiện tại của nước này. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với họ vì sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ không mặc cả về các vấn đề khác ngoài PKK, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có "sự bất mãn sâu sắc" với NATO, vì vậy "danh sách yêu cầu" của khối này cũng sẽ dài.

Theo Bloomberg, có quan điểm cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có liên quan đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, hoặc tình bạn cá nhân của ông Erdogan với Tổng thống Nga Putin. Thổ Nhĩ Kỳ đã "tìm kiếm một con đường trung gian" trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, cố gắng cân bằng quan hệ với Moscow và Kiev.

Một quan điểm khác cho rằng động thái của ông Erdogan là muốn để vấn đề PKK thành tầm quốc tế, qua đó củng cố sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm sau.

Đối với cả hai quan điểm trên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được phỏng vấn đều phủ nhận và nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi chính sách đối ngoại phù hợp với lợi ích của mình và nếu đáp ứng được những lo ngại của nước này về các nước Bắc Âu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng ý mở rộng NATO".

Về phía Nga, theo Đông Phương, ngay trước khi Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, quân đội Nga đã chuyển ít nhất 7 hệ thống tên lửa Iskander tới Vyborg ở tỉnh Leningrad, tây bắc nước này, có thể thành lập một đơn vị tên lửa mới. Vyborg chỉ cách biên giới Phần Lan 38 km, tên lửa Iskander có tầm bắn 500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc nhiệt áp.